Doanh nghiệp vận tải hành khách đồng loạt tăng giá vé

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Để đảm bảo hoạt động kinh doanh khi giá xăng dầu tăng mạnh, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh Gia Lai đồng loạt tăng giá vé với mức tăng cao nhất là 25%.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã 12 lần tăng, 3 lần giảm và đang “lập kỷ lục” về giá từ trước tới nay. Hiện tại, giá xăng dầu ở thị trường trong nước phổ biến với mức: xăng E5 RON92 có giá 31.302 đồng/lít, xăng RON95 là 32.873 đồng/lít, dầu diesel 30.019 đồng/lít, dầu hỏa 28.785 đồng/lít.

Trước việc giá xăng dầu tăng phi mã, hoạt động vận tải hành khách dù có tăng trưởng sau khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát nhưng vẫn khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào tình cảnh “khó thở”. Để duy trì hoạt động, 25 doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh, doanh nghiệp kinh doanh taxi trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt điều chỉnh tăng giá vé, giá mở cửa.

 Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách phải tăng giá vé trước áp lực giá xăng dầu tăng cao. Ảnh: Lê Anh
Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách phải tăng giá vé trước áp lực giá xăng dầu tăng cao. Ảnh: Lê Anh


Cụ thể, với các tuyến cố định như: tuyến Bến xe Đức Long Gia Lai-TP. Hồ Chí Minh, giá vé tăng 10-20% ở cả 2 chiều; tuyến từ thị xã An Khê, huyện Đak Đoa, Chư Sê, Đức Cơ… đi TP. Hồ Chí Minh tăng 14-22%; tuyến Gia Lai đi các tỉnh phía Bắc tăng 8-21%; tuyến từ Bến xe Đức Long Gia Lai đi Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng… tăng 10-25%. Ngoài ra, một số hãng kinh doanh taxi cũng tăng giá mở cửa 6-22%, tùy vào số chỗ ngồi trên xe. Mức điều chỉnh tăng giá vé của các doanh nghiệp vận tải lần này bình quân là 15%.

Nói về việc điều chỉnh tăng giá vé, ông Nguyễn Hồng Hải-Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Hồng Hải-phân tích: Sau một thời gian dài phải dừng hoạt động tại một số tuyến do dịch Covid-19, doanh nghiệp chúng tôi cũng rất muốn giữ ổn định mức giá vé để thu hút hành khách quay lại. Thế nhưng, sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì giá xăng dầu lại tăng mạnh khiến chi phí mỗi chuyến tăng hơn 20%. Ví như hiện nay, mỗi chuyến xe từ Gia Lai đi TP. Hồ Chí Minh và ngược lại, Công ty phải bỏ ra chi phí “nóng” như: nhiên liệu, bến bãi, tiền công tài xế… hơn 16 triệu đồng, chưa kể chi phí hao mòn phương tiện. Trong khi đó, lượng khách thời điểm cao nhất mỗi chuyến cũng chỉ đạt 70-80% số ghế cả chiều đi và về. Nếu không điều chỉnh tăng giá vé thì rất khó đảm bảo hoạt động của nhà xe. Tuy nhiên, để chia sẻ khó khăn chung, với các tuyến Gia Lai-TP. Hồ Chí Minh, Gia Lai-Đà Nẵng và chiều ngược lại, chúng tôi chỉ áp dụng mức điều chỉnh tăng 10-20% giá vé.

Cũng liên quan đến việc điều chỉnh tăng giá vé xe, ông Đặng Văn Hiền-Phó Giám đốc điều hành Công ty TNHH Dịch vụ vận tải và du lịch Thuận Tiến Gia Lai-bày tỏ: Điều chỉnh tăng giá vé xe là việc bất khả kháng đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách khi giá xăng dầu tăng cao. Tuy nhiên, trước khi chúng tôi tăng giá vé từ 10% đến 20% cũng đã tham khảo ý kiến của khách hàng, từ đó mới có mức điều chỉnh tăng giá phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích của khách hàng và doanh nghiệp.

Sau khi mua vé xuất bến từ TP. Pleiku đi TP. Hồ Chí Minh (xe limousine, loại 31 phòng) của nhà xe Hồng Hải với giá 350 ngàn đồng (tăng 17%), ông Đinh Văn Học (thôn Tân Hợp, xã Ia Yok, huyện Ia Grai) chia sẻ: Việc tăng giá vé xe tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng. Tuy nhiên, đây là khó khăn chung của tất cả mọi người nên phải chấp nhận và thông cảm, chia sẻ với nhà xe vì giá xăng dầu tăng cao. Giá vé xe limousine tăng từ 300 ngàn đồng lên 350 ngàn đồng cũng có thể chấp nhận được vì chất lượng phục vụ của nhà xe rất tốt.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Bá Minh-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kế hoạch-Tài chính-Vận tải (Sở Giao thông-Vận tải) thông tin: Sau khi giá xăng dầu tăng, Sở Giao thông-Vận tải đã nhận được công văn kê khai điều chỉnh tăng giá vé của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh. Sau khi tiếp nhận, Sở đề nghị các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện niêm yết và thu đúng giá vé kê khai, việc điều chỉnh tăng giá vé phải phù hợp với tỷ lệ tăng giá nhiên liệu, chi phí nhân công, chi phí mua sắm vật tư phục vụ hành khách…

“Sở luôn sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh sớm phục hồi trở lại sau thời gian khá dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc tăng giá vé phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân. Sau khi điều chỉnh tăng giá vé, Sở Giao thông-Vận tải cũng đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp phải niêm yết công khai bảng giá tại quầy vé và trên phương tiện để hành khách theo dõi; bến xe tăng cường kiểm soát chặt việc thực hiện giá vé đối với các phương tiện hoạt động tại bến. Đồng thời, Sở sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp tự ý tăng giá vé cao hơn giá đã niêm yết”-ông Minh nhấn mạnh.

 

 LÊ ANH

 

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Tổng Công ty CP Bia rượu Nước Giải Khát Sài Gòn sẽ chi hơn 830 tỷ đồng để mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây và chi hơn 100 tỷ đồng để mua hơn 2 triệu cổ phiếu WSB của Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây.