Doanh nghiệp nước ngoài tranh mua cổ phiếu của Vinamilk

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hai đại gia châu Á trong đó có công ty của tỉ phú Thái Lan vừa đăng ký mua 14,5 triệu cổ phiếu tương đương 1% vốn của Vinamilk.
Thông báo đăng ký mua cổ phiếu bằng hình thức giao dịch thỏa thuận hoặc khớp lệnh trên sàn chứng khoán của F&N Dairy Investments vừa được gửi lên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, lần thứ 7 kể từ đầu năm 2018. Theo đó, nhà đầu tư này đã đăng ký mua thêm 14,5 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã CK: VNM), tương đương 1% vốn điều lệ.
Theo thống kê trên HOSE, từ năm 2017 đến nay, F&N đã miệt mài đăng ký tới 20 lần mua vào cổ phiếu Vinamilk thông qua giao dịch khớp lệnh nhưng không được thành công và đây là một trong những lần không thực hiện mua hết số cổ phần đăng ký mà F&N Dairy Investments đã thực hiện.
F&N là thành viên của Tập đoàn đồ uống Fraser & Neave Limited, do tỉ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi nắm quyền kiểm soát, ông Lee Meng Tat làm giám đốc. Ông Lee đang là thành viên Hội đồng quản trị Vinamilk.
Trong khi đó, một quỹ ngoại khác muốn mua cổ phiếu Vinamilk là Platinum Victory (Singapore) cũng thông báo đăng ký mua vào 14.512.021 cổ phiếu. Nếu giao dịch thành công, Quỹ này cũng sẽ nâng tỉ lệ nắm giữ từ 154.067.051 triệu cổ phiếu, chiếm 10,62% lên hơn 168.579.072 cổ phiếu, chiếm 11,62% vốn của Vinamilk, nhằm mua cổ phần. Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 22-8 đến 20-9-2018.
Trụ sở Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)
Trụ sở Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)
Theo dữ liệu trên HOSE, giá cổ phiếu VNM liên lục trồi, sụt và đóng cửa giao dịch ngày 13-9-2018, giá VNM có giá khoảng 132.100 đồng/cổ phiếu. Nếu thành công, F&N dự kiến sẽ phải chi ra khoảng 1.917 tỉ đồng để sở hữu số 1% vốn nói trên.
Vừa qua Tổng Cục thuế cũng đã công bố danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2017. Theo đó, Vinamilk xếp ở vị trí thứ 6 trong danh sách với tổng thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp lên tới 1.800 tỉ đồng. Đây là năm thứ hai danh sách được công bố và cũng là năm thứ hai liên tiếp Vinamilk góp mặt trong danh sách này.
Bên cạnh đó, Vinamilk cũng nằm trong Top những doanh nghiệp đóng góp nhiều nhất cho ngân sách nhà nước nhiều năm liền. Năm 2017, doanh thu của Vinamilk đạt 51.041 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 4.200 tỉ đồng, trong đó thuế thu nhập doanh nghiệp chiếm gần 43%.
Bằng những đóng góp và nỗ lực của mình, Vinamilk đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận từ đầu năm 2018 tới nay. Vào tháng 4-2018 vừa qua, Vinamilk lần thứ 3 liên tiếp là công ty sản xuất hàng tiêu dùng nhanh duy nhất tại Việt Nam được tạp chí Nikkei Asia review xếp vào danh sách 300 doanh nghiệp niêm yết hàng đầu châu Á (2016-2018). Ngay sau đó, tháng 5-2018, tổ chức Kantar Worldpanel đã công bố Vinamilk là thương hiệu sữa được người tiêu dùng lựa chọn nhiều nhất tại Việt Nam trong 4 năm liên tiếp từ 2014 đến nay. Vinamilk cũng vinh dự nằm trong Top 50 công ty niêm yết tốt nhất do Forbes Việt Nam bình chọn và là doanh nghiệp sữa duy nhất lọt vào danh sách "Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2017".
Dây chuyển sản xuất sữa tại nhà máy của Vinamilk
Dây chuyển sản xuất sữa tại nhà máy của Vinamilk
Ngoài ra, Vinamilk cũng đã có những hoạt động đáng chú ý khác như hợp tác chiến lược để nghiên cứu sản phẩm thực phẩm chức năng với Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang, khánh thành tổ hợp bò sữa Công nghệ cao Vinamilk tại Thanh Hóa, ra mắt sữa A2 - một trong những công nghệ mới nhất hiện nay của ngành sữa và mới chỉ xuất hiện tại các thị trường phát triển như Úc, New Zealand, Mỹ… Gần đây nhất, Vinamilk đã ký kết hợp tác chiến lược với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) với mục tiêu cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng chất lượng quốc tế cho khách hàng toàn cầu và cùng phát triển thương hiệu quốc gia vươn tầm thế giới.
Hoàng Yến (NLDO)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.