Doanh nghiệp kinh doanh cà phê gặp khó về nguồn vốn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Thời điểm này, dòng vốn tín dụng chảy về các doanh nghiệp nội địa hoạt động thu mua, xuất khẩu cà phê không được kịp thời và thông suốt như mọi năm. Điều đó khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi bước vào mùa kinh doanh cao điểm.

Tính đến cuối tháng 10-2022, tăng trưởng tín dụng cả nước đạt 11,5% so với cuối năm 2021. Trong bối cảnh hiện nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam sẽ không nới thêm hạn mức tín dụng mà vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14% cho cả năm 2022. Tại Gia Lai, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 10-2022 mới đạt 2% so với cuối năm 2021, khá thấp so với các tỉnh, thành phố khác.

Với việc hạn mức tín dụng cả nước chỉ còn khoảng 2,5% cho các tháng cuối năm 2022, hầu hết các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn Gia Lai đang gặp khó khăn về việc điều tiết, cân đối nguồn vốn cho vay khi room tín dụng không còn nhiều. Điều này dẫn tới tình trạng dòng vốn cung ứng cho hoạt động sản xuất kinh doanh đang bị chậm lại, nhất là đối với doanh nghiệp ngành cà phê. Nhiều doanh nghiệp nội địa thiếu nguồn vốn thu mua trong khi niên vụ cà phê 2022-2023 đã chính thức bắt đầu từ tháng 10 vừa qua.

 Hạn mức tín dụng không còn nhiều khiến các ngân hàng gặp khó khăn trong điều tiết, cân đối nguồn vốn cho vay. Ảnh: Sơn Ca
Hạn mức tín dụng không còn nhiều khiến các ngân hàng gặp khó khăn trong điều tiết, cân đối nguồn vốn cho vay. Ảnh: Sơn Ca


Theo ước tính, Gia Lai có sản lượng cà phê đạt khoảng 250.000 tấn/năm, riêng cà phê dành cho xuất khẩu chiếm tới 85% tổng sản lượng. Với mức giá cà phê hiện tại, đa phần nông dân sẽ thu hoạch và bán sớm để có thể trang trải chi phí sản xuất và nhu cầu sinh hoạt. Đây cũng là thời điểm mà các doanh nghiệp ngành cà phê cần có đủ lượng vốn để thu mua và điều tiết kế hoạch bán, tránh tình trạng bị ép giá do khối lượng lớn cà phê khi thu hoạch tập trung vào chính vụ. Ông Nguyễn Văn Thành-Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Trang Gia Lai-phân tích: “Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Gia Lai, mang lại giá trị kinh tế rất lớn hàng năm. Nếu nguồn cung tín dụng thông suốt như mọi năm thì thị trường sẽ sôi động hơn. Khi các doanh nghiệp tập trung thu mua, có sự cạnh tranh về giá thì người nông dân được lợi. Niên vụ cà phê 2022-2023, doanh nghiệp nội địa bị thiếu nguồn vốn do tín dụng không cung ứng kịp thời thì thị trường sẽ không có cạnh tranh về giá, đối tượng bị ảnh hưởng, bị thiệt thòi trước mắt là nông dân”.

Tương tự, bà Huỳnh Thị Lệ Huyền-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Sơn Huyền Phát Gia Lai-cho biết: “Vốn tín dụng được cấp không đủ, không kịp thời thì doanh nghiệp sẽ không nắm bắt kịp thời cơ hội kinh doanh trong ngắn hạn. Nhất là khi niên vụ cà phê năm nay đã bắt đầu bước vào thời gian cao điểm, chúng tôi cần tập trung nguồn lực để thu mua. Do đó, mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp là ngân hàng đẩy nhanh việc thẩm định hồ sơ, hỗ trợ nguồn vốn kịp thời để doanh nghiệp thu mua cà phê cho bà con nông dân”.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-thông tin: “Hiệp hội đã ghi nhận ý kiến phản ánh, đề xuất của một số doanh nghiệp về nhu cầu vốn thu mua cà phê niên vụ 2022-2023. Hiệp hội biết rằng NHNN đang thực hiện các chính sách nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hạn chế tín dụng. Tuy nhiên, vì lợi ích của nông dân trồng cà phê và giá trị xuất khẩu của ngành cà phê đối với cả nước nói chung, Gia Lai nói riêng, Hiệp hội kiến nghị NHNN xem xét, cân nhắc có chính sách hỗ trợ hạn mức vay vốn cho các doanh nghiệp”. Theo đó, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã kiến nghị NHNN xem xét cân nhắc ưu tiên cấp hạn mức tín dụng và giải ngân cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê vào thời gian cao điểm tháng 11, 12-2022 và tháng 1-2023. Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng thương mại hỗ trợ đúng mức để các doanh nghiệp được vay vốn theo gói hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.  

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Nghị-Giám đốc NHNN-Chi nhánh tỉnh-cho hay: “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trung ương, NHNN-Chi nhánh tỉnh sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn cân đối nguồn vốn, ưu tiên hạn mức tín dụng được giao, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp thu mua, kinh doanh xuất khẩu cà phê, đặc biệt là vào các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 để có nguồn vốn thu mua cà phê từ người dân trong giai đoạn thu hoạch cao điểm. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN của NHNN Việt Nam”.

Bên cạnh đó, NHNN-Chi nhánh tỉnh đề nghị các tổ chức tín dụng trên địa bàn cần đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục cho vay, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phù hợp. Việc xem xét cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp thu mua, kinh doanh xuất khẩu cà phê thực hiện theo quy định của pháp luật. Về phía NHNN-Chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục bám sát diễn biến thị trường và việc cho vay thu mua, kinh doanh xuất khẩu cà phê của các tổ chức tín dụng trên địa bàn để kịp thời báo cáo UBND tỉnh, Thống đốc NHNN Việt Nam các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

 

 SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Tổng Công ty CP Bia rượu Nước Giải Khát Sài Gòn sẽ chi hơn 830 tỷ đồng để mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây và chi hơn 100 tỷ đồng để mua hơn 2 triệu cổ phiếu WSB của Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây.