Doanh nghiệp gỗ Trung Quốc ồ ạt sang VN: Lo ngại gian lận xuất xứ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm, xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng gia tăng nhưng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vẫn tăng trưởng khả quan. Tuy nhiên, những cảnh báo về gian lận xuất xứ cho thấy, nếu ngành chức năng không kiểm soát chặt thì thương hiệu, uy tín gỗ Việt có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Xuất khẩu gỗ sang Mỹ tăng đột biến
Trong 8 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Anh, Đức, Đài Loan tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm 2018, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc tăng chậm và xuất khẩu sang Hàn Quốc, Úc giảm mạnh.
 
Tổng cục Lâm nghiệp lo ngại  có sự gian lận xuất xứ đối với sản phẩm ván dán.  Ảnh: T.L

Liên quan đến việc đảm bảo thực thi quy định của pháp luật trong lĩnh vực chế biến lâm sản, ông Nguyễn Quốc Trị kiến nghị, cần tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện việc chấp hành hồ sơ, nguồn gốc gỗ theo quy định của Bộ NNPTNT.

Với tốc độ tăng 33,0% so với cùng kỳ năm 2018, 8 tháng đầu năm 2019 Mỹ tiếp tục khẳng định vị trí là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, đạt 3,18 tỷ USD; xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Nhật Bản cũng tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 872,88 triệu USD.

Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng đang mang lại thuận lợi cho ngành gỗ khi mức thuế nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc tăng khiến giá bán lẻ đồ gỗ nội thất của Trung Quốc tại Mỹ tăng đáng kể. Với quy mô lên đến 114 tỷ USD, thị trường bán lẻ đồ gỗ nội thất Mỹ mở ra nhiều tiềm năng đối với ngành gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam.
Lo ngại gian lận xuất xứ
Bên cạnh sự tăng trưởng mạnh về kim ngạch xuất khẩu, những tháng đầu năm 2019 ghi nhận một hiện tượng bất thường, số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành chế biến gỗ tăng đột biến, trong đó chủ yếu là các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc. Ngành chức năng lo ngại, có thể có hiện tượng doanh nghiệp đầu tư sang Việt Nam để mượn tên xuất khẩu ngược gỗ sang Mỹ để tránh thuế do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 6 tháng đầu năm 2019, tổng số dự án FDI đăng ký đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến gỗ là 44 dự án, trong đó, Trung Quốc có tới 29 dự án, chiếm 66%. Một điều cũng khá bất thường là, bên cạnh việc tăng mạnh về kim ngạch xuất khẩu lâm sản thì giá trị nhập khẩu gỗ, lâm sản cũng tăng đáng kể.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), việc gia tăng các dự án FDI sẽ gây khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng của các dự án, nguy cơ tiếp nhận các dự án có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, không đảm bảo các yêu cầu về môi trường.
Đó là chưa kể việc này còn tiềm ẩn nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ hàng hóa để lợi dụng thuế nhập khẩu thấp hơn từ Việt Nam so với từ Trung Quốc sang Mỹ. Việc gian lận này chủ yếu theo hình thức, các doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm hoặc bán sản phẩm từ Trung Quốc sau đó sơ chế để xuất khẩu sang Mỹ bằng xuất xứ hàng hóa Việt Nam.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tôn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định, ván dán đang là mặt hàng bị nghi ngờ có hành vi gian lận thương mại khi xuất khẩu sang Mỹ, bởi con số xuất khẩu ván dán của Việt Nam sang Mỹ tăng một cách đột biến. "Cần quan tâm và có sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đến quá trình sản xuất, chế biến và xuất khẩu mặt hàng ván dán từ Việt Nam và Mỹ" - ông Quyền kiến nghị.
Khánh Nguyên (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.