Doanh nghiệp của đại gia phố núi Bầu Đức và Nguyễn Thị Như Loan đang nợ khủng thế nào?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

HAGL của Bầu Đức và QCG của bà Nguyễn Thị Như Loan vẫn vùng vẫy trong thua lỗ và những khoản nợ khủng. Tuy nhiên, doanh nghiệp của các đại gia phố núi đang có những bước tái cơ cấu mạnh mẽ để chuyển mình trong tương lai.

HAGL của Bầu Đức bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

Theo báo cáo tài chính bán niên đã soát xét của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - HoSE: HAG) do bầu Đức làm Chủ tịch vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2021 đã soát xét ghi nhận doanh thu thuần hơn 810 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ; lãi sau thuế 8,3 tỷ, trong khi cùng kỳ lỗ 1.397 tỷ đồng. So với tại báo cáo tự lập trước đó, lãi sau thuế  HAG sụt giảm 55%.

Đáng chú ý, trong báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2021 của HAG, kiểm toán có nhấn mạnh đến khoản lỗ lũy kế trong báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn gần 7.372 tỷ đồng cùng với khoản lỗ lũy kế trong báo cáo tài chính tổng hợp của Công ty là gần 7.066 tỷ đồng.

Tổng nợ đi vay cuối quý II của HAGL là 8.279 tỷ đồng, giảm gần 5% so với cuối quý I. Nếu so với cuối năm 2020, số nợ vay chỉ chiếm khoảng trên 45%. Tuy nhiên, kiểm toán viên của Công ty Ernst & Young đã chỉ ra loạt vi phạm cam kết với hợp đồng vay của tập đoàn này tại báo cáo.

Những điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.

 

 BIDV là chủ nợ lớn nhất của HAGL do bầu Đức làm Chủ tịch HĐQT. Nguồn: BCTC HAGL
BIDV là chủ nợ lớn nhất của HAGL do bầu Đức làm Chủ tịch HĐQT. Nguồn: BCTC HAGL


Liên quan đến việc kiểm toán viên nhấn mạnh đến khoản lỗ lũy kế 7.372 tỷ đồng và vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng vay, phía HAGL cho biết Tập đoàn đã lập kế hoạch cho 12 tháng tiếp theo bao gồm dòng tiền dự kiến sẽ được tạo ra, làm việc với các bên cho vay về việc điều chỉnh các điều khoản đã vi phạm của các hợp đồng vay có liên quan, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu tài chính và làm việc với các bên cho vay để thực hiện các biện pháp giãn nợ, giảm lãi suất.

Ngoài ra, HAGL cũng đã thông qua việc lấy ý kiến cổ đông về việc sử dụng thặng dư vốn cổ phần để giảm lỗ lũy kế với tổng giá trị gần 3.264 tỷ đồng.

HAGL cũng nói thêm, trong năm 2021, doanh thu từ bán trái cây tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu. Trong đó, doanh thu từ bán chuối đem lại nguồn thu tiền chính trong ngắn hạn do thời gian kiến thiết cơ bản ngắn, sản lượng thu hoạch cao, giá bán ổn định.

Bên cạnh đó, Tập đoàn đã và đang chủ trương mở rộng hoạt động chăn nuôi heo và bò sinh sản. Trong tương lai, hoạt động chăn nuôi hứa hẹn mang lại doanh thu lớn và tạo dòng tiền cho HAGL.

Theo đó, Tập đoàn có thể hoàn trả các khoản nợ khi đến hạn và tiếp tục hoạt động trong kỳ kế toán tiếp theo.

 

QCG và khoản nợ "tiềm tàng" gần 4.400 tỷ đồng

Trong khi đó Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (Quốc Cường Gia Lai, HoSE: QCG) vừa công bố báo cáo tài chính bán niên kiểm toán 2021 với doanh thu thuần đạt  550 tỷ đồng, giảm gần phân nửa so với cùng kỳ 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 28 tỷ đồng, giảm hơn 30%.

Giải trình cho kết quả kinh doanh sụt giảm trong kỳ, ban lãnh đạo QCG cho biết do đại dịch Covid-19 kéo dài, sản lượng bán ra giảm, bàn giao sản phẩm cho khách hàng giảm theo. Đồng thời Công ty đẩy mạnh tiết giảm chi phí, tái cơ cấu danh mục đầu tư tài chính.


 

QCG có khoản lãi vay 45 tỷ đồng chưa thanh toán cho ngân hàng BIDV đang hạch toán vào chi phí phải trả ngắn hạn. Nguồn: QCG
QCG có khoản lãi vay 45 tỷ đồng chưa thanh toán cho ngân hàng BIDV đang hạch toán vào chi phí phải trả ngắn hạn. Nguồn: QCG


Cuối tháng 6/2021, nợ phải trả của QCG có gần 5.700 tỷ đồng, chiếm 58% tổng tài sản doanh nghiệp, nợ vay hơn 480 tỷ đồng không thay đổi lớn so với hồi đầu năm.

Trong đó đáng chú ý nhất là khoản vay của Quốc Cường Gia Lai tại ngân hàng Vietcombank chi nhánh Gia Lai  với hơn 354 tỷ đồng.

Đây là các khoản vay dài hạn theo 2 hợp đồng năm 2015, 2017 để tài trợ chi phí cho việc đầu tư xây dựng 2 dự án thủy điện Ia Grai 2, Ayun Trung. Tài sản đảm bảo bao gồm hàng hóa bất động sản, tài sản cố định hữu hình của doanh nghiệp, chi phí xây dựng nhà máy thủy điện Ayun Trung, toàn bộ phần vốn góp của Quốc Cường Gia Lai tại Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thủy điện Quốc Cường, quyền sử dụng đất thuộc sở hữu của Tổng giám đốc Nguyễn Thị Như Loan, sổ tiết kiệm của con gái bà Loan - Nguyễn Ngọc Huyền My.

Bên cạnh đó, QCG còn một khoản lãi vay 45 tỷ đồng chưa thanh toán cho ngân hàng BIDV chi nhánh Quang Trung nhưng đang hạch toán vào chi phí phải trả ngắn hạn và gần 4.400 tỷ đồng các khoản phải trả ngắn hạn khác.

 

Kiểm toán lưu ý khoản nợ tiềm tàng liên quan đến vụ kiện với Công ty Cổ phần Đầu tư Sunny Island. Nguồn: BCTC QCG
Kiểm toán lưu ý khoản nợ tiềm tàng liên quan đến vụ kiện với Công ty Cổ phần Đầu tư Sunny Island. Nguồn: BCTC QCG


Chiếm nhiều nhất là khoản phải trả cho Công ty Cổ phần Đầu tư Sunny Island lên tới gần 2.900 tỷ đồng. Đây là khoản tiền Quốc Cường Gia Lai nhận từ đối tác từ nhiều năm trước nhưng chưa thể triển khai dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TPHCM) do hàng loạt các thủ tục pháp lý thay đổi.

Vào ngày 9/12/ 2020, QCG đã nộp đơn khởi kiện Sunny Island ra Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) liên quan đến tranh chấp phát sinh từ hợp đồng hứa mua, hứa bán dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển. VIAC sau đó đã thông báo thụ lý đơn kiện.

Tại báo cáo bán niên, đơn vị kiểm toán lưu ý khoản nợ tiềm tàng liên quan kết quả vụ kiện trên. Còn ban lãnh đạo Quốc Cường Gia Lai nhận định rủi ro tổn thất từ vụ kiện là thấp cũng như chưa có kết quả sau cùng. Do đó, công ty chưa tiến hành trích lập dự phòng cho khoản nợ và chi phí phát sinh liên quan vụ kiện đối tác.

https://danviet.vn/hagl-va-qcg-doanh-nghiep-cua-cac-dai-gia-pho-nui-dang-no-khung-co-nao-20210901084525382.htm
 

Theo Q.D  (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Tổng Công ty CP Bia rượu Nước Giải Khát Sài Gòn sẽ chi hơn 830 tỷ đồng để mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây và chi hơn 100 tỷ đồng để mua hơn 2 triệu cổ phiếu WSB của Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây.