Tìm hướng đi riêng cho sản phẩm
Sau một thời gian tiếp cận, trao đổi thông tin với đối tác nước ngoài thông qua nhiều kênh, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa) đã bắt đầu có đơn hàng xuất khẩu cà phê đầu tiên qua Trung Quốc. Bà Nguyễn Thị Nga-Phó Giám đốc Hợp tác xã cho hay: Bên cạnh việc xây dựng thương hiệu với bộ 3 sản phẩm Tiêu hữu cơ Lệ Chí đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ (USDA) và EU, hợp tác xã bắt đầu chế biến các dòng cà phê chất lượng cao với thương hiệu Cà phê Đak Yang, trong đó nổi bật là dòng cà phê Fine Robusta-cà phê đặc sản”.
Khách người Nga tìm hiểu về sản phẩm của Công ty TNHH Nhất Nông Gia Lai. Ảnh: Công ty cung cấp |
Bà Nga cho biết, sản lượng dòng cà phê Fine Robusta trên thị trường hiện chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Mấy năm gần đây, các nhà nhập khẩu đã bắt đầu quan tâm đến dòng cà phê này của Việt Nam. Đây là ưu thế để hợp tác xã thâm nhập thị trường. “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã đón tiếp nhiều đoàn khách từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc sang thăm xưởng sản xuất và họ đánh giá cao quy trình sản xuất từ vườn đến chế biến thành phẩm. Cách đây mấy ngày, chúng tôi đã làm xong thủ tục xuất 2 tấn cà phê Fine Robusta đi Trung Quốc. Tuy số lượng ít nhưng đây là bước khởi đầu thuận lợi trong việc tìm kiếm thị trường nước ngoài"-bà Nga nói.
Còn với Công ty TNHH Nhất Nông Gia Lai (xã Ia Phang, huyện Chư Pưh), thành công nhất là công ty đã có được kết quả khả quan từ những chuyến đi xúc tiến thương mại. Ông Võ Thành Tuân-Giám đốc Công ty chia sẻ: “Trước khi sản xuất ra sản phẩm, tôi đã tìm hiểu rất kỹ những sản phẩm có thành phần tương đồng trên thị trường. Ví dụ sản phẩm làm từ gừng thì chủ yếu dưới dạng gừng thái sợi ngâm mật ong, hay sản phẩm atiso thường được chế biến dưới dạng sirô. Vì vậy, tôi chọn hướng làm ra sản phẩm dạng gói nước để khách dễ dàng sử dụng như nước giải khát, với các sản phẩm cốt gừng mật ong AGILA, stiso đỏ mật ong AGILA. Từ khi đưa sản phẩm ra thị trường, công ty được hỗ trợ tham gia các chương trình xúc tiến thương mại lớn, có nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Hồi cuối tháng 5 vừa qua, tại “Lễ hội sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế TP. Hồ Chí Minh năm 2024” một đối tác ở Ấn Độ đến tìm hiểu về sản phẩm và thật vui là sau 2 tháng họ đã liên lạc lại và đặt hàng. Hiện tại tôi đang chuẩn bị đơn hàng mẫu (100 hộp) gửi qua Ấn Độ thông qua đường bưu phát. Hay ở Triển lãm Việt Nam Foodexpo 2023 diễn ra hồi tháng 11-2023, tôi được một số đối tác ở Trung Quốc và Nga quan tâm tìm hiểu và trải nghiệm sản phẩm. Mới đây, họ có bàn bạc, trao đổi về tiêu chuẩn, quy cách sản phẩm để sau này tiến tới việc ký kết hợp đồng chính thức để xuất khẩu”.
Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa) nâng cao giá trị hạt cà phê qua việc chế biến dòng cà phê Fine Robusta. Ảnh: V.T |
Xây dựng chiến lược marketing phù hợp
Theo ông Võ Thành Tuân-Giám đốc Công ty TNHH Nhất Nông Gia Lai, Ngoài nguyên liệu tốt, khách nước ngoài còn chọn sản phẩm tối giản về thành phần, và đặc biệt là không sử dụng đường mà chỉ chọn các chất tạo ngọt thay thế như mật ong, cỏ ngọt, mật hoa dừa. Đây là những yêu cầu mà sản phẩm của công ty đang có ưu thế. Do đó, trong các chương trình xúc tiến thương mại, công ty đều có sự chuẩn bị rất chu đáo để quảng bá sản phẩm(marketing), như tự làm brochure 4 thứ tiếng (tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Nga) để phát cho khách nước ngoài nhằm tăng hiệu quả quảng bá.
Cũng chọn chiến lược marketing phù hợp, Công ty TNHH Dược thảo LiLa (xã Tân An, huyện Đak Pơ) thường tham gia các chương trình triển lãm, hội chợ, hội thảo do các ngành, đoàn thể tổ chức. Bà Nguyễn Thị Thu Trang-Giám đốc Công ty cho biết: Hiện nay, công ty có các sản phẩm trà hòa tan như trà linh lăng, trà tam thất. Đặc biệt, trà linh lăng là sự kết hợp giữa nấm linh chi, đinh lăng, quả dâu tằm và cây lạc tiên. Đây là sản phẩm kết hợp giữa y học cổ truyền, kết hợp các loại thảo mộc nhằm tạo ra hương vị riêng và tăng sự bổ trợ giữa các loại thảo mộc, dược liệu với nhau. Ngoài ra, công ty còn có sản phẩm thảo mộc như trà bí đao, trà hoa cúc, trà bạc hà. Qua các chương trình giới thiệu, quảng bá sản phẩm, công ty được gặp gỡ, tiếp xúc với các doanh nghiệp lớn để tìm hiểu về sản phẩm, công nghệ chế biến nên công ty đã học hỏi kinh nghiệm rất nhiều, và từ đó mạnh dạn thay đổi, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm để thúc đẩy tiêu thụ”-bà Trang nói.
Thông qua các chương trình xúc tiến thương mại đã giúp các doanh nghiệp nhỏ tìm kiếm cơ hội xuất khẩu hàng nông sản, dược liệu chế biến. Ảnh: đơn vị cung cấp |
Tín hiệu đáng mừng là hiện nay nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã bắt đầu chú trọng phát triển thị trường ngoài nước bằng nhiều cách, từ việc gặp gỡ, trao đổi thông tin với đối tác nước ngoài thông qua kênh giao dịch trực tiếp, cũng như thương mại điện tử, hay từ sự hỗ trợ kết nối của tổ chức xúc tiến thương mại.
Bà Nguyễn Thị Bích Thu-Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) đánh giá: Thông qua các chương trình xúc tiến thương mại ngoại thương, đơn vị đã tổ chức làm việc với doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp nước bạn để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo sự kết nối giữa các bên. Do đó, từ những chuyến đi, nhiều chủ thể sản xuất đã được tìm hiểu thị trường, đối tác, cũng như hiểu rõ các quy định, thủ tục, tiêu chuẩn của các quốc gia và tổ chức quốc tế (về phương pháp sản xuất, chế biến, bảo đảm các tiêu chí về môi trường, kiểm dịch động-thực vật, sử dụng nhân công, cũng như quy cách đóng gói, nhãn mác, bao bì có chỉ dẫn bằng tiếng Anh, các chứng chỉ về chất lượng theo quy định). Đặc biệt, đã có nhiều thỏa thuận hợp tác với các đối tác tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ… Trong đó, một số doanh nghiệp, hợp tác xã đã có đơn hàng gửi mẫu và hiện có đơn vị đã ký kết được hợp đồng xuất khẩu.