Diễn biến mới của tàn dư bão Yagi tại Ấn Độ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) đã ban hành cảnh báo màu cam tại khu vực Delhi và các vùng xung quanh trong 4-5 ngày tới.

Tàn dư của bão Yagi, cơn bão bắt nguồn từ Thái Bình Dương, có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trong 48 giờ tới tại Ấn Độ.

Theo India Today, có khả năng áp thấp nhiệt đới sẽ chuyển hướng về phía thủ đô, có khả năng gây mưa từ ngày 17 đến 20-9.

Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) đã ban hành cảnh báo màu cam tại khu vực Delhi và các vùng xung quanh trong 4-5 ngày tới và dự đoán rằng khu vực này có thể hứng chịu mưa lớn cùng một số trận mưa rào nhẹ không liên tục.

Nhiều nơi ở khu vực Delhi chứng kiến mưa cuối tuần. Ảnh: India Today
Nhiều nơi ở khu vực Delhi chứng kiến mưa cuối tuần. Ảnh: India Today

Nhiệt độ tối thiểu ở Delhi và các khu vực lân cận dự kiến là từ 23-24 độ C trong khi nhiệt độ tối đa sẽ nằm trong khoảng 25-37°C suốt cả tuần. Tốc độ gió vừa phải dự kiến vào khoảng 6-14 km/giờ, gió giật sẽ không vượt quá 14,56 km/giờ.

Để ứng phó với lượng mưa lớn và những rủi ro tiềm ẩn, chính quyền địa phương đã ban hành cảnh báo 72 giờ cho khu vực Tây Bengal, Jharkhand, Bắc Odisha và một số khu vực thuộc Bihar. Thủ đô New Delhi dự kiến chứng kiến thời tiết khô hơn với khả năng có mưa.

Bão Yagi, ban đầu là một cơn bão từ Tây Bắc Thái Bình Dương, đã càn quét từ Philippines đến Trung Quốc, sau đó đổ bộ vào Việt Nam gây thiệt hại nặng.

Sau khi rời Việt Nam, cơn bão suy yếu nhưng vẫn gây mưa lớn, lụt lội nặng nề ở Thái Lan, Lào và Myanmar. Tàn dư của Yagi mạnh lên trở lại khi di chuyển vào vịnh Bengal. Theo India Today, vùng nước ấm của Vịnh Bengal là nơi sinh sản những cơn bão, góp phần làm tăng sức mạnh của Yagi khi nó di chuyển về phía Tây.

Đường đi không chắc chắn của tàn dư bão Yagi chủ yếu là do sự xâm nhập của không khí khô.

Ấn Độ dự báo 3 kịch bản tác động của tàn dư Yagi. Thứ nhất, áp thấp nhiệt đới có thể giảm dần và tan khi di chuyển vào Madhya Pradesh.

Trường hợp thứ 2, có khả năng áp thấp nhiệt đới sẽ chuyển hướng về phía thủ đô, gây mưa từ ngày 17đến 20-9. Cuối cùng là kịch bản áp thấp di chuyển về phía Nam hướng đến Rajasthan, sau đó tiếp tục hành trình về phía Tây.

Theo Xuân Mai (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm