Điểm nóng xung đột ngày 24-11: Bảy ngày kịch tính, thay đổi chóng mặt tại Ukraine

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Tuần qua bắt đầu bằng động thái với mong muốn hoà bình cho Ukraine, kết thúc bằng cuộc tấn công tên lửa Oreshnik mà Nga thông báo cho Mỹ trước 30 phút.

CNN mô tả 7 ngày qua đã thay đổi căn bản cuộc xung đột kéo dài tại Ukraine và với tốc độ chóng.

Chuỗi diễn biến này bắt đầu bằng việc Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 15-11 bất ngờ có cuộc điện đàm kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ với Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó tập trung thảo luận về cuộc xung đột ở Ukraine.

Động thái của nhà lãnh đạo Đức đã bị phía Ukraine chỉ trích, lập luận rằng cách tiếp cận này của ông có thể làm "suy yếu sự thống nhất của phương Tây".

Tiếp đến vào ngày 17-11, truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin Nhà Trắng đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS tấn công sâu vào nước Nga.

Ngay ngày hôm sau (18-11), Kiev nhanh chóng sử dụng tên lửa do Mỹ sản xuất, với tầm 300 km, tấn công vào mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.

Một tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất đang rời bệ phóng. Ảnh: Wikimedia Commons
Một tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất đang rời bệ phóng. Ảnh: Wikimedia Commons

Moscow sáng 21-11 đã bắn quả tên lửa đạn đạo phi hạt nhân siêu âm tầm trung Oreshnik để tập kích vào một cơ sở tên lửa và quốc phòng ở TP Dnipro – Ukraine.

Nga tuyên bố Oreshnik là loại tên lửa mới "không thể đánh chặn", họ tấn công Dnipro nhằm trả đũa việc Ukraine đã sử dụng ATACMS và tên lửa Storm Shadow của Anh để tấn công lãnh thổ Nga.

Cả hai bên đều tố nhau "liều lĩnh" và các chuyên gia nhận định đây là sự thay đổi chóng mặt trong cuộc xung đột kéo dài gần 3 năm qua tại Ukraine.

Quyết định phóng tên lửa Oreshnik có khả năng là bước leo thang mà Moscow đã chuẩn bị kỹ lưỡng. Nga đã báo trước cho Mỹ khoảng 30 phút trước khi Oreshnik rời bệ phóng, theo CNN.

Các nhà phân tích nhận định việc Nga phóng tên lửa Oreshnik giống như thông điệp "giơ thẻ đỏ" mà Tổng thống Vladimir Putin hướng tới Ukraine, Mỹ và các đồng minh của họ.

Nhiều điều vẫn chưa rõ ràng nhưng hầu hết các đánh giá và bình luận của chính Tổng thống Putin đều khẳng định đây là tên lửa siêu thanh mới, phi hạt nhân, có thể mang nhiều đầu đạn.

Nhà lãnh đạo Nga cho biết tên lửa Oreshnik có thể bay với tốc độ 3 km/giây, đồng nghĩa là tất cả các hệ thống phòng không của phương Tây đều vô dụng, không thể đánh chặn.

Các quan chức Mỹ và NATO đánh giá Oreshnik là tên lửa tầm trung và đang "thử nghiệm".

Ukraine nhận định vũ khí này có khả năng thuộc tổ hợp tên lửa Kedr được Nga thử nghiệm lần đầu vào tháng 6-2021 và Moscow có thể sở hữu ít nhất 10 tên lửa như vậy để thử nghiệm trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt.

Những tuần tới sẽ cho thấy tên lửa Oreshnik là một thông điệp đơn lẻ hay là một chiến thuật mới của Nga.

Theo Hải Hưng (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cận kề ngày Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ, Anh và Pháp để tấn công Nga và phản ứng của các nước

Cận kề ngày Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ, Anh và Pháp để tấn công Nga và phản ứng của các nước

(GLO)- Sau khi tổng thống Biden quyết định cho Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ để tấn công vào lãnh thổ Nga, Anh và Pháp cũng liền có động thái tương tự. Một số nguồn tin dự đoán vài ngày tới có thể Ukraine sẽ tiến hành những đợt tấn công đầu tiên vào đối phương với tên lửa có tầm bắn tới 306 km.