Điểm nóng xung đột ngày 14-10: Israel ra yêu cầu bất ngờ tại Nam Lebanon

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 13-10 kêu gọi người đứng đầu Liên Hiệp Quốc điều động lực lượng gìn giữ hòa bình rời khỏi miền Nam Lebanon.

Lời kêu gọi của ông Netanyahu gửi tới Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres một ngày sau khi Lực lượng lâm thời của Liên Hiệp Quốc tại Lebanon (UNIFIL) từ chối rút khỏi khu vực biên giới dù 5 thành viên của lực lượng này đã bị thương trong các cuộc tấn công của Israel những ngày gần đây.

Các đội Chữ thập đỏ Lebanon tham gia hoạt động tìm kiếm và cứu hộ ở tỉnh Nabatieh. Ảnh: Anadolu
Các đội Chữ thập đỏ Lebanon tham gia hoạt động tìm kiếm và cứu hộ ở tỉnh Nabatieh. Ảnh: Anadolu

Các cuộc tấn công của Israel đã bị các thành viên của cộng đồng quốc tế chỉ trích, bao gồm Indonesia, Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Ireland, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh châu Âu và Canada.

Liên Hiệp Quốc trước đó cho biết quân đội Israel đã nổ súng vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại Lebanon hai lần trong vòng chưa đầy 48 giờ.

UNIFIL là lực lượng gìn giữ hòa bình tại Lebanon, ban đầu được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thành lập vào tháng 3-1978 sau khi Israel lần đầu tiên tấn công Lebanon trong cuộc xung đột được gọi là Xung đột Nam Lebanon.

UNIFIL khi đó được thành lập để giám sát việc Israel rút quân khỏi Lebanon và khôi phục hòa bình và an ninh trong khu vực.

Sau cuộc chiến kéo dài 34 ngày tại Lebanon giữa Hezbollah và Israel vào năm 2006, nhiệm vụ của UNIFIL đã được mở rộng để giám sát việc chấm dứt xung đột và hỗ trợ lực lượng vũ trang Lebanon được triển khai trên khắp miền Nam Lebanon.

Tính đến ngày 2-9, 10.058 binh sĩ UNIFIL đến từ 50 quốc gia đã được triển khai tại Lebanon. Cộng đồng quốc tế xem cuộc tấn công của Israel vào trụ sở UNIFIL là vi phạm luật pháp quốc tế.

Nhân viên Liên Hiệp Quốc tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình, bao gồm cả các thành viên có vũ trang, được xác định là thường dân và các cuộc tấn công cố ý nhằm vào họ và các cơ sở gìn giữ hòa bình là bất hợp pháp, theo báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW).

Liên Hiệp Quốc tuyên bố bất kỳ cuộc tấn công cố ý nào nhằm vào lực lượng gìn giữ hòa bình đều là hành vi vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế và nghị quyết 1701 (năm 2006) của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Theo Xuân Mai (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Đức thông qua dự luật sửa đổi, cho phép bắn hạ máy bay không người lái xâm nhập trái phép

Đức thông qua dự luật sửa đổi, cho phép bắn hạ máy bay không người lái xâm nhập trái phép

(GLO)- Sau nhiều lần phát hiện thiết bị bay không người lái bay trên các cơ sở quân sự mà không được cấp phép, Chính phủ Đức đã thông qua dự luật sửa đổi Đạo luật An ninh Hàng không, cho phép lực lượng vũ trang nước này bắn hạ các máy bay không người lái xâm nhập trái phép.