Điểm nhấn di sản: Sách cổ, phát hiện chấn động về người tiền sử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Năm 2018, Việt Nam không chỉ có thêm các di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh mà còn có những phát hiện gây “chấn động” giới khảo cổ học thế giới, tìm thấy những bằng chứng khẳng định chủ quyền liên tục với quần đảo Hoàng Sa.

Giáo sư Nguyễn Huy Mỹ - người con của dòng họ Nguyễn Huy trò chuyện với học sinh trường Tiểu học Trường Lộc (Hà Tĩnh) về cuốn sách “Hoàng hoa sứ trình đồ.” (Ảnh: TTXVN)
Giáo sư Nguyễn Huy Mỹ - người con của dòng họ Nguyễn Huy trò chuyện với học sinh trường Tiểu học Trường Lộc (Hà Tĩnh) về cuốn sách “Hoàng hoa sứ trình đồ.” (Ảnh: TTXVN)


Sách cổ về hành trình đi sứ của sứ thần Đại Việt trở thành di sản thế giới

Ngày 30/5, tại Hội nghị Toàn thể lần thứ tám của Ủy ban Ký ức Thế giới Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO diễn ra ở Hàn Quốc, sách cổ “Hoàng hoa sứ trình đồ” của Việt Nam đã chính thức được ghi danh vào danh sách Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO.

“Hoàng Hoa sứ trình đồ” có kích thước 30x20 cm, dày 2 cm, được in trên bản mộc giấy dó. Đây là cuốn sách miêu tả về một trong những hoạt động ngoại giao của Việt Nam và Trung Quốc trong thế kỷ 18, cụ thể là việc đi sứ của sứ bộ Việt Nam sang Trung Quốc, thể hiện việc giao lưu giữa các quốc gia ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Cuốn sách có phần chính là bản đồ ghi chép bằng nhiều hình ảnh, thông tin phong phú, quý hiếm về hành trình đi sứ của sứ bộ Đại Việt thế kỷ 18 do Nguyễn Huy Oánh biên tập, hiệu đính và chú thích trong các năm 1765-1768 từ các tài liệu của nhiều thế hệ đi sứ trước, đồng thời bổ sung thêm các chi tiết liên quan đến chuyến đi năm 1766-1767 do ông làm Chánh sứ.


 

“Hoàng hoa sứ trình đồ” là cuốn sách miêu tả về một trong những hoạt động ngoại giao của Việt Nam và Trung Quốc trong thế kỷ 18, thể hiện sự giao lưu của các quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. (Ảnh: TTXVN)
“Hoàng hoa sứ trình đồ” là cuốn sách miêu tả về một trong những hoạt động ngoại giao của Việt Nam và Trung Quốc trong thế kỷ 18, thể hiện sự giao lưu của các quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. (Ảnh: TTXVN)



Nói khác đi, bên cạnh nội dung chính là vẽ lại bản đồ đi sứ của sứ bộ Đại Việt thế kỷ 18, sách còn có một số nội dung như: ghi lại cảnh sông núi, hình thức đón tiếp, độ dài cung đường, danh lam thắng cảnh, khảo sát lại hành trình đi sứ...

Đại diện Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho biết, đây là cuốn sách độc đáo hiếm gặp về hành trình đi sứ mà một dòng họ lưu giữ được.

Việt Nam có Công viên địa chất toàn cầu UNESCO thứ hai

Ngày 12/4/2018, tại kỳ họp lần thứ 204, Hội đồng chấp hành UNESCO đã thông qua Nghị quyết công nhận Công viên địa chất Non nước Cao Bằng là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Đây là công viên địa chất thứ hai tại Việt Nam được công nhận danh hiệu này (sau cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang). Cho đến trước kỳ họp này, thế giới có 127 công viên địa chất toàn cầu ở 35 quốc gia, vùng lãnh thổ.


 

Công viên địa chất Non nước Cao Bằng là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO thứ hai được công nhận tại Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)
Công viên địa chất Non nước Cao Bằng là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO thứ hai được công nhận tại Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)



Những hóa thạch, trầm tích, cảnh quan đá vôi ở đây là các minh chứng cho sự vận động, thay đổi của Trái Đất trong lịch sử hơn 500 triệu năm qua.

Hiện nay, công viên địa chất Non nước Cao Bằng có diện tích hơn 3.000km2, là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Dao, H'Mông...

Ở đây có hơn 200 di tích lịch sử, văn hóa, khảo cổ học... đã được xếp hạng (nổi bật là di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, di tích quốc gia đặc biệt chiến thắng Biên giới 1950…) và nhiều danh lam thắng cảnh, địa điểm du lịch nổi tiếng (thác Bản Giốc…).

Ngoài ra, Công viên địa chất Non nước Cao Bằng còn có hệ động, thực vật đa dạng với chín khu bảo tồn, rừng đặc dụng, hơn 30 loại nguồn gene vật nuôi, cây trồng nổi tiếng…

Phát hiện thêm châu bản triều Nguyễn về chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa

Mới đây, nhà nghiên cứu văn hóa Huế Phan Thuận An đã phát hiện thêm bộ châu bản (gồm hai văn bản) có giá trị chứng thực về mặt pháp lý việc thực thi chủ quyền liên tục của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Những tài liệu này được phát hiện tại phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn, con gái vua Đồng Khánh.


 

 Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế bàn giao châu bản thời Nguyễn liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam cho Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Quốc Việt/Vietnam+)
Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế bàn giao châu bản thời Nguyễn liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam cho Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Quốc Việt/Vietnam+)



Tờ châu bản thứ nhất được lập vào năm Bảo Đại thứ 13 với nội dung: “Vào ngày 10/2/1939, Tòa Khâm sứ Trung Kỳ có đề nghị Nam Triều nên thưởng huy chương Long Tinh hạng 5 cho đơn vị lính khố xanh ở Trung kỳ, vì họ đã có công trong việc dẹp loạn 'man di' ở miền núi và có công trong việc 'lập đồn phòng thủ ở Hoàng Sa'.” Sau khi xem xét, vua Bảo Đại phê hai chữ “Chuẩn y” với bút phê màu đỏ và ký hai chữ “BĐ” (Bảo Đại).

Tờ châu bản thứ hai ghi ngày 3/2/1939, đính kèm là văn bản bằng tiếng Pháp của Khâm sứ Trung kỳ trình lên Nam triều với nội dung: “Vào ngày 2/2/1939, Khâm sứ Trung Kỳ Graffeuil gửi cho Tổng lý Ngự tiền văn phòng Phạm Quỳnh một văn thư đề nghị tâu xin Hoàng đế Bảo Đại truy tặng Huy chương Long Tinh của Nam triều cho ông Louis Fontan, người vừa qua đời đúng ngày hôm ấy.”

Trước đó, ông Louis Fontan giữ chức vụ Chánh cai đội hạng nhất của đội lính khố xanh trú đóng tại đảo Hoàng Sa. Trong thời gian công tác tại đây, ông đã bị nhiễm bệnh sốt rét, rồi mất tại Nhà thương lớn ở Huế.

Trong ngày 3/2/1939, vua Bảo Đại chấp nhận ngay lời đề nghị, phê hai chữ “Chuẩn y” và ký tắt hai chữ “BĐ” bằng bút chì màu đỏ.

“Các mốc thời gian, nhân vật cụ thể được thể hiện rõ trên những tài liệu này góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa,” nhà nghiên cứu Phan Thuận An nhấn mạnh.

Lần đầu tiên Việt Nam phát hiện di cốt người tiền sử trong hang núi lửa

Qua quá trình khai quật khảo cổ học tại khu vực hang động núi lửa Krông Nô (tỉnh Đăk Nông), lần đầu tiên, giới khoa học Việt Nam đã phát hiện ra các di tích cư trú, mộ táng và di cốt của người tiền sử trong các hang động núi lửa; từ đó, bổ sung một loại hình cư trú mới, một kiểu thích ứng mới của cư dân tiền sử ở vùng đất đỏ basalte Tây Nguyên.

Theo đó, con người xuất hiện ở đây sớm nhất vào giai đoạn Sơ kỳ Đá mới (cách ngày nay khoảng 7.000-10.000 năm), tiếp sau là cư dân Trung kỳ Đá mới (cách ngày nay khoảng 6.000-7.000 năm). Con người rời hang vào giai đoạn Hậu kỳ Đá mới - Sơ kỳ Kim khí (cách ngày nay khoảng 3.000 năm).

“Trong quá trình làm việc, nhiều chuyên gia hàng đầu ở Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc… đều cho biết, trước đây, chưa hề phát hiện được di cốt người cổ trong những hang động núi lửa. Hơn nữa, môi trường đất đỏ basalte vốn không bảo tồn được di cốt. Tuy nhiên, người cổ sống trong hang núi lửa này đã tìm được nguồn thức ăn là các loại nhuyễn thể. Vỏ của các loại nhuyễn thể này (trai, ốc, hến…) giàu canxi đã làm thay đổi môi trường và giúp cho di cốt trong hang được bảo quản,” phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Lân Cường (Hội Khảo cổ học Việt Nam) cho biết.

Bởi vậy, việc phát hiện ra di cốt người cổ trong hang động núi lửa ở Tây Nguyên là phát hiện "chấn động," bước ngoặt quan trọng của ngành cổ nhân học Việt Nam. Đây là những bằng chứng quan trọng để tìm hiểu về người cổ sống ở khu vực Tây Nguyên cách đây hàng nghìn năm.

Ngoài ra, những phát hiện khảo cổ học nói trên là bằng chứng khoa học có sức thuyết phục lớn để bổ sung vào hồ sơ đệ trình UNESCO xem xét công nhận Công viên địa chất hang động núi lửa Krông Nô là Công viên địa chất toàn cầu.

Phát hiện làm thay đổi nhận thức về sự xuất hiện của con người trên lãnh thổ Việt Nam

Theo kết quả khai quật khảo cổ học tại di tích sơ kỳ Đá cũ ở An Khê (Gia Lai) trong thời gian 2015-2018 (công bố vào tháng 9/2018 tại Hội nghị thông báo kết quả khảo cổ học toàn quốc lần thứ 53), các nhà khoa học đã phát hiện nhiều công cụ của người tiền sử (như công cụ chặt, mũi nhọn tam diện, công cụ ghè một mặt, rìu tay bằng đá…) và nhiều mảnh thiên thạch (có niên đại cách ngày nay khoảng 800.000 năm) lẫn trong những công cụ nói trên.


 

Những di vật thu được qua quá trình khai quật khảo cổ học. (Ảnh: Viện Khảo cổ học)
Những di vật thu được qua quá trình khai quật khảo cổ học. (Ảnh: Viện Khảo cổ học)


Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Giang Hải (nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học) cho biết, chưa có quốc gia nào ở Đông Nam Á phát hiện di tích thời đại này cho đến khi Việt Nam tìm thấy dấu vết ở An Khê. Bởi vậy, kết quả này có tầm vóc quốc tế, gây “chấn động” trong giới khảo cổ thế giới, làm thay đổi cách nhìn của nhiều nhà khoa học.

“Đây là cơ sở cho thấy, từ khoảng 80 vạn năm trước, loài người đã có mặt ở trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay. Có thể xem đây là mốc mở đầu cổ nhất hiện biết về sự xuất hiện của con người và di tồn văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam. Kết quả khai quật khảo cổ học này cũng đã bổ sung tư liệu mới vào bản đồ về sự xuất hiện, phân bố và tiến hóa của loài người trên thế giới,” ông Nguyễn Giang Hải cho hay.

An Ngọc (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Những người giữ hồn dân ca Jrai

Những người giữ hồn dân ca Jrai

(GLO)- Nhằm bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc Jrai, nhiều nghệ nhân ở xã Ia Rbol (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) từng ngày âm thầm lưu giữ những làn điệu dân ca như một cách thể hiện tình yêu với cội nguồn.

Lưu giữ “men say” của đại ngàn

Lưu giữ “men say” của đại ngàn

(GLO)- Hiện nay, nhiều gia đình người dân tộc thiểu số ở Gia Lai vẫn giữ nghề ủ rượu cần truyền thống từ men lá tự nhiên. Theo thời gian, họ đã cùng nhau lưu giữ “men say” của đại ngàn, giúp cho thức uống mang đậm dấu ấn văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên được chắp cánh bay xa.

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu

Những ngày làm hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng”

(GLO)- Ngày 23-3-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định về việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản tiếp nối trình UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(GLO)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Thủ đô Asunción (Cộng hòa Paraguay) vào ngày 4-12, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

(GLO)- Năm 1993, Sở Văn hóa-Thông tin (VH-TT) và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã ký kết chương trình phối hợp hành động với nhiều hoạt động thiết thực, trong đó có mô hình “Điểm sáng văn hóa vùng biên”.