Đi tìm miền Tây yêu dấu - Kỳ 2: Leng keng... kẹo kéo, kem cây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Kẹo kéo, kem cây hay xirô đá bào như món quà vặt 'ngon nhứt thế giới' của sắp trẻ miệt bưng biền nghèo khó thời chưa có quà bánh ê hề như bây giờ.

Ông Võ Văn Vịnh làm kẹo kéo, kẹo chỉ bán đã hơn 35 năm - Ảnh: T.NHƠN
Ông Võ Văn Vịnh làm kẹo kéo, kẹo chỉ bán đã hơn 35 năm - Ảnh: T.NHƠN
"Cà lem, cà lem đây. Mười đồng một cái ăn cho đã ghiền. Không tiền cũng được à nghen. Cầm cái thau bể đổi liền một cây...". Kẹo kéo, kem cây hay xirô đá bào như món quà vặt "ngon nhứt thế giới" của sắp trẻ miệt bưng biền nghèo khó thời chưa có quà bánh ê hề như bây giờ.
Kéo đây, kéo đây!
Chỉ cần nghe tiếng chuông leng keng từ xa, lũ nhỏ trong xóm đã ỉ ôi xin tiền mẹ hoặc mang vỏ lon, đôi dép cũ "chụm năm chụm bảy" quanh xe quà vặt. Chỉ một, hai trăm đồng que kem hay cây kẹo, nhưng đó từng là niềm ao ước trong miền ký ức của bao đứa trẻ quê...
Trời chiều, từng vạt nắng cuối ngày chiếu nghiêng khiến bóng ông Võ Văn Vịnh (66 tuổi, ngụ TP Sa Đéc, Đồng Tháp) đổ dài lên nền đường. Ông chọn đậu xe bán kẹo kéo, kẹo chỉ tại khu vực đồng diều miệt Sa Đéc cả tuần nay vì nơi đây tập trung nhiều trẻ em được nghỉ học, đi thả diều cùng ba mẹ.
"Mùa này mần ăn được. Chừng nào tụi nhỏ hạ diều thì tui mới gói ghém đồ về nhà. Mấy bữa nay về trễ nhưng bù lại mần ăn khá, thêm chút tiền phụ cho bả ở nhà" - ông Vịnh vui vẻ chia sẻ.
Ông cho biết mình đi bán kẹo kéo từ năm 30 tuổi. Hơn 35 năm theo nghề, không con đường nào ở Sa Đéc, Lai Vung, Lấp Vò mà ông chưa từng đặt chân đến. Và ông vẫn chọn gắn bó bên xe kẹo kéo mặc cho bao lứa học sinh đã lớn lên, ra trường, thành gia lập nghiệp.
Từ chiếc xe đạp cũ kỹ ngày đầu đi bán kẹo, cách đây vài năm ông Vịnh "lên đời" xe máy rồi gắn loa phát mấy bài nhạc bolero trữ tình để thu hút sự chú ý. Bạn bè bán kẹo kéo cùng thời với ông cứ heo hút dần vì ế ẩm, chỉ còn mỗi ông độc bước với nghề.
"Giờ Sa Đéc chỉ còn mình tui bán kẹo kéo mà thôi. Bận xưa đông lắm nhưng khổ cực hết đất sống nên dần dà người ta nghỉ hết. Một phần cũng vì ngày nay bánh kẹo ngon nhiều nên sắp nhỏ cũng ít ham kẹo kéo của mấy ông già" - ông Vịnh cười hiền chia sẻ.
Theo ông Vịnh, để có cây kẹo kéo ngon cho đám trẻ mê tít thò lò cũng không phải đơn giản. Người thợ phải rang đậu phộng rồi thắng đường vừa tới độ lửa để kẹo không bị cứng và đắng. Thợ lâu năm, chỉ cần ngửi mùi đường là có thể biết kẹo đã thắng tới chưa. "Tui vẫn dùng củi để thắng kẹo và rang đậu phộng, bởi vậy kẹo mới dẻo ngon" - ông Vịnh cho biết.
Hiểu tâm lý sắp trẻ thường ham vui nên người bán kẹo kéo hay để một vòng quay trên xe với các con số như 2, 3, 4 để trẻ quay. Quay vào số nào sẽ được đúng số lượng kẹo như thế. 
Tuy nhiên, người bán đôi khi cũng dùng "chiêu", khi quay vào số lớn thì nắn chiếc kẹo nhỏ lại chút so với bình thường. Trẻ vui vì được nhiều kẹo mà người bán cũng không buồn vì lỗ lã.
Ngày xưa nghèo, trẻ quê làm gì có tiền nên đứa nào nhặt được vỏ lon, dép cũ bán ve chai thì y như rằng có kẹo kéo nhai đến "sái quai hàm". Và một loại kẹo khác cũng được đám trẻ làng quê yêu thích là kẹo đường mạch nha nặn hình thú. Chỉ cần có 200 đồng đã được cầm một cây kẹo đường mạch nha hình rồng, chim... Rồi trẻ nhâm nhi cũng phải chừng 30 phút mới hết vì chỉ dám đưa vào miệng mà mút từ từ.
Tôi tìm gặp ông Đỗ Văn Tấy (88 tuổi, ngụ huyện Lai Vung), người có hơn 30 năm bán kẹo đường mạch nha. Dù đã nghỉ bán, ông Tấy vẫn kể thao thao các công đoạn làm kẹo mạch nha như nghề "thấm" vào máu. 
"Kẹo thắng từ hai phần mạch nha và một phần đường, mà phải đường ngon kẹo mới ngon nha. Thắng đều tay, canh lửa sao cho kẹo có màu hơi ngả vàng là đẹp nhứt" - ông Tấy rổn rảng.
Kẹo khi đem đi bán đặt trong chiếc thùng gỗ, bên ngoài trang trí hoa lá bắt mắt. Phía dưới thường là chiếc lò xô đốt dầu giữ cho kẹo nóng và mềm. 
Trẻ bu lại mua, người bán dùng que tre móc kẹo ra và sử dụng kéo cắt tỉa hình các con vật. Một thùng kẹo tầm 14kg bán trong khoảng vài ngày, thu về mớ bạc lẻ cũng bồn bộn thời đó.
Ông Tấy tâm sự mấy chục năm lặn lội với nghề có nhiều kỷ niệm tức cười. Mấy bà hay kéo ông lại rồi than vãn: "Ông bán chi nó bỏ vô quần áo bị kiến cắn đầy mình". Lúc ấy ông chỉ cười hề hề vì hiểu "mấy bả trách chơi chứ không hờn giận gì".
Ông Mai Văn Nguyên bán xirô đá bào cho trẻ em tại huyện Chợ Mới, An Giang - Ảnh: T.NHƠN
Ông Mai Văn Nguyên bán xirô đá bào cho trẻ em tại huyện Chợ Mới, An Giang - Ảnh: T.NHƠN
Leng keng, leng keng...
Cùng những chiếc xe quà vặt bán dạo làm sắp nhỏ miệt quê mê tít còn có mấy thứ khác mà đắt hàng nhứt là kem cây. Nghe tiếng chuông leng keng từ xe kem của ông Nguyễn Văn Hiền (47 tuổi, huyện Chợ Mới, An Giang), lũ trẻ trong xóm lũ lượt bu tới. 
Kem đậu xanh, đậu đen, kem chuối từ xe bán dạo của ông thiệt hấp dẫn với trẻ quê. Giá mỗi que kem chỉ 2.000 đồng, rẻ hơn nhiều so với các loại kem khác trên thị trường nên được trẻ mê tít thò lò.
"Nghề này dãi nắng dầm mưa nhưng ngày nào thưa khách cũng bán được 100 cây, còn thông thường 200 cây. Mình hơi cực nhưng cũng có chút tiền phụ bả lo cho đám con" - ông Hiền chia sẻ.
Dịch COVID-19 đang hoành hành, người bán dạo không còn tụ tập ở cổng trường để bán cho học sinh như thường ngày. 
Ông Mai Văn Nguyên (43 tuổi, ngụ TP Long Xuyên) hằng ngày đều phải men theo những con đường nhỏ miệt quê ruộng để bán xirô đá bào. Thứ thức uống từ đá và xirô ngày nay đã được biến tấu thêm nhiều hương vị để hấp dẫn các "thượng đế" tí hon. 
"Mình cũng phải thay đổi để trụ với nghề. Bánh kẹo giờ nhiều binh thiên, con nít thiếu gì thứ lựa chọn. Chỉ còn mấy đứa nhỏ ở quê ít tiền nên mua kem cây, đá bào thôi" - ông Nguyên chặc lưỡi tâm sự.
Những người bán quà vặt cho trẻ quê tôi gặp đều gắn đời với nghề vì nghèo khó hoặc sức khỏe già yếu không làm được việc nặng. 
"Tui có đứa con trai út, khuyên mãi mà nó nhất quyết không theo nghề này. Nhưng tui cũng có viết lại miếng giấy, chỉ công thức làm kẹo kéo. Sau này tui mất, nó muốn học thì còn biết đường học" - ông Vịnh tâm tư.
Còn ông Nguyễn Văn Hiền thở dài chia sẻ: "Dù sao cũng xe kem này lo cho tụi nhỏ ở nhà học hành đến nơi đến chốn. Chỉ mong tụi nó lớn lên có việc làm ổn định, còn chuyện theo nghề bán kem như tía nó thì chắc tui không cho".
Trời sập tối, những xe kẹo kéo, kem cây, xirô đá bào khuất dần sau những con đường quê nhỏ. Tiếng chuông vẫn vang lên leng keng, nhưng sắp nhỏ đã vắng dần...
Một thời thương nhớ khó quên
"Bận những năm 1980, nhà tui đi kinh tế mới ở miệt bưng biền nghèo khó huyện Đức Huệ, Long An. Mà hồi đó cơm còn độn bo bo, khoai mì thì làm gì có quà bánh từa lưa như giờ.
Tới vụ gặt lúa, sắp nhỏ tụi tui đi mót đồng cũng kiếm được một, hai thúng, đổi ra mấy đồng tiền cắc để mua kem cây hay xirô đá bào xanh xanh đỏ đỏ. Tui vẫn nhớ nó ngọt ngon như không có gì ngon hơn thế" - thầy giáo Nguyễn Xuân Minh, một thời ở huyện Đức Huệ, Long An, tâm sự.
Ông chưa quên những buổi trưa thao láo mắt chờ người bán kem dạo đi qua. Có bữa ngủ quên, tới khi giật mình dậy thì ông già bán kem dạo đã đạp xe đi xa rồi.
Thằng nhỏ chạy theo hụt hơi không kịp. Tiếng leng keng của xe kem nhỏ dần trong tiếng khóc nức nở của thằng bé miệt bưng biền đang chảy nước miếng thèm thuồng...
Q.M.
Bao đời chiếc xuồng ba lá như đôi chân người châu thổ luồn lách qua kênh rạch hay mưu sinh trên đồng lũ. Nhưng giờ đây, hình ảnh chiếc xuồng thương nhớ này đang vắng dần vì đường sá tiện lợi, đặc biệt là không thể cạnh tranh lại các vỏ lãi bằng nhựa bền hơn, nhanh hơn...
Kỳ tới: Thương nhớ chiếc xuồng ba lá
THÀNH NHƠN (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.