Đề xuất học sinh tốt nghiệp THCS học nghề được liên thông lên ĐH

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Học sinh tốt nghiệp THCS học đủ khối lượng kiến thức văn hoá THPT và có bằng trung cấp nghề phải được học liên thông lên ĐH.

Hiện nay học sinh tốt nghiệp THCS học nghề muốn học để thi tốt nghiệp THPT vẫn phải đến Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Ảnh: V.Đ
Hiện nay học sinh tốt nghiệp THCS học nghề muốn học để thi tốt nghiệp THPT vẫn phải đến Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Ảnh: V.Đ


Đó là một trong những đề xuất, kiến nghị được nêu ra tại cuộc họp trực tuyến Góp ý quy định giảng dạy khối lượng kiến thức văn hoá THPT trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, dành cho học sinh tốt nghiệp THCS học nghề, do Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM tổ chức sáng nay 14.6, với sự tham gia của đại diện hơn 20 trường cao đẳng, trung cấp.
 

Buổi họp trực tuyến có sự tham gia của nhiều trường CĐ, trung cấp
Buổi họp trực tuyến có sự tham gia của nhiều trường CĐ, trung cấp



Cho phép trường nghề đủ điều kiện được dạy 7 môn THPT


Gần đây, Bộ GD-ĐT đưa ra dự thảo Quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Cụ thể đối với mỗi ngành, nghề, học sinh phải học ít nhất 4 môn học gồm 2 môn bắt buộc (toán, ngữ văn; mỗi môn 270 tiết) và ít nhất 2 môn lựa chọn (trong số các môn: vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý; mỗi môn 180 tiết). Các trường cao đẳng, trung cấp đủ điều kiện sẽ được dạy chương trình 4 môn này.

Tuy nhiên, sau khi hoàn thành 4 môn này, học sinh không thể tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nếu muốn dự thi tốt nghiệp THPT thì các em vẫn phải học chương trình giáo dục thường xuyên bậc THPT, bao gồm 7 môn học, ở các Trung tâm Giáo dục thường xuyên.

Tiến sĩ Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông, nêu ý kiến: "Tại dự thảo này, ở điều 1 ghi đối tượng áp dụng là các cơ sở giáo dục nói chung, nhưng phần cuối dự thảo, điều 13, 14 lại quy định chỉ các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý của Bộ, Sở GD-ĐT mới được tổ chức giảng dạy, kiểm tra, đánh giá và cấp Giấy chứng nhận đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT. Điều đó có nghĩa các trường cao đẳng, trung cấp thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ LĐ-TB-XH bị gạt ra ngoài, ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi người học. Để các em học nghề một nơi, học văn hoá một nẻo và trường nghề không được chủ động trong việc đào tạo, cấp giấy chứng nhận là rất thiệt thòi cho các em".

Chính vì thế, tiến sĩ Hải cho rằng thông tư cần điều chỉnh để trường cao đẳng, trung cấp đủ điều kiện sẽ được phép dạy chương trình văn hoá 4 môn lẫn chương trình 7 môn để học sinh được lựa chọn và được học ngay tại trường nghề, không phải di chuyển 2 nơi.

"Em nào không cần thi tốt nghiệp THPT thì chỉ cần lựa chọn học 4 môn văn hoá, em nào có nhu cầu thi tốt nghiệp thì chọn 7 môn, và trường cao đẳng, trung cấp sẽ được quyền cấp giấy chứng nhận đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT (4 môn) và giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT (7 môn). Đồng thời trường nghề sẽ được đăng ký với sở GD-ĐT cho những học sinh hoàn thành 7 môn được thi tốt nghiệp THPT. Toàn bộ quá trình này không cần thông qua Trung tâm Giáo dục thường xuyên nữa", ông Đặng Văn Đại, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Đông Sài Gòn, nêu quan điểm.

Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM, phản ánh phụ huynh khi định hướng cho con đi học nghề vẫn luôn mong muốn con được tiếp tục học các môn văn hoá để thi lấy bằng tốt nghiệp, do nhiều đơn vị sử dụng lao động vẫn yêu cầu bằng này.

"Không nên vì lý do nào đó mà gây khó khăn cho phụ huynh học sinh. Nếu trường nghề đào tạo tốt cả chương trình văn hoá lẫn chương trình nghề cho học sinh tốt nghiệp THCS thì sẽ có đóng góp cho xã hội rất nhiều. Vì vậy, hãy tạo điều kiện cho trường nghề được dạy đủ 7 môn văn hoá và được cấp giấy chứng nhận, được là đơn vị đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT để các em học sinh bớt đi một lo lắng không đáng có", thạc sĩ Lý nói.

Phải được liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân


Đại diện các các trường đều cho rằng dự thảo thông tư của Bộ GD-ĐT tiếp tục gây khó khăn trong vấn đề liên thông đối học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề.

Ông Đỗ Hữu Khoa, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Công nghệ thông tin Sài Gòn, phân tích: "Dự thảo chỉ cho phép học sinh có giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hoá THPT (4 môn) được sử dụng để liên thông lên trình độ cao hơn trong giáo dục nghề nghiệp, nghĩa là chỉ được học lên cao đẳng chứ không được học tiếp lên đại học. Như vậy, các em muốn học lên đại học thì vẫn phải có bằng tốt nghiệp THPT".

"Chúng tôi mong muốn thông tư khi ban hành chính thức sẽ bổ sung nội dung "học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề sau khi hoàn thành khối lượng kiến thức văn hoá THPT được cấp Giấy chứng nhận và có thể sử dụng trong việc theo học trình độ cao hơn gồm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học", theo ông Đỗ Hữu Khoa.

Đồng quan điểm này, tiến sĩ Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng, cho hay: "Từ năm 1996, nhà trường đã đào tạo cho người tốt nghiệp THCS, vừa học văn hoá vừa học nghề trong vòng 4 năm và được cấp bằng trung học nghề, sau đó các em được liên thông lên các bậc cao hơn gồm cao đẳng lẫn đại học".

"Tuy nhiên, sau khi Bộ LĐ-TB-XH quản lý giáo dục nghề nghiệp kể từ năm 2017, việc liên thông bị đứt quãng, dẫn đến học sinh THCS đi học nghề chỉ được liên thông đến bậc cao đẳng. Do đó, vấn đề liên thông phải được quy định lại, để các em hoàn thành khối lượng kiến thức văn hoá THPT phải được liên thông lên các bậc học cao hơn trong hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm cả đại học chứ không chỉ trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp", tiến sĩ Lộc nêu quan điểm.

Còn ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp, đề nghị: "Học sinh tốt nghiệp THCS học học trung cấp mà hoàn thành khối lượng kiến thức văn hoá THPT thì được liên thông cao đẳng, đại học mà không bắt buộc các em phải có bằng tốt nghiệp THPT. Có như vậy mới có thể làm tốt phân luồng, khuyến khích học sinh sau THCS vào học nghề", ông Tuấn nói.

Theo Mỹ Quyên (TNO)

Có thể bạn quan tâm

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

(GLO)- Đề án tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2021-2025 được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai triển khai đang là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục.

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

(GLO)- Mô hình điểm về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong trường học được triển khai tại Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh) bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường và xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện.

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 không còn đặt ra tỷ lệ học nghề sau THCS khoảng 30% như giai đoạn trước. Thực tế cho thấy việc áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không phù hợp và nảy sinh nhiều hệ lụy.

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

(GLO)- Chiều 3-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai và Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.