Đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật cao trong khám-chữa bệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm gần đây, nhiều cơ sở y tế trong tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật cao để nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh, hạn chế tình trạng chuyển tuyến.
Nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh
Đến nay, Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai đã được trang bị hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại. Cùng với đó, đội ngũ y-bác sĩ thường xuyên tham gia tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhi.
Bác sĩ CKII Đặng Hữu Chiến-Giám đốc Bệnh viện Nhi tỉnh-chia sẻ: Khi mới thành lập, đơn vị chỉ có 912 danh mục kỹ thuật được phê duyệt triển khai. Hiện nay, Bệnh viện đã có 2.493 danh mục kỹ thuật, chiếm 60% danh mục kỹ thuật trong lĩnh vực nhi khoa và từ bệnh viện hạng 3 lên bệnh viện hạng 2. Một số kỹ thuật mới được triển khai gần đây như: phẫu thuật kết hợp xương trên màn hình tăng sáng; phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa; phẫu thuật điều trị bệnh phình đại tràng bẩm sinh một thùy; phẫu thuật Kasai trong teo đường mật bẩm sinh; phẫu thuật cấp cứu trong chấn thương sọ não… 
Tháng 6-2022, Bệnh viện Nhi tỉnh triển khai cắt amidan, nạo VA bằng công nghệ Plasma. Đây là phương pháp hiện đại hàng đầu hiện nay và Gia Lai là tỉnh đầu tiên trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên triển khai. Phương pháp này có ưu điểm vượt trội là thời gian làm tiểu phẫu chỉ khoảng 30 đến 45 phút, ít xảy ra biến chứng sau phẫu thuật; không gây bỏng, ít đau và rất ít chảy máu, bệnh nhân không phải kiêng nói sau phẫu thuật và hoàn toàn có thể về nhà, sinh hoạt, ăn uống bình thường…
Các bác sĩ Hội Phẫu thuật nhi Việt Nam phối hợp với y-bác sĩ Bệnh viện Nhi tỉnh tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhi sứt môi, hở hàm ếch. Ảnh: Như Nguyện
Các bác sĩ Hội Phẫu thuật nhi Việt Nam phối hợp với y-bác sĩ Bệnh viện Nhi tỉnh tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhi sứt môi, hở hàm ếch. Ảnh: Như Nguyện
Chị Lương Thị Thùy Linh (tổ 6, phường Hội Thương, TP. Pleiku) cho hay: Con chị bị viêm amidan tái đi tái lại rất nhiều lần, gia đình dự định hè này đưa cháu vào TP. Hồ Chí Minh cắt amidan bằng công nghệ Plasma. “Khi biết Bệnh viện Nhi tỉnh triển khai kỹ thuật này, tôi đã cho cháu phẫu thuật tại đây và rất thành công. So với vào TP. Hồ Chí Minh, việc điều trị tại tỉnh giúp gia đình tiết kiệm rất nhiều chi phí trong khám-chữa bệnh, đi lại, ăn ở”-chị Linh chia sẻ. 
Không chỉ ở tuyến tỉnh, chất lượng khám-chữa bệnh tại tuyến huyện cũng không ngừng được nâng lên. Ông Trương Minh Cẩn-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chư Sê-thông tin: Tháng 7-2022, Trung tâm được phê duyệt bổ sung danh mục kỹ thuật trong khám-chữa bệnh gồm: 252 danh mục kỹ thuật; trong đó có 205 danh mục kỹ thuật đúng tuyến, 47 danh mục kỹ thuật vượt tuyến. Điều này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh tại Trung tâm mà còn tạo điều kiện cho người dân điều trị bệnh ngay tại cơ sở, không phải lên tuyến trên.
Tăng cường tập huấn, đào tạo chuyên môn
Bác sĩ CK II Phạm Bá Mỹ-Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh-cho biết: “Dù mới là bệnh viện hạng 2 nhưng đơn vị đã triển khai nhiều kỹ thuật cao của bệnh viện hạng 1 như: phẫu thuật nội soi, phẫu thuật thần kinh-cột sống, vi phẫu thuật thần kinh sọ não… Hiện Bệnh viện đã được đầu tư hệ thống chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA). Đây là hệ thống chụp hình mạch máu mới, giúp thấy rõ hơn các thương tổn và bệnh lý mạch máu trước khi chỉ định can thiệp mạch. Hệ thống này sẽ giúp chúng tôi triển khai nhiều kỹ thuật cao trong điều trị tại chỗ, không phải chuyển tuyến trên. Chúng tôi đang cử 3 ê kíp học tập và thực hành tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) và thời gian tới sẽ triển khai nhiều kỹ thuật cao trong lĩnh vực tim mạch, thần kinh cho người dân tại tỉnh”.
Nhiều kỹ thuật cao được triển khai góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn. Ảnh: Như Nguyện
Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhi. Ảnh: Như Nguyện
Không chỉ cử y-bác sĩ đi học tập tại các tỉnh, thành phố, nhiều đơn vị đã kết nối trực tuyến với các bệnh viện tuyến trên theo định kỳ hàng tuần, hàng tháng để được tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, điều trị cho các ca bệnh khó. Một số đơn vị còn phối hợp với các hội, bệnh viện tuyến trên triển khai các chương trình khám-chữa bệnh tại tỉnh, qua đó có cơ hội học tập kinh nghiệm từ các bác sĩ có tay nghề, chuyên môn cao. Cuối tháng 7-2022, Hội Phẫu thuật nhi Việt Nam phối hợp với Bệnh viện Nhi tỉnh tổ chức chương trình khám sàng lọc và thực hiện phẫu thuật chỉnh hình miễn phí cho trẻ em khuyết tật. Đây là lần đầu tiên các trẻ em khuyết tật hệ vận động; khuyết tật vùng mặt (sứt môi, hở hàm ếch)… được phẫu thuật ngay tại Gia Lai.
“Việc phối hợp tổ chức chương trình không chỉ tạo điều kiện thăm khám, điều trị miễn phí cho các bệnh nhi khó khăn tại tỉnh, mà dịp này chúng tôi cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các bác sĩ tuyến trên. Một số phẫu thuật bệnh viện chưa triển khai được như phẫu thuật tái tạo môi và hàm ếch bị hở… thì qua đây, chúng tôi tích lũy thêm kiến thức và sẽ tiếp tục cử y-bác sĩ lên tuyến trên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn để thời gian tới có thể triển khai các kỹ thuật mới ngay tại tỉnh”-Giám đốc Bệnh viện Nhi tỉnh nói.
NHƯ NGUYỆN
 

Có thể bạn quan tâm

Thị xã An Khê được công nhận loại trừ sốt rét

Thị xã An Khê được công nhận loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 9-12, tại Trung tâm Y tế thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã diễn ra hội nghị công bố quyết định công nhận thị xã An Khê đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét. Đây là địa phương thứ hai trên địa bàn tỉnh (sau TP. Pleiku) được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét.

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

Chạy bộ là một trong những hình thức tập luyện phổ biến nhất. Lợi thế của bài tập này là không cần thiết bị tập luyện và bất kỳ ai cũng có thể tập. Tùy vào thể lực của từng người mà có thể chạy với cự li bao xa.