Dạy các môn tích hợp ở lớp 6: Chủ động, linh hoạt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cùng với cả nước, Gia Lai đang tích cực triển khai dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 6. Lần đầu tiên ở khối lớp này, 5 đơn môn gồm Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học được tích hợp thành 2 môn: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý. Trước sự thay đổi đó, các trường đã chủ động bố trí giáo viên giảng dạy, đồng thời xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá một cách linh hoạt.
Bắt nhịp với môn học mới
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), chương trình môn Lịch sử và Địa lý bao gồm phân môn Lịch sử và phân môn Địa lý. Mỗi phân môn được thiết kế theo mạch nội dung riêng, trong đó, nhiều nội dung dạy học liên quan được bố trí gần nhau để hỗ trợ nhau. Nội dung Lịch sử tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung Địa lý và ngược lại. Đối với chương trình môn Khoa học tự nhiên bao gồm các chủ đề: Chất và sự biến đổi của chất, Vật sống, Năng lượng và sự biến đổi, Trái đất và bầu trời. Các chủ đề này liên quan đến kiến thức của 3 môn: Hóa học, Vật lý và Sinh học; được sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính, có kết hợp ở mức độ nhất định với cấu trúc đồng tâm; có một số chủ đề liên môn, tích hợp nhằm hình thành các nguyên lý, quy luật chung của thế giới tự nhiên.
Năm học này, Trường THCS Đề Thám (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) có 5 lớp 6 với 192 học sinh. Thực hiện hướng dẫn của ngành, ngay từ đầu năm học, Ban Giám hiệu nhà trường đã họp bàn với các tổ chuyên môn liên quan để thống nhất phương án bố trí giáo viên giảng dạy ở 2 môn học tích hợp theo sách giáo khoa lớp 6 mới. Theo đó, nhà trường đã phân công 5 giáo viên của 2 tổ Hóa-Sinh và Lý-Kỹ thuật đảm nhận giảng dạy môn Khoa học tự nhiên, mỗi thầy-cô phụ trách 1 lớp với 4 tiết/tuần; đồng thời, bố trí 2 giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý với thời lượng 3 tiết/tuần/lớp. 
Nhiều trường THCS gặp thuận lợi khi bố trí giáo viên giảng dạy môn Lịch sử và Địa lý lớp 6. Ảnh: Mộc Trà
Nhiều trường THCS khá thuận lợi khi bố trí giáo viên giảng dạy môn Lịch sử và Địa lý lớp 6. Ảnh: Mộc Trà
Phó hiệu trưởng phụ trách Nguyễn Quang Tuyến cho hay: Thuận lợi của trường là những giáo viên giảng dạy Lịch sử và Địa lý trước đây đều được đào tạo cả 2 môn nên khi tiếp cận với môn học tích hợp không quá khó khăn. Riêng các giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên thì có phần vất vả hơn vì chỉ có 3/5 người được đào tạo chuyên ngành Hóa-Sinh, 2 người còn lại chỉ mạnh về môn Vật lý. Để có thể giảng dạy 3 môn, đòi hỏi bản thân mỗi thầy-cô giáo phải tự nghiên cứu, bồi dưỡng thêm về kỹ năng, kiến thức lẫn đầu tư soạn giảng. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã chỉ đạo các tổ chuyên môn liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức sinh hoạt 1-2 lần/tháng, có sự tham gia của Ban Giám hiệu nhà trường để cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giảng dạy môn học mới. Chúng tôi cũng đã lập danh sách các giáo viên và đề xuất lên cấp trên để họ tiếp tục tham gia bồi dưỡng theo lộ trình trong thời gian tới.
Năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 235 trường THCS với gần 102 ngàn học sinh/2.598 lớp. Trong đó, khối lớp 6 có 656 lớp với 26.179 học sinh. Tổng số giáo viên dạy lớp 6 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới là 3.816 người.
Tương tự, Trường THCS Phạm Hồng Thái (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) cũng chủ động bố trí 5 giáo viên thuộc 2 tổ Lý-Công nghệ và Hóa-Sinh để giảng dạy môn Khoa học tự nhiên, 6 giáo viên tổ Sử-Địa dạy môn Lịch sử và Địa lý cho 10 lớp 6 với 433 học sinh. Kế hoạch dạy học môn Lịch sử và Địa lý được xây dựng theo từng phân môn, còn môn Khoa học tự nhiên được xây dựng phù hợp với logic sắp xếp các chủ đề của chương trình môn học và điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường. Hiện tại, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trường vẫn đang triển khai dạy học trực tuyến.
“Mỗi thầy-cô giáo sẽ đảm nhận giảng dạy 1 môn tích hợp chứ nhà trường không chia theo phân môn hoặc chủ đề kiến thức liên quan đến thế mạnh của từng người. Điều này tuy sẽ có khó khăn và áp lực ban đầu cho giáo viên nhưng lại tạo thuận lợi trong quá trình giảng dạy và tổ chức kiểm tra, đánh giá sau này. Do đó, bên cạnh xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, chúng tôi cũng động viên giáo viên tự học tập, nâng cao năng lực chuyên môn nhằm đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới”-thầy Trần Tâm-Hiệu trưởng nhà trường-thông tin.
Được đào tạo ở cả 2 chuyên ngành sư phạm Sử-Địa, cô Phạm Thị Dạ Thảo-giáo viên Trường Tiểu học và THCS Đỗ Trạc (xã Cửu An, thị xã An Khê) có phần thuận lợi khi tiếp cận bộ môn Lịch sử và Địa lý lớp 6 mới. Cô Thảo nhận định: Tuy tích hợp thành 1 môn học nhưng nội dung trong sách giáo khoa vẫn rành mạch giữa 2 phân môn. Nửa đầu là kiến thức Lịch sử, sau đó mới tới Địa lý, vì thế, không quá khó để giảng dạy. Tôi nhận thấy, việc xây dựng chương trình môn học tích hợp có thể lược bỏ kiến thức trùng lặp ở nhiều môn, giảm tải chương trình. Thêm vào đó, hình ảnh sinh động, nội dung liên môn liền mạch và logic cũng giúp học sinh có cơ hội vận dụng kiến thức, kỹ năng của nhiều lĩnh vực để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong học tập và đời sống. 
Vẫn còn khó khăn, vướng mắc
Hiện nay, hầu hết các trường THCS trên địa bàn tỉnh đều chưa có giáo viên tích hợp được đào tạo chuẩn chuyên môn. Đơn cử, Trường Tiểu học và THCS Đỗ Trạc vẫn phải bố trí 3 giáo viên Vật lý, Hóa học và Sinh học cùng dạy môn Khoa học tự nhiên lớp 6. “Do giáo viên chưa được đào tạo, bồi dưỡng dạy môn tích hợp nên nhà trường vẫn phân công 3 người dạy 1 môn, linh hoạt thời khóa biểu theo từng chủ đề liên quan. Các thầy-cô giáo vừa dạy vừa tự nâng cao dần năng lực chuyên môn, khi tiệm cận rồi thì nhà trường sẽ giao 1 người đảm đương trọn 1 môn”-Hiệu trưởng Nguyễn Văn Sang lý giải.
Một số giáo viên cũng bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng khi lần đầu giảng dạy môn học tích hợp theo chương trình mới. Cô Lê Thị Phương Dung-giáo viên Trường THCS Đề Thám-chia sẻ: Chuyên ngành tôi được đào tạo là Vật lý nên kiến thức sư phạm về 2 môn Hóa học và Sinh học còn hạn chế. Do đó, khi được nhà trường phân công dạy môn Khoa học tự nhiên ở lớp 6, tôi chưa hình dung sẽ dạy học thế nào, soạn giáo án ra sao. Tôi đã không ngừng nghiên cứu, học hỏi thêm qua tài liệu và từ đồng nghiệp để thích nghi dần. Hiện tại, kiến thức ở lớp 6 vẫn còn nhẹ nhàng nên tôi nghĩ mình có thể hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, càng lên lớp cao hơn, kiến thức sẽ nặng và chuyên sâu hơn, tôi lo lắng chất lượng dạy học sẽ khó đảm bảo. Dĩ nhiên, công tác bồi dưỡng, tập huấn là bắt buộc và cần thiết, song thời gian ngắn như vậy, tôi nghĩ chưa đủ để giáo viên đơn môn dạy tốt môn tích hợp như mong muốn. 
Một tiết dạy trực tuyến môn Khoa học tự nhiên của giáo viên Trường THCS Phạm Hồng Thái (phường Hoa Lư, TP. Pleiku). Ảnh: Mộc Trà
Một tiết dạy trực tuyến môn Khoa học tự nhiên của giáo viên Trường THCS Phạm Hồng Thái (phường Hoa Lư, TP. Pleiku). Ảnh: Mộc Trà
Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Đình Hành-giáo viên Hóa học của Trường THCS và THPT Y Đôn (huyện Đak Pơ) cho rằng: 1 giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn mà phải dạy tích hợp kiến thức cả 3 môn là rất khó. Vì thế, khi chưa có được đội ngũ chuẩn chuyên môn thì việc phân công linh hoạt các giáo viên cùng giảng dạy như nhiều trường THCS đang làm hiện nay là khá hợp lý, đảm bảo chất lượng dạy và học. “Chỉ khó là Ban Giám hiệu phải sắp xếp thời khóa biểu cân đối, hợp lý. Đồng thời, các giáo viên sẽ phải nâng cao tinh thần trách nhiệm để cùng hoàn thành nhiệm vụ, nhất là thống nhất trong khâu kiểm tra, đánh giá giữa kỳ và cuối kỳ. Bởi lẽ, tất cả sẽ phải cùng nhau xây dựng chung đề kiểm tra; tùy vào tỷ lệ, thời lượng của chủ đề môn học để phân chia lượng câu hỏi và số điểm phù hợp”-thầy Hành phân tích.
Trao đổi với P.V, ông Hà Ngọc Dư-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Giáo dục Trung học, Giáo dục Chính trị và Giáo dục Thường xuyên (Sở GD-ĐT) cho biết: Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, Sở đã có văn bản hướng dẫn cụ thể cho các cơ sở giáo dục trung học trên địa bàn tỉnh về việc bố trí đội ngũ, xây dựng kế hoạch giảng dạy và tổ chức kiểm tra, đánh giá đối với 2 môn học tích hợp này. Theo đó, căn cứ vào tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy các nội dung của chương trình hoặc chủ đề phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên. Sau chương trình bồi dưỡng của Bộ GD-ĐT, Sở cũng đã triển khai bồi dưỡng đại trà 3 modul cho các giáo viên để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đang bồi dưỡng modul 4 liên quan đến xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường. Về lâu dài, tỉnh sẽ có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để dạy những môn tích hợp theo đề án của Bộ GD-ĐT. Các trường cũng phải chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học trong những năm tiếp theo. 
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

(GLO)- Ngày 3-12, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 281-KH/TU ngày 11-10-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 5-1-2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2025-2030.

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Thay thi bằng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên với những quy định mới; hướng dẫn phương pháp tính giá dịch vụ GD-ĐT là những chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 12 năm nay.