Danh tính các nạn nhân mất tích trong vụ sập cầu Phong Châu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bước đầu, lực lượng chức năng tỉnh Phú Thọ xác định có 8 người đang mất tích trong vụ sập cầu Phong Châu.

Đến tối 9-9, lực lượng chức năng bước đầu xác định được 8 nạn nhân đang mất tích trong vụ sập cầu Phong Châu (nối hai huyện Tam Nông - Lâm Thao của Phú Thọ).

Người thân ngóng chờ thông tin các nạn nhân đang mất tích trong vụ sập cầu Phong Châu

Người thân ngóng chờ thông tin các nạn nhân đang mất tích trong vụ sập cầu Phong Châu

Các nạn nhân đang mất tích được xác định gồm: Nguyễn Thị L. (SN 2005, Vạn Xuân, Tam Nông), Nguyễn Hà Ch. (SN 2005, Đắk Nông), Dương Công Ch. (SN 1981, Dân Quyền, Tam Nông), Hà Quốc Ch. (SN 1986, Chu Hóa, Việt Trì, Phú Thọ), Lương Xuân Th. (SN 1968, Thạch Đồng, Thanh Thủy, Phú Thọ), Nguyễn Thị H. (SN 1976, Thạch Đồng, Thanh Thủy), Nguyễn Thị Bích H. (SN 1988, Thụy Vân, Việt Trì) và Nguyễn Thị Y. (SN 1979, Sơn Vi, Lâm Thao).

Ba người bị thương là Bùi Quý Trọng (SN 1991), Nguyễn Minh Hải (SN 1994) cùng trú lại xã Vạn Xuân, Tam Nông và Phan Trường Sơn (SN 1984, Hương Nộn, Tam Nông).

Hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn đang được lực lượng chức năng triển khai. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết xấu, kèm theo nước sông Hồng dâng cao, chảy mạnh nên việc tìm kiếm gặp nhiều khó khăn. Lực lượng quân đội, công an đã dựng trại dã chiến gần hiện trường để triển khai tìm kiếm.

Trước đó, như Báo Người Lao Động đã đưa tin, khoảng 10 giờ 2 phút ngày 9-9, cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng (nối 2 huyện Tam Nông, Lâm Thao) bị sập, cuốn trôi trụ T7 và 2 nhịp dàn chính (nhịp 6 và nhịp 7, thuộc địa bàn huyện Tam Nông).

Thông tin bước đầu, Sở giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ cho biết nước sông Hồng dâng cao, lưu tốc dòng chảy xiết đã làm thay đổi địa hình, địa mạo dưới lòng sông, kéo đổ trụ T7 làm sập 2 nhịp dàn chính của cầu.

Theo thông tin ban đầu từ Công an tỉnh Phú Thọ, qua sơ bộ nắm tình hình tại thời điểm sập cầu có 8 phương tiện, trong đó 1 xe ôtô tải, 1 xe ôtô con, 5 xe máy và 1 xe máy điện đang di chuyển trên cầu, bị rơi xuống sông. Số nạn nhân gặp nạn khi sập cầu hiện chưa thể xác định chính xác. Đến thời điểm hiện tại, có 2 nam thanh niên bị rơi xuống mố cầu được cứu sống; 1 người đàn ông đi xe máy, rơi xuống cầu, may mắn được cứu đưa vào bờ.

Trong báo cáo tối cùng ngày, UBND tỉnh Phú Thọ cho biết nước lũ dâng cao, chảy xiết nên việc triển khai các biện pháp tìm kiếm, cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn, chưa xác định chính xác về số lượng phương tiện và số người bị mất tích.

Địa phương này đang khẩn trương, tập trung rà soát, xác định chính xác số lượng người và phương tiện gặp nạn. Phối hợp với Quân khu 2, TP Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc rà soát các tuyến sông phía hạ lưu để tiếp tục tìm kiếm người mất tích. Bên cạnh đó, chuẩn bị phương án tìm kiếm, cứu nạn khu vực chân cầu khi điều kiện cho phép, đảm bảo an toàn.

Tỉnh Phú Thọ đã đề nghị Bộ Quốc phòng, Quân khu 2 quan tâm lắp đặt cầu phao để đảm bảo giao thông tạm thời, phục vụ đi lại của nhân dân. Đồng thời, đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải đầu tư xây dựng cầu mới thay thế cầu Phong Châu cũ với quy mô hiện đại, đồng bộ với quy mô tuyến Quốc lộ 32C hiện tại; đảm bảo an toàn giao thông, đáp ứng nhu cầu giao thông đi lại ngày càng tăng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo Minh Chiến - Nguyễn Hưởng (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm