Đảm bảo lợi ích của người trồng mía

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bên cạnh việc tăng giá mua mía và mức hỗ trợ cước vận chuyển nguyên liệu từ ruộng đến nhà máy, niên vụ ép 2016-2017, Nhà máy Đường An Khê còn quyết tâm thực hiện công khai, minh bạch hơn trong khâu cấp phiếu và tiếp nhận mía… Tất cả nhằm tạo sự an tâm cho nông dân và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa đơn vị với người trồng mía.
 

Việc nâng công suất của Nhà máy sẽ giúp mía trên ruộng được thu hoạch nhanh hơn. Ảnh: H.T
Việc nâng công suất của Nhà máy sẽ giúp mía trên ruộng được thu hoạch nhanh hơn. Ảnh: H.T

Tăng giá thu mua và công khai quy trình tiếp nhận mía

Ông Nguyễn Hoàng Phước-Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê cho biết, do thời tiết bất lợi cộng với mía chưa đủ độ chín nên đến ngày 25-11 vừa qua, Nhà máy mới chính thức bước vào vụ ép 2016-2017, chậm 10 ngày so với kế hoạch ban đầu. Trước đó, đơn vị đã hoàn tất dây chuyền sản xuất mới với công suất 10.000 tấn mía cây/ngày và tiến đến nâng lên 18.000 tấn mía cây/ngày kể từ ngày 15-12. Nhà máy còn tiến hành ký hơn 1.000 hợp đồng đầu tư và mua mía với những người trực tiếp sản xuất và kinh doanh mía. Theo đó, sản lượng mía dự kiến trên toàn vùng nguyên liệu Đông Gia Lai là 1,6 triệu tấn (trừ mía giống).

 

Nhà máy Đường An Khê sẽ bắt đầu tiến hành thu hoạch mía ở những khu vực trồng trước hoặc khô hạn, ưu tiên những người trực tiếp sản xuất mía, đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, gia đình chính sách… để họ sớm có thu nhập trước khi đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Với công suất hiện nay, mỗi ngày Nhà máy sẽ tiếp nhận khoảng 500 xe mía; từ ngày 15-12 trở đi là 1.200 xe mía/ngày.

Để giúp người trồng, kinh doanh mía cũng như đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất năm nay, từ đầu tháng 11, Nhà máy Đường An Khê đã thông báo rộng rãi về quy trình mua-vận chuyển-tiếp nhận mía vụ ép 2016-2017 đến chính quyền địa phương và nhân dân vùng mía. Theo đó, người sản xuất, kinh doanh mía phải đăng ký với Nhà máy mà trực tiếp là tại các Trạm Đầu tư và Mua mía về diện tích và sản lượng mía bán theo tháng trồng hoặc lưu gốc; thực hiện thu hoạch theo kế hoạch đã được niêm yết công khai tại Trạm. Mía thu hoạch phải đúng bến bãi, ruộng mía và giống mía đã đăng ký; đảm bảo chín-tươi-sạch (sạch lá, rễ, ngọn non và không mang theo tạp chất). Mía phải được chở về Nhà máy không quá 36 giờ kể từ khi đốn để đảm bảo chất lượng mía. Nếu quá thời gian trên, Nhà máy Đường An Khê sẽ từ chối thu mua mía.
 

Xe vận chuyển mía về Nhà máy nếu vi phạm trọng tải quy định quá 3 lần sẽ không được tiếp nhận mía. Ảnh: H.T
Xe vận chuyển mía về Nhà máy nếu vi phạm trọng tải quy định quá 3 lần sẽ không được tiếp nhận mía. Ảnh: H.T

Cũng theo ông Phước, xe vận chuyển mía sẽ được Nhà máy cấp lô gô vận chuyển có đóng dấu và lô gô này phải được dán cố định trước kính bên phụ xe. Xe vận chuyển mía về Nhà máy phải có trong kế hoạch nhập mía hàng ngày, chở đúng trọng tải theo quy định, chấp hành đúng theo hướng dẫn của bảo vệ Nhà máy. Xe về trước có đầy đủ thủ tục thì đăng ký trước và một xe mía chỉ có 1 phiếu đốn và đăng ký duy nhất 1 số thứ tự. Từ 15 đến 17 tiếng đồng hồ kể từ lúc lấy số thứ tự, xe mía sẽ được vào cân. Tất cả các thông tin về số thứ tự, chủ xe, số xe… đều được hiển thị trên bảng điện tử của Nhà máy tại phòng bảo vệ, vừa giúp người dân dễ dàng theo dõi vừa giúp Nhà máy đảm bảo sự công khai, minh bạch và uy tín của mình. Đáng chú ý, tiền mua mía cũng sẽ được Nhà máy thanh toán ngay trong ngày cho người bán.
 

Trường hợp mía cháy vì rủi ro, Nhà máy Đường An Khê sẽ làm việc với chính quyền địa phương, kêu gọi công thu hoạch và hỗ trợ vận chuyển nhanh về Nhà máy trước 24 giờ kể từ khi cháy mía nhằm giảm thiệt hại cho đôi bên. Tuy nhiên, với các trường hợp cố tình đốt mía hoặc kéo dài thời gian đốn mía cháy trên đồng để cho mía hư, Nhà máy sẽ tiến hành trừ tạp chất rất cao, thậm chí không tiếp nhận nếu để quá 10 ngày sau thời điểm cháy.

Bên cạnh những yêu cầu trên, nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi giúp cho người trồng mía an tâm đầu tư phát triển và thu hoạch mía bán cho Nhà máy theo đúng kế hoạch, ngày 16-11, Nhà máy Đường An Khê đã thông báo giá mua mía đầu vụ ép 2016-2017 là 950.000 đồng/tấn mía 10 chữ đường tại ruộng (cao hơn 50.000 đồng so với niên vụ trước). Giá cước vận chuyển hỗ trợ cũng được nâng lên 10.000-12.000 đồng/tấn tùy theo cự ly, bến bãi và từng vùng mía. “Đây chỉ là mức giá ban đầu. Trong suốt vụ ép, nếu giá đường trên thị trường tăng thì Nhà máy sẽ tiếp tục xem xét, cân đối nâng mức giá này lên sao cho đôi bên cùng hưởng lợi”-ông Phước nói.

Ngoài ra, đối với trường hợp có mía nhưng không có công lao động, xe vận chuyển, người dân sẽ được Nhà máy Đường An Khê hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa bằng cách liên hệ trực tiếp với Nhà máy thông qua các trạm Đầu tư và Mua mía trên địa bàn hoặc trung tâm tiếp nhận thông tin, tư vấn và trợ giúp người sản xuất-kinh doanh mía đường của Nhà máy.

 

Tuyên truyền, phổ biến cho người dân về chính sách mua, vận chuyển mía trong vụ ép 2016-2017. Ảnh: H.T
Tuyên truyền, phổ biến cho người dân về chính sách mua, vận chuyển mía trong vụ ép 2016-2017. Ảnh: H.T

Xử lý xe chở mía quá tải trọng

Đặc biệt, trong vụ ép này, Nhà máy Đường An Khê còn đưa ra nhiều chế tài nghiêm khắc đối với các trường hợp xe vận chuyển mía vượt quá tải trọng cho phép. Ông Phước phân tích: Nhằm góp phần thực hiện các quy định của Nhà nước, của tỉnh về kiểm soát tải trọng xe vận chuyển, chúng tôi đã ra thông báo về việc bốc xếp hàng hóa lên xe vận chuyển ra-vào Nhà máy. Theo đó, mía phải được bốc xếp gọn trong thùng xe, không được quá khổ, không vượt quá tải trọng cho phép ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe ô tô và tải trọng, khổ giới hạn của cầu, hầm, đường bộ trên toàn tuyến vận chuyển. Nhà máy sẽ thường xuyên kiểm tra những xe có dấu hiệu vi phạm và thông báo cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý. Về phía Nhà máy, khi phát hiện xe vi phạm lần đầu, Nhà máy sẽ nhắc nhở, chấn chỉnh hành vi của chủ phương tiện. Nếu xe nào vi phạm quá 3 lần, chúng tôi sẽ từ chối tiếp nhận mía, thu hồi lô gô đã cấp.

Trước đó, Nhà máy Đường An Khê đã phối hợp với Sở Giao thông-Vận tải tổ chức hội nghị tuyên truyền các quy định của pháp luật về kiểm soát tải trọng phương tiện trong vụ thu hoạch mía 2016-2017. Hội nghị nhằm mục đích giúp các chủ phương tiện nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về kiểm soát tải trọng; tránh tình trạng chở quá khổ, quá tải, làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông và phá hỏng kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn như những năm vừa qua.

“Với công suất hoạt động cao và những chính sách như trên, dự kiến đến ngày 20-4-2017, chúng tôi sẽ mua hết số mía trên đồng cho người dân, đảm bảo thu hoạch kịp thời vụ, mía tái sinh gốc tốt cho vụ sau”-ông Phước khẳng định.

Hồng Thi

Ông LÊ BẢO TRUNG-Trạm trưởng Trạm Đầu tư và Mua mía số 2 (Nhà máy Đường An Khê):

Hiện Nhà máy có tất cả 7 Trạm Đầu tư và Mua mía đứng chân trên địa bàn 4 huyện, thị xã Đông Gia Lai. Trạm số 2 của chúng tôi phụ trách vùng nguyên liệu thuộc 3 xã: Thành An (thị xã An Khê), Đak Hlơ và Kông Pla (huyện Kbang). Là bộ phận chuyên trách ở cơ sở của Nhà máy, khi tiếp nhận các chính sách mới trong niên vụ này, chúng tôi đã phân công nhau tuyên truyền chi tiết, cụ thể đến chính quyền địa phương cũng như người dân để họ nắm được tinh thần và thực hiện. Chỗ nào dân chưa rõ, chúng tôi sẽ trực tiếp giải đáp thắc mắc. Vụ ép năm nay, Trạm số 2 đăng ký thu mua khoảng 200.000 tấn mía nguyên liệu. Khu vực này đa số đốn muộn vì chưa khô ráo, đường vận chuyển còn khó khăn. Do đó, hiện giờ, chúng tôi chỉ tập trung thu hoạch diện tích mía phá gốc để dân kịp xuống giống vụ mới.

Ông NGÔ THANH PHONG-Chủ tịch UBND thị trấn Đak Pơ (huyện Đak Pơ):

Sau khi nhận được các thông báo của Nhà máy Đường An Khê trong vụ thu hoạch năm nay, chúng tôi đã báo cáo với Thường vụ Đảng ủy thị trấn, phân công nhiệm vụ cho cơ quan chuyên môn triển khai phổ biến rộng rãi đến các tổ dân phố, làng cho nhân dân nắm rõ. Hiện trên địa bàn, cây mía là cây trồng chủ lực với 971 ha/hơn 1.000 ha cây trồng các loại. Do đó, việc giá mía và cước hỗ trợ vận chuyển tăng là một tín hiệu đáng mừng, giúp bà con tăng thu nhập, ổn định cuộc sống hơn. Địa phương mong muốn, thời gian tới, Nhà máy tiếp tục đưa ra những chính sách tốt cho người trồng mía để mọi người an tâm đầu tư, phát triển cây mía cũng như tham gia mô hình cánh đồng mía lớn theo chủ trương, kế hoạch đề ra.

Ông ĐINH TRIM (làng Lợt, xã Kông Pla, huyện Kbang):

Gia đình tôi trồng mía từ năm 1992, đến nay có khoảng 6 ha. Khi nghe chính quyền địa phương và Nhà máy thông báo giá thu mua, hỗ trợ cước vận chuyển năm nay tăng hơn so với năm trước, tôi và bà con trồng mía trong làng, trong xã, ai ai cũng phấn khởi. Không chỉ tăng thêm thu nhập, khi công suất Nhà máy được nâng lên thì mía sẽ được thu hoạch nhanh, tiếp nhận nhanh. Hơn nữa, các khâu cấp phiếu, lấy số thứ tự, chờ cân… đều được Nhà máy công khai, niêm yết nên bà con cũng khỏe. Mọi năm, cứ thấp thỏm lo không có tiền ăn Tết nhưng nay chúng tôi yên tâm rồi vì tiền bán mía được Nhà máy trả luôn trong ngày tiếp nhận mía.

Ông THIỀU XUÂN YÊN (thôn 4, xã An Thành, huyện Đak Pơ):

Gia đình tôi có 3 chiếc xe Huyndai chuyên chở mía, trong đó có 1 chiếc trọng tải 16,5 tấn, 2 chiếc 11 tấn. Những năm trước, khi chở mía từ ruộng đến Nhà máy, tôi vẫn chấp hành quy định của Nhà nước về tải trọng, song có lúc cũng chở vượt khoảng 4-5 tấn/xe vì hàng nông sản khó ước lượng chính xác lắm. Năm nay, Nhà máy làm gắt gao hơn nên chúng tôi sẽ phải tính toán chở đúng tải trọng cho phép chứ sai phạm 3 lần sẽ bị Nhà máy thu lô gô, không tiếp nhận mía. Trước tình hình đó, các chủ phương tiện chở mía trên địa bàn xã đã quyết định đổi xe có tải trọng lớn hơn, tầm 25 tấn/xe. Sắp tới, tôi cũng sẽ đổi 2 chiếc xe có tải trọng thấp của mình để vừa thuận lợi về công thu hoạch, bốc xếp vừa đảm bảo không vi phạm quy định của Nhà nước.

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.