Đak Pơ: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những năm gần đây, huyện Đak Pơ (Gia Lai) đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn. Điều này đã góp phần thúc đẩy công tác cải cách thủ tục hành chính của huyện theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
Từ năm 2010, cán bộ, công chức xã Tân An đã được trang bị máy vi tính phục vụ công việc. Đến nay, 100% cán bộ xã sử dụng thành thạo máy vi tính, hộp thư điện tử, các phần mềm lưu giữ số liệu… Đặc biệt, 5 năm trở lại đây, xã đã ứng dụng có hiệu quả các phần mềm trong công tác quản lý tài chính, quản lý công dân. Ông Nguyễn Văn Minh-Chủ tịch UBND xã Tân An-cho biết: “Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác cải cách hành chính mà tiến độ giải quyết công việc của xã nhanh hơn rất nhiều. Tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn đã giảm đáng kể. Nhìn chung, người dân khi đến giải quyết công việc đều hài lòng về tiến độ, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức xã”. 
Điều ông Minh nói được bà Mai Thị Thơ (thôn An Bình) khẳng định: “Mấy năm nay, lên xã làm giấy tờ, tôi thấy rất tiện lợi, phòng ốc rộng rãi, mát mẻ, cán bộ làm việc rất vui vẻ, nhiệt tình. Công việc giải quyết cũng rất nhanh gọn nên tôi không phải đi lại nhiều lần như trước nữa”.
 Bộ phận một cửa của UBND xã Tân An. Ảnh: N.H
Bộ phận một cửa của UBND xã Tân An. Ảnh: N.H
Xã Ya Hội cách trung tâm huyện Đak Pơ hơn 30 km. Ngày trước, văn bản từ các cơ quan, ban ngành gửi đến xã chủ yếu qua đường bưu điện, phải mất 2-3 ngày mới nhận được, làm cho công việc của xã bị chậm trễ. Nhưng từ năm 2016 đến nay, khi huyện triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành, việc tiếp nhận mọi công văn đi và đến đều qua mạng internet đã góp phần giúp xã giải quyết được khó khăn nêu trên. Anh Nguyễn Công Lộc-công chức Địa chính-Nông nghiệp-Xây dựng-Môi trường xã Ya Hội-đánh giá: “Từ khi huyện triển khai ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành, công chức xã có thể truy cập khai thác văn bản đúng với chuyên môn. Báo cáo được gửi đúng tiến độ hơn, thông tin trao đổi giữa huyện, xã nhanh gọn và chính xác hơn”.
Huyện Đak Pơ có 8 đơn vị hành chính cấp xã. Năm 2016, huyện đã dành 237 triệu đồng để triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành đến tất cả các xã, thị trấn. Đồng thời, huyện mở rộng hệ thống một cửa điện tử đến 3 xã: Tân An, Cư An, Phú An và thị trấn Đak Pơ. Năm 2019, huyện tiếp tục chi khoảng 700 triệu đồng để triển khai hệ thống một cửa điện tử liên thông cho 4 xã còn lại. Đến nay, 100% xã, thị trấn của huyện đều kết nối internet để giao dịch và khai thác thông tin qua mạng; hầu hết cán bộ, công chức xã có thể làm việc trên máy tính, trao đổi thông tin qua thư điện tử và khai thác hiệu quả mạng internet.
Năm 2017, Trang thông tin điện tử của huyện cũng đã được nâng cấp thành Cổng thông tin điện tử. Việc cung cấp 8 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trên Cổng thông tin điện tử của huyện đã phục vụ tốt hơn nhu cầu giao dịch hồ sơ trực tuyến của các tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu. Từ đó đến nay, Cổng thông tin điện tử huyện đã đăng tải được gần 600 tin, bài thuộc nhiều lĩnh vực, phản ánh hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện; đăng tải hơn 1.000 văn bản các loại phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của huyện; công khai 348 thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu…
Ông Nguyễn Trường-Chủ tịch UBND huyện-cho hay: “Theo đánh giá, Đak Pơ là địa phương đứng thứ 5 toàn tỉnh về cải cách hành chính. Đây là kết quả ghi nhận những nỗ lực của huyện trong công tác cải cách hành chính thời gian qua. Đồng thời, đây cũng là động lực để huyện tiếp tục phấn đấu xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân trong những năm tiếp theo”.
Theo kế hoạch, huyện Đak Pơ sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin bảo đảm đầy đủ các yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật để triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách thủ tục hành chính. Huyện cũng sẽ quan tâm sắp xếp, bố trí cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn làm công tác cải cách hành chính; rà soát, công khai các thủ tục hành chính được đầy đủ và kịp thời; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức cho người dân và doanh nghiệp về các nội dung dịch vụ công trực tuyến đang và sẽ triển khai, góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
 NGUYỄN HIỀN

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

(GLO)- Chiều 14-11, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Gia Lai tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh.

Việc áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001: 2015 góp phần cải thiện và nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của CQHCNN trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Nhật Hào

Gia Lai áp dụng, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015

(GLO)-Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch số 2555/KH-UBND về triển khai hoạt động xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tại các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2025.