(GLO)- Là huyện có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 55% dân số, thời gian qua, Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã quan tâm phát huy vai trò đội ngũ người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng huyện nhà ngày càng phát triển.
Ông Y Đức Thành (bìa phải)-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đak Đoa tặng quà người uy tín. Ảnh: Thanh Nhật |
Bà Giang H'Đan-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa-cho biết: Toàn huyện có gần 80 người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, huyện luôn quan tâm xây dựng đội ngũ người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Giai đoạn 2015-2020, các ban ngành đã tham mưu giúp UBND huyện thực hiện đầy đủ chính sách đối với người có uy tín. Hàng năm, huyện tổ chức thăm hỏi, tặng quà, cung cấp thông tin về phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh nhằm tạo điều kiện để đội ngũ người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Về vấn đề trên, bà Lê Thị Hương-Trưởng phòng Dân tộc huyện-cho hay: “Phòng đã tham mưu giúp UBND huyện tổ chức gần 8 lớp tập huấn và 3 đợt tham quan học tập kinh nghiệm cho đội ngũ người có uy tín; phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ gia đình người có uy tín gặp khó khăn, đau ốm. Hàng năm, các xã, thị trấn đều tổ chức gặp mặt thân mật, thăm hỏi tặng quà, biểu dương, động viên tinh thần đội ngũ người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số”.
Bên cạnh sự quan tâm của cấp ủy và chính quyền địa phương, Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, thị trấn cùng với ngành chức năng rà soát, bổ sung, thay thế đội ngũ người uy tín nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Qua các phong trào và cuộc vận động đã xuất hiện nhiều gương người uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số. Xã Glar có hơn 90% dân số theo đạo Tin lành thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam-miền Nam. Ông Wut (làng Dơk Rơng) cho biết: “Thời gian qua, tôi đã tích cực cùng địa phương tuyên truyền đồng bào theo đạo hiểu về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo, vận động bà con sống tốt đời-đẹp đạo, cảnh giác với những âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân”.
Tại xã Hà Đông, ông Đinh Đăm tích cực phối hợp tham gia các đợt tuyên truyền, phát động quần chúng từ bỏ tà đạo “Hà Mòn”, góp phần giữ vững an ninh nông thôn, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Diện mạo các làng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Đak Đoa ngày càng khởi sắc. Ảnh: Thanh Nhật |
Xã Trang hiện có tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm gần 64%. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã phối hợp với chính quyền, đoàn thể xã tổ chức thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Bí thư Đảng ủy xã Phạm Ngọc Tiến chia sẻ: “Đội ngũ người uy tín của xã đã vận động bà con từng bước xóa bỏ phương thức canh tác lạc hậu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Những hộ thuộc diện đông con, khó khăn đã được địa phương giúp vay vốn để xây dựng nhà ở, được hỗ trợ bò giống, phân bón, vay vốn sản xuất, tạo điều kiện để từng bước vươn lên thoát nghèo”.
Là người uy tín tiêu biểu của xã Trang, ông Thân (làng Kồ) bộc bạch: “Đến nay, cuộc sống của người dân và bộ mặt làng Kồ đã khang trang hơn; người dân đã đầu tư mua sắm nhiều máy móc, phương tiện phục vụ sản xuất và đời sống. Từ năm 2018 đến nay, làng đã vận động người dân đóng góp ngày công cùng với Nhà nước làm 1,8 km đường giao thông nông thôn, tạo thuận lợi cho sản xuất và đi lại. Đồng thời, bà con tích cực thực hiện hương ước, đời sống văn hóa, phấn đấu xây dựng làng và xã nông thôn mới”.
Làng Ia Mút (xã Hà Bầu) được chọn làm điểm về xây dựng làng nông thôn mới. Thời gian qua, ông Hyưr đã tích cực cùng dân làng lấy ngày thứ 7 là ngày vệ sinh môi trường để dọn vệ sinh đường làng, khơi thông mương thoát nước, trồng hoa dọc các tuyến đường. Ông Hyưr còn phối hợp với xã vận động 160 hộ xây dựng hàng rào cổng ngõ, 170 hộ đào hố rác, 80 hộ di dời chuồng trại ra sau nhà góp phần hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới.
“Mới đây, làng Ia Mút đã được UBND huyện Đak Đoa công nhận làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số theo Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy”-Bí thư Đảng ủy xã Hà Bầu Y Pren thông tin thêm.
THANH NHẬT