Đak Đoa đẩy mạnh tái canh cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, huyện Đak Đoa luôn chú trọng triển khai chương trình tái canh cà phê nhằm nâng cao năng suất, chất lượng loại cây trồng này, giúp người dân cải thiện thu nhập.
 

Huyện Đak Đoa hiện có gần 27.000 ha cà phê, trong đó có 21.630 ha kinh doanh, còn lại đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản. Đây là loại cây trồng chủ lực giúp người dân địa phương phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện hiện có hơn 5.000 ha cà phê đã già cỗi, năng suất thấp cần tái canh.
 

Người dân cắt bỏ cà phê già cỗi để chuẩn bị tái canh. Ảnh: L.N
Người dân cắt bỏ cà phê già cỗi để chuẩn bị tái canh. Ảnh: L.N

Trước thực tế đó, UBND huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo trồng tái canh cà phê cấp huyện, đồng thời, giao UBND các xã, thị trấn thành lập tổ chỉ đạo cấp xã để triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch tái canh giai đoạn 2015-2020. Huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, chính sách hỗ trợ tái canh của Trung ương, tỉnh, huyện đến người dân thông qua các cuộc họp của thôn, xã.

Thời gian qua, người dân trên địa bàn huyện Đak Đoa đã mạnh dạn nhổ bỏ diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp để thực hiện tái canh. Ông Yol (làng Hol, xã Hà Bầu) cho biết: “Trước đây, cà phê của gia đình tôi trồng bằng giống tự ươm nên năng suất đạt thấp. Năm 2017, được Nhà nước hỗ trợ giống nên gia đình phá bỏ 1 ha cà phê già cỗi để trồng tái canh. Đến nay, cây cà phê phát triển rất tốt và dự kiến vụ tới sẽ cho thu bói”. Tương tự, ông Nhing (làng Bông, xã Hà Bầu) nói: “Năm 2017, gia đình mình đăng ký tái canh và được huyện hỗ trợ giống để trồng hơn 0,4 ha. Hiện nay, vườn cà phê phát triển rất tốt”.

Trao đổi với P.V, ông Rơ Châm Krum-Phó Chủ tịch UBND xã Hà Bầu, cho biết: “Cà phê là cây trồng chủ lực trên địa bàn xã với hơn 2.400 ha. Hàng năm, người dân trên địa bàn xã đều đăng ký với huyện để nhận cây giống về tái canh. Qua tái canh, năng suất cà phê tăng từ hơn 2 tấn nhân/ha lên hơn 3 tấn nhân/ha. Nhờ đó, đời sống người dân đã được nâng lên rõ rệt”.   

Theo số liệu thống kê của cơ quan chuyên môn huyện Đak Đoa, từ năm 2010 đến nay, người dân trên địa bàn huyện đã tái canh được hơn 3.000 ha cà phê. Những năm đầu triển khai chương trình tái canh, người dân đăng ký tham gia được huyện hỗ trợ hạt giống để tự gieo ươm nhưng hiệu quả thấp. Vì vậy, từ năm 2016 đến nay, huyện đã giao cho Phòng Nông nghiệp và PTNT triển khai ươm giống để hỗ trợ cho người dân tái canh. Ông Lê Tấn Hùng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa, cho biết: Để nâng cao năng suất, chất lượng cà phê, huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn và người dân tích cực triển khai tái canh loại cây trồng này. Kế hoạch của huyện là mỗi năm thực hiện tái canh khoảng 200 ha cà phê già cỗi, năng suất thấp. Tuy nhiên, diện tích tái canh hàng năm của người dân đều vượt chỉ tiêu đề ra. Qua kiểm tra cho thấy, những diện tích sau khi tái canh năng suất tăng khoảng 30% (tăng bình quân từ 2,7 tấn nhân/ha lên 3,5 tấn nhân/ha).

“Tuy nhiên, việc triển khai tái canh cà phê cũng gặp khó khăn bởi các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đăng ký với diện tích nhỏ; một số hộ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng; định mức cho vay còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Do đó, phần lớn người dân chỉ tái canh một phần. Ngoài ra, nguồn giống hỗ trợ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tái canh của người dân, nhiều hộ vẫn phải tự mua giống để tái canh”-ông Hùng cho biết thêm.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kon Thụp triển khai "Công trình cây xanh" tại làng Dơ Nâu để góp phần tăng lượng cây xanh trồng trên địa bàn. Ảnh: Người dân cung cấp.

Mang Yang thực hiện tốt mục tiêu trồng cây phân tán

(GLO)-Triển khai Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 7-5-2021 của Ban thường vụ Huyện ủy Mang Yang về trồng cây phân tán trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, các cấp, ngành của huyện đã tăng cường huy động nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh.

Ảnh: V.T

Đặc sản Gia Lai hút khách dịp Tết

(GLO)- Thị trường đang rất sôi động khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025. Năm nay, thị trường ghi nhận sự dịch chuyển rõ nét từ tiêu dùng bánh kẹo nhập khẩu sang dùng hàng sản xuất trong nước. Đặc biệt, đặc sản Gia Lai chiếm ưu thế trong thiết kế các giỏ quà tặng.