Dải lụa xanh ngang phố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hiếm nơi nào hiển lộ khu rừng tự nhiên sừng sững giữa phố, ấy vậy mà ở thôn Trung Sơn (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) tồn tại khu rừng như tấm lụa xanh vắt ngang phố thị có bề dày lịch sử hơn 400 năm.

Trong tiềm thức người dân nơi đây, họ coi rừng Trung Sơn là “hơi thở”, là “linh hồn” bởi nó biểu tượng cho sự đấu tranh can đảm của một cộng đồng nhằm giữ lại quần thể di tích có giá trị văn hóa, lịch sử.

Cụ ông Hà Thúc Duyên (giữa) cùng nguyên trưởng thôn Trung Sơn Võ Chí Thanh (bên phải) và trưởng thôn Hà Thúc Vinh xem lại tư liệu rừng Trung Sơn được cụ Duyên lưu giữ. Ảnh: H.T.V

Cụ ông Hà Thúc Duyên (giữa) cùng nguyên trưởng thôn Trung Sơn Võ Chí Thanh (bên phải) và trưởng thôn Hà Thúc Vinh xem lại tư liệu rừng Trung Sơn được cụ Duyên lưu giữ. Ảnh: H.T.V

Tôi ghé thăm rừng Trung Sơn được ví như dải lụa xanh vắt ngang phố thị vào ngày nắng hanh nhẹ sau chuỗi ngày thành phố chìm trong cơn mưa dầm rả rích. Đón tôi là những người lão làng, gắn bó với rừng Trung Sơn gần trọn cuộc đời như trưởng thôn Hà Thúc Vinh, nguyên trưởng thôn Võ Chí Thanh và được họ dẫn đi tham quan khắp khu rừng. Ông Thanh hồ hởi giới thiệu, muốn vào rừng, trước tiên, phải đến đình làng Trung Sơn nằm ven bìa rừng thắp nén nhang, bày tỏ tấm lòng thành kính trước các vị thần linh.

Những câu chuyện gắn với rừng

Xong lễ nghi, chúng tôi rời đình, phát quang lối mòn tiến vào rừng, chắc có lẽ ảnh hưởng từ những cơn mưa, cỏ cây như thêm phần dũng mãnh, cứ thế đâm chồi, mọc gai che lấp lối đi cũ. Cây lá ven đường như phủ lên màn nước trong vắt, chỉ cần chạm nhẹ là nước tung tứ bề, ướt đẫm cả người đi thưởng ngoạn rừng. Đi kèm theo là những thanh âm chim hót, tiếng suối êm ả chảy róc rách, tạo nên cảnh sắc bảng lảng, mơ màng khiến tôi mê đắm và cảm tưởng những tinh hoa đất trời hội tụ khắp không gian xung quanh.

Vừa đi tôi vừa nghe ông Thanh thuật lại rõ nét thời cuộc thuở ấy qua hàng trăm câu chuyện về rừng, về người, về vật cũng như từng sự kiện lịch sử gắn liền khu rừng khiến tôi bồi hồi xúc động. Đi qua giếng Chăm cổ được xây ghép từ những tấm đá xanh to dày hình vuông theo kiểu giếng người Chăm, ông Thanh hào hứng nói, từ ngày xưa, giếng này có đặc điểm nước trong vắt, ngọt thơm, mát lạnh, chưa bao giờ cạn nước qua những mùa hạn hán, giếng không chỉ nuôi sống người dân trong thôn mà còn là nguồn sống của các thôn lân cận. Hay đi ngang miếu Âm linh, là ngôi miếu cổ xây dựng từ năm 1879 nằm đầu rừng phía tây của thôn, là nơi thờ cúng các chiến sĩ trận vong, còn có miếu Tự (1918), miếu Thần nông (1926) và miếu Bà (1900)…

Nghỉ chân bên gốc đa già cằn cỗi, ước tính mấy người ôm không xuể, nguyên trưởng thôn Võ Chí Thanh (70 tuổi) bắt đầu kể về kỷ niệm với rừng, khi sinh ra thì rừng Trung Sơn đã hiện diện vô cùng xinh đẹp trong tâm khảm ông. Chạm tuổi 13 tuổi, ông đã là chú “du kích nhỏ” miệt mài từng ngõ ngách, lối mòn trên rừng Trung Sơn theo dõi đường đi của giặc. Chính vì thế, mỗi khi nhắc đến rừng thì ông lại rưng rưng quá đỗi bởi tháng ngày gian khó lại dội về bởi với ông, rừng Trung Sơn không chỉ là mạch nguồn tuổi thơ mà còn là nơi chứa đầy kỷ niệm những trận đánh đổ máu, hình ảnh băng rừng đêm đông, vượt suối giữa trưa hè đổ lửa và đôi lần rơi vào tình huống đối mặt với cái chết. Ông Thanh còn đầy lòng tự hào về sự can đảm, đoàn kết đấu tranh hết lòng của các thế hệ đi trước và bà con Trung Sơn để giữ khu rừng còn vẹn nguyên đến hôm nay.

Ngoài ông Thanh, còn nhân chứng sống khác là bà Phạm Thị Sương (90 tuổi), nguyên Bí thư xã Hòa Vinh (nay là xã Hòa Liên) cùng cộng sự đưa ra sáng kiến rải tỏi quanh khu rừng, ngăn chó đánh hơi nơi ẩn nấp của dân quân và bộ đội. Sáng kiến thành công vang dội bởi rừng Trung Sơn là khu rừng che bộ đội, vây quân thù. Vì đặc thù quá thuận lợi để quân dân ẩn nấp nên giặc hăm he san lấp khu rừng, không thể đếm nổi số lần địch muốn san bằng rừng Trung Sơn. Tuy nhiên, người dân hiểu rõ nếu rừng không còn thì công cuộc kháng chiến sẽ trăm bề khó khăn nên họ quyết tâm giữ từng tấc đất, nhành cây đến ngày đất nước giải phóng 1975. Câu nói “ai phá rừng thì phải bước qua xác của tôi” đã đi vào huyền thoại của ông Hà Sỹ (đã mất) uy hiếp phần nào tinh thần của giặc. Ngày ấy, gia đình cụ ông Hà Thúc Duyên (99 tuổi) giành căn nhà tranh vách đất nuôi giấu, bảo vệ cán bộ hoạt động bằng hầm bí mật…

Nhớ lại chuỗi ngày tháng đó, cụ Duyên bày tỏ, khu rừng Trung Sơn trong trái tim cụ và toàn thể người dân được giữ trọn đến hôm nay là một thành tích lớn bởi từ lâu khu rừng được mệnh danh như “hơi thở” là “linh hồn” của mỗi người dân Trung Sơn. Rừng Trung sơn là khu rừng nguyên thủy của làng, để giữ lại khu rừng trong thời kỳ chiến tranh hay đô thị hóa hiện nay phải nói là điều vô cùng đáng quý, nếu không còn rừng thì coi như không có gì để nhớ, để kể.

Để giữ rừng, trước sự quyết liệt san lấp rừng của giặc, người dân trong thôn luôn nhắc nhớ nhau câu nói “Còn da thì lông mọc, còn chồi thì cây trổ”, chính vì thế, khi giặc bắt bớ đi chặt cây, họ thay nhau giữ chồi để nuôi dưỡng rừng phát triển từng ngày, mỗi đọt chồi đâm lên là từng hy vọng trong họ nhen nhóm dần lớn lên.

Dấu tích còn lại

Nằm sát con đường Nguyễn Tất Thành nối dài chạy thẳng về UBND xã Hòa Liên, rừng Trung Sơn có diện tích 107.960m2 chiếm gần 1/3 diện tích của thôn, bao bọc toàn thôn Trung Sơn và giáp các thôn lân cận như Vân Dương, Quan Nam…, dọc bìa rừng là một vài ngôi nhà của người dân sinh sống, 4 phía Đông, Tây, Nam, Bắc vào rừng là những lối mòn mở. Qua di ngôn của các bậc cao niên thì rừng Trung Sơn hình thành từ xa xưa do biển bồi lấp thành cồn nỗng gò và đồi cây cối dần dần phát triển thành hình thể sinh thái, tạo nên rừng cây lớn, có đặc trưng là đất cát trắng và cát pha. Trong rừng có vô số loại cây, dây leo tuy không lớn nhưng là cây nguyên sinh lâu năm quý hiếm như cây dẻ, chùm bù, sơn ta, lò to, sim, xước, các loại dây leo như dây chiều, bồng bồng, dây móc, tơ hồng và các loại lan, rêu cộng sinh, các loại cỏ may, lùng đùng…

Đình làng Trung Sơn nằm dưới bìa rừng Trung Sơn xây dựng năm 1724 và được người dân trùng tu, sửa chữa năm 2009, đang có dấu hiệu xuống cấp. Ảnh: H.T.V

Đình làng Trung Sơn nằm dưới bìa rừng Trung Sơn xây dựng năm 1724 và được người dân trùng tu, sửa chữa năm 2009, đang có dấu hiệu xuống cấp. Ảnh: H.T.V

Ông Hà Thúc Vinh bày tỏ, thời nay nhờ có rừng Trung Sơn mà những trận cuồng phong từ cửa biển dội vào đã phần nào dịu dàng hơn, bảo bọc cả thôn trước sự khắc nghiệt của thời tiết. Còn thời trước, với nhiều lợi thế nên thời kỳ chống giặc ngoại xâm, rừng Trung Sơn được Huyện ủy Hòa Vang và Ủy ban kháng chiến huyện chọn xây dựng hơn 53 căn hầm bí mật, cả trăm hầm công vụ nhằm bảo đảm an toàn cho cán bộ công tác nằm vùng ẩn nấp khi địch càn quét, là nơi trú ẩn của bộ đội giải phóng và là địa điểm ém quân và hậu cần làm bàn đạp đánh xuống Đà Nẵng. Đến nay, dấu tích còn lại bên trong và ven bìa rừng có gần 200 ngôi mộ nghĩa sĩ hy sinh, giếng Chăm Cổ, các địa chỉ đỏ gồm đình làng xây dựng năm 1724, bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của làng qua các thời kỳ kháng chiến…

Biểu tượng độc đáo

Là người nghiên cứu hồ sơ lý lịch khoa học để rừng Trung Sơn sớm được xếp hạng, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho hay, khu rừng gắn với đời sống cư trú của dân làng qua hàng trăm năm, phát triển theo địa giới và được quản lý bởi hương ước của thôn. Kèm theo đó là những phong tục tập quán gắn với đời sống người dân làng Trung Sơn đã tạo nên bản sắc văn hóa cộng đồng rõ nét cho đến ngày nay. Điều đặc biệt, rừng Trung Sơn hội tụ đầy đủ các yếu tố về giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật và hệ sinh thái tự nhiên, hơn hết là truyền thống đấu tranh cách mạng của bà con làng Trung Sơn chống giặc ngoại xâm hơn 30 năm.

“Thời gian tới, sau khi UBND huyện bố trí ổn định chỗ ở cho một số hộ dân xung quanh bìa rừng và hồ sơ lý lịch khoa học rừng Trung Sơn được phê duyệt thì rừng Trung Sơn sẽ được tiến hành bảo quản và tu bổ phục hồi lại toàn bộ cụm di tích ở rừng Trung Sơn như: đình làng, miếu Âm Linh, Nghĩa trũng Trung Sơn, Giếng cổ Chăm, Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Trung Sơn… đồng thời, xây dựng và bảo tồn toàn bộ khu rừng bao gồm hệ động, thực vật rừng, hướng đến khu rừng sinh thái tự nhiên và là một bảo tàng sống còn nguyên chiến tích chiến tranh, giúp thế hệ sau giáo dục truyền thống văn hóa”, ông Thiện nói.

Thật vậy, không dễ có một khu rừng giữa phố, như chia sẻ của ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang thì rừng Trung Sơn là biểu tượng thiêng liêng, vô cùng độc đáo và là lá phổi xanh giữa phố không khác gì rừng Sơn Trà bởi xung quanh thôn có nhiều khu rừng như Xuân Thiều, Thanh Vinh hay Vân Dương đều bị địch cày ủi thành bình địa, chỉ riêng rừng Trung Sơn được người dân đấu tranh quyết liệt, bảo vệ đến hơi thở cuối cùng nhằm giữ lại cho thế hệ con cháu mai sau biết đến mà giữ gìn.

Từ lâu, người dân thôn Trung Sơn luôn ý thức cao về việc tôn tạo, giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử của rừng. Để bảo tồn rừng Trung Sơn không bị phá hoại, theo ông Vinh, rừng Trung Sơn là rừng cấm, thôn được UBND xã giao nhiệm vụ bảo vệ rừng và người dân trong thôn đưa vào hương ước quản lý rừng từ năm 1670 với 3 quy định gồm: cấm người dân không chặt phá khai thác ở rừng, không lấy cát trắng rừng Trung Sơn để làm nhà và người mất không chôn trong rừng, nếu ai vi phạm sẽ đưa ra cuộc họp thôn xử lý nghiêm.

Nhờ vậy, rừng Trung Sơn tồn tại đến bây giờ như một bảo tàng thiên nhiên quý giá còn nguyên hiện trạng và là một quần thể di tích có giá trị lịch sử. Tôi mong rằng, để kịp thời bảo tồn rừng Trung Sơn theo hướng chỉn chu, bài bản thì rừng Trung Sơn cần sớm được xếp hạng để có biện pháp trùng tu, tôn tạo, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa nhằm giữ gìn cho muôn đời sau, giúp thế hệ trẻ phát huy truyền thống yêu nước, ý thức trách nhiệm để phấn đấu, rèn luyện bởi chúng ta có thể tạo nhiều điều lớn lao, vĩ đại nhưng di tích lịch sử, văn hóa thì không thể nào tạo ra.

Địa chỉ đỏ trong phong trào cách mạng

Rừng Trung Sơn là địa chỉ đỏ trong phong trào cách mạng, là vùng đệm cách mạng. Theo UBND xã Hòa Liên, thôn Trung Sơn hiện có 24 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 69 liệt sĩ và 2 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2019, UBND thành phố thống nhất giữ nguyên hiện trạng rừng Trung Sơn không san gạt đồi, quy hoạch theo hướng giữ lại di tích và các cơ quan chức năng đang xây dựng hồ sơ di tích văn hóa - lịch sử cấp thành phố.

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.