Đại lễ Vu lan: Hướng về cội nguồn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đạo Phật đã có mặt trên đất nước ta từ hơn 2.000 năm trước. Trong những ngày lễ chính của Phật giáo, Đại lễ Vu lan dịp Rằm tháng 7 là nét văn hóa hướng về cội nguồn, ăn sâu vào nếp sống gia đình của người Việt. Phát huy ý nghĩa và giá trị nhân văn sâu sắc của Vu lan báo hiếu tứ ân, đồng bào Phật giáo luôn quan tâm xây dựng đời sống văn hóa gia đình, góp phần thực hiện nếp sống “Tốt đời-Đẹp đạo”.
Thiêng liêng mùa hiếu hạnh  
Đề cập về sự tích ngày lễ Vu lan, Thượng tọa Thích Giác Hiền-Phó Trưởng ban Trị sự, kiêm Trưởng ban Văn hóa Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh-cho biết: Tương truyền xưa kia, ngài Mục Kiền Liên sau khi tu hành chứng được 6 phép thần thông, nhớ đến công ơn cha mẹ đã dùng đạo nhãn xem trong thế gian, nhận thấy mẹ mình sau khi mất bị đày làm ngạ quỷ, đói khát quanh năm. Ngài đau khổ trở về bạch Phật, sau đó Phật hướng dẫn Ngài phương pháp cứu thân mẫu: chờ đến Rằm tháng 7 là ngày tự tứ của chư tăng mười phương, với công đức sâu dày qua mùa an cư kiết hạ, thanh tịnh chuyên tâm tu hành thỉnh nhờ chư tăng cầu nguyện cho vong linh mẹ thoát khổ đau, báo đáp công ơn của mẹ. Nhờ công đức chí thành và đạo hạnh vô lượng của các bậc chư tăng, mẹ Ngài được siêu thoát về cảnh giới lành. Từ đó về sau, Rằm tháng 7 trở thành đại lễ báo hiếu”.
Tăng ni và phật tử trong Đại Lễ Vu lan. Ảnh: T.N
Tăng ni và phật tử trong Đại Lễ Vu lan. Ảnh: T.N
Từ khi Phật giáo truyền vào Việt Nam, Vu lan không còn đơn thuần ý nghĩa tôn giáo mà đã trở thành truyền thống tốt đẹp trong dòng chảy văn hóa của dân tộc. Theo Hòa thượng Thích Thanh Liên-thành viên Ban Chứng minh Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh: “Trong tất cả các ân nghĩa mỗi người thọ nhận thì ân nghĩa cha mẹ là sâu nặng hơn cả. Đức Phật dạy, ý nghĩa đúng đắn và đầy đủ của sự báo hiếu không chỉ dừng ở một lễ Vu lan. Công ơn cha mẹ như trời biển, làm con suốt đời báo đáp ơn cha mẹ vẫn không đủ. Báo hiếu không ngoài hai phương diện là vật chất và tinh thần. Trong đó, báo hiếu về tinh thần là căn bản nhất, phải làm cho cha mẹ được yên vui, thanh thản trong hiện tại và cả tương lai”.
Hòa thượng nhấn mạnh thêm: Trong ý nghĩa Vu lan báo hiếu tứ ân có ân quốc gia và dân tộc, nhằm giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, biết ơn các thế hệ cha anh, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu cho quê hương đất nước được an bình, cuộc sống mọi người được ấm no, hạnh phúc. Ngoài các giá trị về mặt tôn giáo, ý nghĩa xã hội của Vu lan còn nhắc nhở mỗi người phải luôn phấn đấu làm tròn bổn phận của mình và xây dựng đời sống gia đình văn hóa, làm tròn nghĩa vụ của công dân đối với Tổ quốc...
Nếp sống ảnh hưởng Phật giáo
Trong dịp Đại lễ Vu lan, chúng tôi được gặp ông Trần Viết Hoài Việt, 50 tuổi, làm nghề lái xe tải, hiện ở xã Đak Jơ Ta, huyện Mang Yang. Ông Việt cho biết: “Tuy cuộc sống vật chất nhà tôi chỉ ở mức trung bình nhưng vợ chồng luôn xem trọng việc nuôi dạy con cái sống có nền nếp, làm ăn lương thiện. Ngày Rằm và mùng 1 hàng tháng, gia đình thường động viên nhau dành thời gian đi chùa lễ Phật”.
 Nghi thức cài hoa hồng trong Đại lễ Vu lan. Ảnh: T.N
Nghi thức cài hoa hồng trong Đại lễ Vu lan. Ảnh: T.N
Từ quê hương Hà Tĩnh, ông Bùi Ngọc Thuyến đi bộ đội vào Tây Nguyên năm 1969, sau giải phóng về làm công nhân Nông trường Cà phê Ia Sao 2 (huyện Chư Pah cũ, nay là huyện Ia Grai). Năm 1990, ông về quê đưa cả gia đình vào Gia Lai sinh sống, sau đó chuyển về làm công nhân cà phê tại xã Ia Phìn, huyện Chư Prông và định cư tại đây từ năm 1993 đến nay. Ông Thuyến cho biết: “Gia đình tôi có 4 người con. Trong đó, một người hiện là Thạc sĩ, Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện Gia đình ở TP. Đà Nẵng; 1 người đang làm tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Á châu-Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh. 2 người con sau chưa lập gia đình nhưng cũng đã có công việc ổn định nhiều năm tại Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh nên vợ chồng tôi rất yên tâm. Vợ chồng tôi vẫn luôn bảo ban con sống thật thà, trung thực, phát tâm giúp người cũng là giúp mình”.
Tại xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh có ông Lê Mỹ nhiều năm là nông dân sản xuất giỏi, cũng là người rất mộ đạo Phật. Nay tuy hơn 65 tuổi nhưng ông vẫn thường xuyên theo dõi, hướng dẫn các con làm ăn, học hành, khiêm nhường đối nhân xử thế. Gia đình ông có 5 người con, trong đó có 1 con gái là Thạc sĩ ngành Sư phạm Sinh học, đang làm việc trong ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Pưh, 3 con trai làm nông nghiệp... “Việc giáo dục đạo đức nhà Phật đã giúp con cái tôi biết sống hiếu hạnh. Tôi mong các chùa nên tăng cường tổ chức khóa tu mùa hè thu hút con em gia đình Phật tử và thanh-thiếu niên tìm hiểu học tập, rèn luyện tâm tính, đạo đức, có hiểu biết để trở thành người con hiếu thảo trong gia đình và công dân có ích cho xã hội. Thêm một con người được giáo dục tốt sẽ góp phần làm cho xã hội tốt hơn”-ông Mỹ chia sẻ.
 THANH NHẬT

Có thể bạn quan tâm

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

(GLO)- Sau khi hoàn tất việc cắt lúa, ông Chánh thư thái ngồi trò chuyện cùng chúng tôi bên ghè rượu. Phẩm chất nghệ sĩ của người nông dân với tư cách “công trình sư” một loạt công trình, mô hình ghi dấu bản sắc văn hóa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) hiện diện trước mặt chúng tôi.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

(GLO)- Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, chiều 9-11, tại khu vực sân nhà rông làng Gri, xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Chư Păh tổ chức trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống.

Các nghệ nhân làng Chuet 2 (phường Thắng Lợi) phục dựng lễ báo hiếu cha mẹ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thu

Lễ báo hiếu của người Jrai

(GLO)- Lễ báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống của cộng đồng người Jrai. Đây là dịp để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

(GLO)- Suốt 1 tháng qua, sau khi hoàn tất công việc gia đình, những người nông dân Jrai chân chất, mộc mạc ở tổ 6 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) lại say sưa luyện tập đánh cồng chiêng.