(GLO)- Sáng 22-5, thực hiện chương trình làm việc của kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tham gia thảo luận tại tổ số 16 cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Hòa Bình, Hà Tĩnh, Bà Rịa-Vũng Tàu về nội dung đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách năm 2017, tình hình những tháng đầu năm 2018.
Quang cảnh kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: internet |
Buổi thảo luận diễn ra sôi nổi. Cùng với việc đánh giá cao kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách năm 2017 cũng như kết quả đạt được trong những tháng đầu năm 2018, các đại biểu Quốc hội khẳng định: Chính phủ và các thành viên Chính phủ rất quyết tâm trong việc chỉ đạo để đạt được tốc độ tăng trưởng GDP là 6,81%, kim ngạch xuất khẩu tăng 21,2% và xuất siêu 2,9 tỷ USD; đạt 12/13 chỉ tiêu phát triển kinh tế, 1 chỉ tiêu chuyển sang dài hạn. So với các năm, đầu tư tăng trưởng tốt, bội chi dưới 5%, đặc biệt ở cả 3 nhóm lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều tăng trưởng tốt.
Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế-xã hội năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 có sự chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế vi mô ổn định, các ngành chủ yếu đều tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước. Đời sống nhân dân được cải thiện, các lĩnh vực văn hóa-xã hội, môi trường, cải cách hành chính, phòng-chống tham nhũng, lãng phí, quốc phòng-an ninh, đối ngoại đạt nhiều kết quả, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân.
Tuy nhiên, qua báo cáo cũng cho thấy: nội lực nền kinh tế còn hạn chế, việc đổi mới mô hình tăng trưởng chưa cho thấy sự thay đổi rõ nét; nợ công thấp hơn so với các năm trước (60%) nhưng vẫn còn cao nên khó khăn trong việc huy động vốn trong nước và ODA cho đầu tư trong nước và các chương trình giảm nghèo; tỷ lệ giải ngân chưa đạt theo kế hoạch; phí vận chuyển logistic lớn; hoạt động doanh nghiệp còn nhiều vướng mắc…
Tham gia thảo luận, đại biểu Đinh Duy Vượt và Dương Quốc Anh đề xuất một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới như: Bộ Tài chính cần mở rộng nguồn thu và tăng cường công tác quản lý chi; rà soát nguồn lực để tiếp tục các khoản vay ODA; tăng vốn cho các ngân hàng thương mại để đảm bảo nguồn lực đầu tư cho các công trình lớn của đất nước. Chính phủ cần quản lý, có giải pháp thích hợp cho các thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán nhằm tránh sự thay đổi đột biến gây tác động lớn cho kinh tế vĩ mô; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
Để thực hiện tốt nội dung trên, đại biểu Dương Quốc Anh đề nghị cần có biện pháp song hành đó là có chương trình tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện. Đại biểu Đinh Duy Vượt đề nghị Chính phủ quan tâm đến một số nội dung như: quy hoạch đất đai, chấm dứt tình trạng thâu tóm đất vàng, nhóm lợi ích thâu tóm đất; quan tâm công tác giải quyết khiếu nại; cần có giải pháp tiêu thụ nông sản (hồ tiêu, cà phê, mía…); phòng-chống dịch bệnh cho cây trồng… Bên cạnh đó, Chính phủ cần xem xét việc tham gia các hiệp định thương mại ảnh hưởng đến giá bán nông sản… cũng như quan tâm, bố trí kinh phí trồng rừng, quản lý việc khai thác cát trái phép gây biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nguồn nước tại các làng nghề; vay vốn trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Vũ Định