Cuộc thảm sát làng Bak: Tội ác không thể dung thứ!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đã 60 năm trôi qua nhưng cuộc thảm sát làng Bak, xã E5 (nay là xã Ia Phìn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) tháng 10-1962 vẫn lưu dấu trong tâm trí những người cùng thời, đặc biệt là dân làng Bak về những ký ức hãi hùng. Trong ngày đau thương đó, 162 người dân làng Bak bị địch giết và bị thương, trong đó có 96 phụ nữ và trẻ em. Có thể nói cuộc thảm sát làng Bak là một trong những tội ác ghê tởm nhất của Mỹ-ngụy.

Những năm 60 của thế kỷ XX, cách mạng miền Nam nói chung và huyện Chư Prông nói riêng đang trong tình thế khó khăn. Thực hiện mưu đồ “tách cá ra khỏi nước”, Mỹ-Diệm đã bức các làng Bak, Bak Ngó, Bak Yố, Phìn, Ó, Kla… vào ấp chiến lược đồn Del (còn gọi là đồn Pó). Ấp do 1 đại đội lính bảo an đóng đồn canh giữ dưới sự chỉ huy của Kpah Huynh. Huynh là một kẻ ác ôn khét tiếng. Y từng tuyên bố: “Làng Bak là dân Việt Cộng, cần phải canh giữ nghiêm ngặt, nếu chống đối có thể giết cả làng”.

Một góc làng Bạc ngày nay. Ảnh: Phương Linh
Một góc làng Bak hôm nay. Ảnh: Phương Linh


Hưởng ứng phong trào Đồng khởi đang lan rộng trong toàn tỉnh, vào một đêm tháng 10-1962, theo kế hoạch đã được chuẩn bị kỹ từ trước, Trung đội vũ trang của huyện 5 (huyện Chư Prông ngày nay) phối hợp với du kích tấn công đồn Del. Được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, đồng bào nổi dậy phá bung 4 cửa ấp, phá hàng rào, châm lửa đốt nhà rồi chạy về làng cũ… Sáng hôm sau, biết tin đồn Del bị tấn công, ấp chiến lược bị phá, Lương Văn Trí-Quận trưởng Lệ Thanh lập tức đưa 1 đại đội lính đến vây chặt làng Bak hòng bức dân làng trở lại ấp chiến lược…

Trí là một kẻ ác ôn khét tiếng. Theo lời kể của cụ Nguyễn Đai-người đã từng sống ở dinh điền Lệ Thanh thì Trí lúc bấy giờ có lẽ ngoài 30 tuổi, dáng vóc hơi thấp. Với cái đầu tròn và mái tóc húi cua, trông hắn có dáng dấp của một thổ dân Chà Và. Mang cái dáng lừ đừ nhưng lại tinh ranh của một hồn ma ấy, hắn có mặt ở khắp nơi. Ban đêm, chỉ cần mang theo một tên lính hộ vệ, hắn lò dò đến mọi ngả đường để đón lõng cán bộ ta. Bắt được cán bộ hay người nào có vẻ khả nghi là hắn bắn ngay không cần đôi co. Bắn xong, hắn còn cho một phát vào đầu gọi là “nhân đạo” (!). Có sáng, hắn đem tới 3 đầu người về ném ngay trước cửa quận. Cái dáng hồn ma bóng quỷ của hắn còn là nỗi khiếp đảm của đám lính. Tên nào thấy hắn đi ngang mà không chào là ăn luôn một quả thụi vào mặt. Đi kiểm tra vọng gác thấy tên nào ngủ là hắn lôi dậy, cho ngay một phát đạn vào đầu. Sáng nào, thấy hắn hôm qua đi ăn đêm về, không có “mồi” ra chiều tư lự là tên nào cũng sợ hãi, nép trốn… Trời không dung kẻ ác tâm. Sau này, hắn đổi về Nha Trang đã bị biệt động ta trừ khử… Dưới trướng hắn còn mấy kẻ nữa. Đáng kể là Trung sĩ Mừng. Tên này chữ nghĩa lem nhem nhưng có cái nham hiểm riêng. Đặc biệt, hắn rất am hiểu đồng bào dân tộc thiểu số, nói tiếng dân tộc thạo nên luôn là nỗi ám ảnh của nhiều làng. Hắn ta bị phục kích mấy lần nhưng thoát chết. Sau này, hắn bị bắt và đền tội trong lần ta đánh quận Lệ Thanh...

Sau khi đã dồn được dân làng lại, Trí bắt mọi người xếp thành hàng. Lúc này, dân làng chỉ còn người già, phụ nữ và trẻ em bởi thanh niên trước đó đã chạy vào rừng để tránh sự đàn áp của địch. Trí lôi từng người tới, hầm hè tra hỏi: “Ai xui chúng mày theo Việt Cộng? Đứa nào là kẻ cầm đầu? Có chịu trở lại ấp chiến lược không?”. Trước sự hăm dọa của địch, đồng bào ai nấy đều một mực: “Chúng tôi hàng bao đời nay quen sống tự do với nương rẫy, ông bà. Nay “quốc gia” bắt chúng tôi nhốt như con heo, con bò nên chúng tôi phá ấp để trở về làng, không ai xui cả”. Tức tối, Trí ra lệnh cho đám lính xông vào đánh dân làng. Thấy vậy, chị HNep lao tới giằng tay bọn lính. Dân làng cũng giằng co quyết liệt với chúng, kiên quyết không chịu đi. Điên cuồng, Trí ra lệnh cho bọn lính xả súng, ném lựu đạn vào đám người không một tấc sắt trong tay. 162 người bị giết và bị thương, trong đó có 96 phụ nữ và trẻ em. Máu dân làng Bak đã nhuộm đỏ một khoảng đất đau thương. Có gia đình cả 5 người đều bị giết. Có bà mẹ đang địu con trên lưng bị đạn xuyên chết cả mẹ lẫn con.  

Sau cuộc thảm sát, làng Bak bị xóa sổ. Những người sống sót phải lánh sang các làng khác để tránh khủng bố. Năm 1975 giải phóng, chỉ còn 40 người làng Bak cũ họp nhau trở về xây dựng lại quê hương.

Vết thương dần liền da theo năm tháng. Về làng Bak hôm nay chứng kiến cuộc sống mới đang sinh sôi nảy nở, ít ai có thể hình dung ngôi làng đã trải qua một quá khứ thương đau và mất mát đến thế. Những nhân chứng lịch sử ở làng Bak như Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Kpă Ó và đồng đội của bà là những đội viên du kích xã E5 như Siu H'Noanh, Ra Lan Thôh... vẫn còn đó. Dù lớp người đương thời chứng kiến tội ác của địch không còn nhiều thì sự dã man, tàn ác của địch vẫn khắc ghi trong lớp người kế tục hôm nay và đó cũng là động lực cho làng Bak không ngừng tiến bước trên con đường xây dựng quê hương no ấm.

 

NGỌC TẤN
 

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.