Cuộc chiến Facebook - Apple: Tránh khỏi trục lợi cũng bị "vặt lông"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cuộc "đấu khẩu" giữa Facebook và Apple về quan điểm trái ngược trong việc đối xử với dữ liệu cá nhân của người dùng đã diễn ra gần 1 thập kỷ, càng ngày càng căng thẳng hơn.
Quay lại lịch sử, kể từ thời Steve Jobs, các thế hệ lãnh đạo của Apple luôn bảo vệ quan điểm khá nhất quán: Điện thoại của mỗi người là thiết bị mang tính cá nhân nhất. Mỗi người dùng phải được quyền lựa chọn việc họ có cho phép hoặc từ chối cung cấp dữ liệu riêng tư, đồng thời phải được biết các công ty thu thập dữ liệu làm gì với thông tin đó nếu họ đồng ý.
Trong khi đó, ở hướng ngược lại, kể từ khi thành lập đến nay, Facebook đã xây dựng "đế chế" toàn cầu bằng cách thu thập dữ liệu của người dùng phục vụ cho mục đích quảng cáo. Quan điểm của Facebook cho rằng người dùng có thể không cần dùng tiền để trả cho dịch vụ, đổi lại, họ cho phép công ty cung cấp dịch vụ thu thập dữ liệu cá nhân phục vụ cho mục đích quảng cáo.

Biểu tượng cảnh báo trên iOS 14 khi ứng dụng ngầm sử dụng microphone, camera của người dùng. Ảnh: Apple
Biểu tượng cảnh báo trên iOS 14 khi ứng dụng ngầm sử dụng microphone, camera của người dùng. Ảnh: Apple
Hai quan điểm như nước với lửa này khiến các nhà lãnh đạo 2 bên luôn không ngần ngại công kích quan điểm của nhau, cả công khai lẫn "xách mé" trong suốt gần 1 thập kỷ qua.
Trong một phỏng vấn được đăng trên Tạp chí Time năm 2014, người đứng đầu Facebook đã chỉ trích lập trường của Apple và Tim Cook về quyền riêng tư: "Bạn nghĩ rằng mình đang trả tiền cho Apple thì bạn đứng ngang hàng với họ? Nếu bạn là đồng minh với họ thì đã làm cho sản phẩm của họ rẻ hơn rất nhiều rồi".
Đáp lại, Tim Cook cũng không vừa. Trong một phát biểu tại hội nghị ở Brussels (Bỉ) vào tháng 10.2018, khi nói về các thông tin dữ liệu cá nhân của người dùng như sở thích, mối quan hệ, thói quen khi lướt web,... nhà lãnh đạo Apple cảnh báo: "Những thứ được cho là vụn vặt và tưởng như vô hại đó đã được tổng hợp và đem bán một cách tinh vi". Dĩ nhiên, dù không trực tiếp nhắc tên, nhưng không khó để nhận ra Tim Cook đang ám chỉ điều gì.
Cuộc chiến bắt đầu nóng lên khi Apple ra mắt iOS 14 hồi tháng 6.2020 với việc hệ điều hành này hiển thị một icon cảnh báo cho người dùng nếu có ứng dụng ngầm lén sử dụng micro, camera, dữ liệu vị trí,... Đến giữa tháng 12.2020, bản cập nhật iOS 14.3 được phát hành đã đẩy bất đồng của 2 gã khổng lồ công nghệ lên đến đỉnh điểm khi Apple thêm 1 tính năng mới có tên App Tracking Transparency buộc các ứng dụng phải thông báo cho người dùng biết dữ liệu cá nhân nào của họ bị thu thập và phải có sự cho phép của người dùng.
Phía Facebook ngay lập tức "giãy nảy" lên cho rằng động thái của Apple sẽ "giết chết" các nhà phát triển cũng như các doanh nghiệp nhỏ - những công ty vốn cung cấp ứng dụng dưới dạng miễn phí và nguồn sống của họ chủ yếu đến từ quảng cáo. Thậm chí, Facebook còn mở hẳn 1 chiến dịch quảng cáo để phản đối.

Trên trang Twitter của mình, CEO của Apple tiếp tục bảo vệ quan điểm về yêu cầu Facebook phải minh bạch trong việc thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng. Ảnh chụp màn hình
Trên trang Twitter của mình, CEO của Apple tiếp tục bảo vệ quan điểm về yêu cầu Facebook phải minh bạch trong việc thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng. Ảnh chụp màn hình
Tuy nhiên, trên trang Twitter của mình, Tim Cook vẫn kiên quyết bảo vệ quan điểm: Người dùng có quyền lựa chọn dữ liệu nào của họ bị thu thập, và thu thập chúng để dùng vào việc gì. Theo nhà lãnh đạo Apple, Facebook vẫn có thể thu thập dữ liệu người dùng như trước đây. Chỉ có điều, iOS 14 buộc họ phải hỏi và được người dùng cho phép.
Theo các chuyên gia, thật khó để dự đoán bên nào sẽ thắng trong cuộc chiến về quan điểm kiếm tiền giữa một bên luôn xem dữ liệu người dùng là món hàng đánh đổi cho việc sử dụng sản phẩm miễn phí, còn một bên luôn ra sức bảo vệ quyền cá nhân của khách hàng để bán sản phẳm tốt với giá cao. Tuy nhiên, trong các cuộc đấu khẩu, không khó để thấy phía Facebook khá đuối lý, thậm chí "cãi cùn" và luôn tìm cách tránh né phải công khai, minh bạch trong việc thu thập và khai thác dữ liệu riêng tư của người dùng.
Chắc chắn rằng Apple sẽ không từ bỏ chức năng bảo mật của mình, thậm chí có thể sẽ còn gia tăng sức ép trong các bản cập nhật tiếp theo. Trong khi đó, Facebook cũng sẽ không gỡ ứng dụng của mình ra khỏi Apple Store nếu không muốn mất hàng triệu người dùng của một hệ sinh thái lớn. Việc lựa chọn thuộc về quyết định của người dùng muốn mình thành "món hàng" cho Facebook trục lợi, hay làm khách hàng theo cách mà Apple muốn... "vặt lông".
ĐẠT PHAN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm