Cú hích cho 97% doanh nghiệp quy mô vừa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bộ Tài chính vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ tiếp tục mở rộng đối tượng được giảm 30% số Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp (DN) vừa, tức là DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỉ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 200 người. Như vậy, diện bao phủ chính sách lên tới 97% tổng số DN cả nước.

 

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phải đặt trong bài toán cân đối thu - chi ngân sách và phải phù hợp với
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phải đặt trong bài toán cân đối thu - chi ngân sách và phải phù hợp với "hầu bao" Nhà nước. Ảnh: Hải Nguyễn



Mở rộng đối tượng giảm thuế, tăng nguồn lực tài chính cho DN

Đây là kết quả sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại các phiên thảo luận tại tổ và tại hội trường Quốc hội về dự án Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác (Nghị quyết).

Trước đó, tại Tờ trình số 279/TTr-CP của Chính phủ trình Quốc hội về dự án Nghị quyết, Chính phủ đã đề xuất giảm 30% thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỉ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người).

Với đối tượng được gia hạn thuế như tại Tờ trình số 279, Bộ Tài chính cho hay đã bao phủ khoảng 93% tổng số DN cả nước với khoảng hơn 706.000 DN. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan soạn thảo nên xem xét mở rộng đối tượng được giảm thuế đối với cả DN quy mô vừa.

Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa - nói rằng theo Tờ trình số 279, đối tượng được giảm TNDN là DN có doanh thu không quá 50 tỉ đồng và số lượng lao động không quá 100 người. Tuy nhiên, trong tiêu chí xác định DN nhỏ thì tổng doanh thu không quá 100 tỉ đồng, số lao động có bảo hiểm không quá 50 người. Do đó, đối tượng được giảm thuế tại Tờ trình 279 chưa bao phủ được hết DN quy mô nhỏ.

Riêng đối với DN quy mô vừa, theo ông Thân, dù số DN này chỉ chiếm 4% tổng số DN cả nước, tức là chưa đến 30.000 DN, nhưng có vai trò vô cùng quan trọng. “Ðây là những DN nòng cốt, có đóng góp lớn vào GDP, tạo rất nhiều việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. Họ đứng giữa nhưng có vai trò như hạt nhân, kết nối rất mạnh trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị giữa các DN lớn và DN nhỏ. Vì vậy, tôi nghĩ là chúng ta nên giảm cho 4% số DN này” - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa nêu quan điểm.

Về tiêu chí xác định DN có quy mô vừa được giảm thuế, Bộ Tài chính trình Thủ tướng vẫn sử dụng tiêu chí doanh thu và lao động. Cụ thể, giảm 30% số Thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỉ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 200 người.

Phải đặt bài toán cân đối thu - chi ngân sách

Việc mở rộng đối tượng được giảm Thuế TNDN phải nộp trong năm 2020 đối với doanh nghiệp quy mô vừa được các chuyên gia đánh giá cao. PGS.TS, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, đề xuất này của Bộ Tài chính bao phủ khoảng 97% tổng số DN cả nước, tức là hơn 737.000 DN được hưởng lợi. Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc thực hiện mở rộng đối tượng giảm thuế đối với DN vừa sẽ giảm thu ngân sách Nhà nước của năm 2020 khoảng 22.440 tỉ đồng, tăng thêm hơn 6.000 tỉ đồng so với việc chỉ giảm thuế cho DN nhỏ và siêu nhỏ theo đề xuất trước đó. Nhưng theo ông Long, để tạo điều kiện hỗ trợ DN, Chính phủ sẽ phải chấp nhận hy sinh lợi ích trước mắt.

Trên thực tế, so với quy mô thu ngân sách hơn 1,4 triệu tỉ đồng/năm, con số hụt thu ngân sách do đề xuất giảm thuế lần này là không lớn, chia ra cho số DN hưởng chính sách thì con số cũng không nhiều. Nhưng các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh ngân sách đang khó trăm bề, Chính phủ hỗ trợ DN nhưng DN cũng cần chia sẻ với Chính phủ. “Hiện nay, ngân sách Nhà nước thất thu nhiều chỗ, từ giá dầu giảm, xuất nhập khẩu giảm, DN đóng thuế giảm... Trong khi đó, về chi ngân sách, chúng ta có thể giảm chi thường xuyên nhưng vẫn phải chi cho đầu tư phát triển, thậm chí nhiều khoản tăng, nhất là chi cho công tác chống dịch... Vì vậy, theo tôi, DN cũng phải thông cảm, chia sẻ với Nhà nước, Chính phủ” - ông Long nêu quan điểm.

Về vấn đề tăng các khoản thu ngân sách để bù đắp các khoản hụt thu, vị chuyên gia này cho rằng trong bối cảnh hiện nay là rất khó khăn. “Bây giờ muốn tăng thu thì chỉ có hạn chế thất thu. Những khoản nợ đọng thuế phải xử lý, những khoản thất thu thuế, buôn lậu, trốn thuế phải triệt tận gốc... Cái này, chúng ta đã có quy định trong pháp luật rồi. Còn nếu muốn thu những khoản thu khác thì không thể, vì phải có hệ thống pháp luật quy định chứ không phải muốn thu thì thu. Còn nuôi dưỡng nguồn thu cũng không phải ngày một ngày hai mà tăng thu được” - PGS.TS Ngô Trí Long nói. Do đó, theo ông Long, chính sách hỗ trợ DN phải đặt trong bài toán cân đối thu - chi ngân sách, phải “phù hợp với hầu bao Nhà nước”.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế - cũng cho rằng, việc giảm thuế cho doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa là cần thiết, bởi đây là những doanh nghiệp có sức chịu lực kém, bệ đỡ, dự trữ, dự phòng yếu. Với việc mở rộng đối tượng được giảm theo đề xuất mới của Bộ Tài chính bao trùm hết khối DN nhỏ và vừa là số lượng rất lớn, thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ khi ngân sách đang vô cùng khó khăn. TS. Lực cho hay, vấn đề bây giờ là cần phải triển khai nhanh thì mới hỗ trợ kịp thời DN, đồng thời phải đảm bảo tính công khai minh bạch.

Thực hiện đồng bộ các chính sách tài khóa

Trên thực tế, việc giảm 30% thuế TNDN cho DN nhỏ và vừa chỉ là một trong các giải pháp tài khóa mà Chính phủ đưa ra để hỗ trợ DN trong tình hình hiện nay. Chúng ta hiện có nhiều giải pháp đồng bộ đã, đang và sẽ thực hiện để hỗ trợ người dân và DN. Trong đó, về chính sách tài khóa, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41 về gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất.

Một chính sách có diện bao phủ lớn là tăng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân theo đề xuất của Bộ Tài chính, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có Nghị quyết... Ngoài ra, Bộ Tài chính đã có hàng loạt Thông tư giảm các loại phí, lệ phí với 18 loại phí, lệ phí đã được giảm, nhiều những lĩnh vực giảm rất sâu, thậm chí giảm về 0. Cơ quan này đang tiếp tục nghiên cứu để tiếp tục giảm thêm một số loại phí, lệ phí khác. Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Chính phủ về chính sách giảm thuế nhập khẩu nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu của DN, trong đó có hỗ trợ công nghiệp phụ trợ, giầy da, dệt may...

Ngoài ra, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đang xây dựng và sẽ trình Chính phủ giảm 50% lệ phí trước bạ ôtô được sản xuất, lắp ráp trong nước nhằm khuyến khích sản xuất ôtô trong nước. Đồng thời, soạn thảo trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giảm phí bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay cho tàu bay để hỗ trợ các DN hàng không...

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Chính phủ đang triển khai rất khẩn trương các chính sách tài khóa đồng bộ nhằm hỗ trợ người dân, DN. Bộ trưởng cũng khẳng định, các chính sách hỗ trợ sẽ được triển khai một cách đơn giản. “Về chính sách thuế, hiện nay là DN tự tính, tự khai, tự nộp. Vừa rồi thực hiện Nghị định 41 cũng vậy, do đó, tinh thần của Nghị quyết này cũng sẽ như vậy. Còn đương nhiên trong quá trình quản lý, chúng tôi sẽ phải tăng cường quản lý rủi ro và cần thiết vẫn phải thanh tra, kiểm tra” ­- Tư lệnh ngành Tài chính cho biết.

https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/cu-hich-cho-97-doanh-nghiep-quy-mo-vua-815491.ldo
 

Theo Cao Nguyên (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

(GLO)- Sáng 9-1, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) Chi nhánh Gia Lai khai trương hoạt động ngân hàng tự động (Smartbank) Đak Đoa tại số 289 Nguyễn Huệ (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa).

Quang cảnh hội nghị.

Pleiku phấn đấu thu ngân sách trên 1.700 tỷ đồng

(GLO)-Chiều 24-12, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Pleiku Đoàn Hữu Dũng chủ trì hội nghị với các xã, phường triển khai Nghị quyết HĐND thành phố khóa XII, kỳ họp thứ 17 và giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025. Trong đó, thành phố phấn đấu thu ngân sách trên 1.700 tỷ đồng.