Công ty TNHH Vĩnh Hiệp: Tiên phong phát triển cà phê hữu cơ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Qua 26 năm nỗ lực xây dựng và phát triển, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku) đã trở thành một trong những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam và là doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành cà phê của tỉnh Gia Lai. Đây cũng là doanh nghiệp tiên phong trong việc sản xuất cà phê hữu cơ.
Doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu
Công ty TNHH Vĩnh Hiệp hiện là doanh nghiệp thuộc tốp đầu ở khối tư nhân về xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Còn ở khối công ty cổ phần, tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, Vĩnh Hiệp đứng trong tốp 6. Để có sản phẩm cà phê đáp ứng được các nhu cầu khắt khe về chất lượng và sự ổn định từ các nước nhập khẩu, Vĩnh Hiệp đã xây dựng mạng lưới sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn UTZ, 4C. Cùng với đó, mang tâm huyết đưa sản phẩm cà phê sạch phục vụ cộng đồng, từ nhiều năm trước, ông Thái Như Hiệp-Giám đốc Công ty-đã ấp ủ, nghiên cứu và hình thành nông trại cà phê organic rộng 45 ha. Đây là nông trại cà phê hữu cơ đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận organic USDA-Hoa Kỳ.
 Ông Thái Như Hiệp-Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (hàng đầu, đứng thứ 2 từ trái sang) nhận danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2019 (Ảnh nhân vật cung cấp).
Ông Thái Như Hiệp-Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (hàng đầu, đứng thứ 2 từ trái sang) nhận danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2019 (Ảnh nhân vật cung cấp).
Theo ông Hiệp, nhiều năm trước, khi việc liên kết sản xuất cà phê bền vững theo các tiêu chuẩn 4C, UTZ còn khá mới mẻ thì Công ty Vĩnh Hiệp đã tiên phong trong vấn đề này. Công ty đã liên kết với nông dân ở một số vùng trọng điểm cà phê của tỉnh sản xuất tuân thủ các yêu cầu canh tác bền vững, bảo vệ môi trường. Đến nay, ngoài nông trại cà phê organic rộng 45 ha, Công ty đã liên kết với 4.000 hộ dân sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C trên diện tích gần 5.000 ha ở Đak Đoa, Chư Sê, Ia Grai, Chư Prông. Từ đây, Vĩnh Hiệp cho ra đời sản phẩm cà phê mang thương hiệu L'amant Café áp dụng công nghệ rang xay hiện đại hàng đầu châu Âu. Với các dòng sản phẩm đa dạng, L'amant Café đáp ứng được nhu cầu của nhiều khách hàng khác nhau, từ dòng sản phẩm pha phin đến cà phê pha máy và cà phê hòa tan; từ cà phê vị nhẹ với hương thơm dịu ngọt, màu nâu cánh gián đến cà phê vị đậm đắng mang hương vị tinh tế; từ cà phê truyền thống đúng khẩu vị của người Việt bao đời nay đến cà phê Espresso theo “gu” hiện đại của từng khách hàng riêng biệt.
Dựa trên nền tảng vững chắc, luôn đặt uy tín lên hàng đầu, Vĩnh Hiệp đã phát triển và đạt được những thành tựu đáng kể trong ngành cà phê Việt Nam nói chung và Gia Lai nói riêng. Công ty luôn cố gắng tạo ra những sản phẩm cà phê chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, kể cả những thị trường khó tính nhất như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc... Trung bình mỗi năm, Vĩnh Hiệp xuất khẩu khoảng 70.000 tấn cà phê, mang về kim ngạch khoảng 150 triệu USD cho tỉnh với sản phẩm cà phê nhân xô khoảng 90%, còn lại là cà phê rang xay và hòa tan.
Nâng cao trách nhiệm với cộng đồng
Với phương châm “Sạch từ nông trại đến ly cà phê”, Công ty Vĩnh Hiệp đã xây dựng nông trại cà phê organic, kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn đất cho đến chăm sóc, thu hoạch và sản xuất theo quy trình khép kín để lựa chọn ra những hạt cà phê hoàn hảo nhất. Kết tinh của triết lý kinh doanh đó là sự ra đời của dòng sản phẩm L'amant Café.  
Để cho ra đời thương hiệu L'amant Café, ngoài việc đầu tư sản xuất cà phê công nghệ cao, theo ông Hiệp, Công ty đã mạnh dạn thay đổi công nghệ chế biến. Cà phê nhân được rang xay theo quy trình nghiêm ngặt với tiêu chí “3 không” (không tẩm ướp, không chất phụ gia, không chất bảo quản) và được đóng gói theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhờ đó, sản phẩm mang thương hiệu L'amant Café đã đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về chất lượng và sự ổn định từ các nước nhập khẩu, từng bước chinh phục các thị trường khó tính trên thế giới.
Ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-cho biết: “Quá trình đóng góp của Vĩnh Hiệp được ghi nhận qua việc tạo ra giá trị cho ngành cà phê Việt Nam nói chung và Gia Lai nói riêng. Đến nay, Vĩnh Hiệp đã không ngừng phát triển cả về quy mô lẫn hiệu quả hoạt động để trở thành doanh nghiệp xuất khẩu nông sản lớn nhất ở Gia Lai. Đặc biệt, đây là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam sản xuất cà phê hữu cơ đạt chứng nhận organic USDA-Hoa Kỳ. Ông Thái Như Hiệp đã nhận được rất nhiều giải thưởng cao quý trong quá trình phát triển doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu. Vừa qua, ông là một trong 100 doanh nhân được tôn vinh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2019”.
Không chỉ tạo ra giá trị cho doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương, Công ty Vĩnh Hiệp còn có đóng góp lớn vào công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Công ty được Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tặng cúp vinh danh là doanh nghiệp tiêu biểu đóng góp cho công tác an sinh xã hội trên địa bàn trong 2 năm 2018 và 2019. Tại chương trình Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ III sẽ diễn ra ở TP. Pleiku từ ngày 8-12-2019, L'amant Café sẽ có 10 gian hàng bố trí khắp các tuyến đường chính của thành phố để phục vụ cà phê miễn phí cho du khách.
 VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Tổng Công ty CP Bia rượu Nước Giải Khát Sài Gòn sẽ chi hơn 830 tỷ đồng để mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây và chi hơn 100 tỷ đồng để mua hơn 2 triệu cổ phiếu WSB của Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây.