Công ty TNHH một thành viên Cà phê Gia Lai: Vướng mắc tài chính sau cổ phần hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ ngày 13-9-2018, Công ty TNHH một thành viên Cà phê Gia Lai đã hoàn thành việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược và chính thức chuyển thành Công ty cổ phần Cà phê Gia Lai. Thế nhưng, đến nay vẫn còn một số vướng mắc tài chính liên quan đến Công ty TNHH một thành viên Cà phê Gia Lai trong quá trình bàn giao, chuyển đổi sang công ty cổ phần.
Thực hiện phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới công ty nông-lâm nghiệp thuộc UBND tỉnh, năm 2017, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty TNHH một thành viên Cà phê Gia Lai. Theo Quyết định số 965/QĐ-UBND của UBND tỉnh thì giá trị vốn nhà nước của Công ty tại thời điểm ngày 1-7-2017 được xác định là 146,763 tỷ đồng. Với 14.676.300 cổ phần được bán ra cho người lao động, nhà đầu tư chiến lược Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai và đấu giá công khai trên sàn chứng khoán, tổng giá trị thu được là 161,916 tỷ đồng. Tổng số tiền đã được nộp vào Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp là 150,228 tỷ đồng. Trong đó, Công ty TNHH một thành viên Cà phê Gia Lai nộp 89,511 tỷ đồng, Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh nộp 60,717 tỷ đồng, số tiền còn lại phải nộp về Quỹ là 1,041 tỷ đồng.
 Sở Tài chính chủ trì họp bàn xử lý các vướng mắc tài chính sau cổ phần hóa Công ty TNHH một thành viên Cà phê Gia Lai. Ảnh: S.C
Sở Tài chính chủ trì họp bàn xử lý các vướng mắc tài chính sau cổ phần hóa Công ty TNHH một thành viên Cà phê Gia Lai. Ảnh: S.C
Thực hiện việc kiểm tra, thẩm định quyết toán cổ phần hóa của Công ty TNHH một thành viên Cà phê Gia Lai, Sở Tài chính và các sở, ngành chức năng xác định, vốn nhà nước tại thời điểm Công ty TNHH một thành viên Cà phê Gia Lai chính thức chuyển thành công ty cổ phần là 151,27 tỷ đồng. Số tiền này bao gồm các khoản làm tăng vốn nhà nước do xác định chênh lệch bán cổ phần, tiền lãi ngân hàng tại tài khoản phong tỏa, tiền bồi thường tài sản trên đất tại xã Ia Bă (huyện Ia Grai); các khoản làm giảm vốn nhà nước bao gồm chi phí cổ phần hóa, chi phí trả lao động dôi dư, giá trị ưu đãi 40% của người lao động.      
Đối với kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến khi chính thức chuyển thành công ty cổ phần (từ ngày 1-7-2017 đến 12-9-2018), báo cáo tài chính của Công ty TNHH một thành viên Cà phê Gia Lai đã được kiểm toán độc lập và Cục Thuế kiểm tra từ năm 2017 đến ngày 12-9-2018 cho thấy, tổng doanh thu là 124,425 tỷ đồng, tổng chi phí là 148,667 tỷ đồng, lỗ 24,182 tỷ đồng. Sau khi thẩm định các khoản chi phí đưa vào kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty, Sở Tài chính và các ngành chức năng không thống nhất các khoản hạch toán vào lỗ số tiền 12,251 tỷ đồng, bao gồm các khoản đã được tính trong xác định giá trị doanh nghiệp, các khoản đơn vị hạch toán không đúng, cơ quan Thuế kiểm tra hạch toán vào lãi, các khoản chi hạch toán vào lỗ khác. Đối với số lỗ còn lại, sau khi trừ đi chi phí liên quan đến việc trông coi quản lý 248,9 ha đất và toàn bộ tài sản trên đất tại Chi nhánh Ia Phìn (huyện Chư Prông), số lỗ còn lại 11,484 tỷ đồng là khoản chênh lệch giữa doanh thu và chi phí (chưa có doanh thu của cà phê sản xuất do chưa đến thời kỳ thu hoạch sản phẩm). Một vướng mắc tài chính khác là khoản tiền nợ thuế 6,494 tỷ đồng truy thu tiền thuê đất tại Công ty TNHH một thành viên Cà phê Gia Lai trong giai đoạn 2012-2018.
Liên quan đến khoản lỗ, khoản nợ thuế phát sinh trách nhiệm, nghĩa vụ xử lý, ông Trịnh Quang Hưng-Tổng Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Cà phê Gia Lai-cho biết đã có rất nhiều cuộc họp sau cổ phần hóa mà vẫn không giải quyết dứt điểm các vấn đề. Công ty cổ phần chấp nhận phần lỗ 6,5 tỷ đồng liên quan đến các khoản công nợ đã được xác định trong giá trị doanh nghiệp. Đối với các khoản chi phí phát sinh khác, không có cơ sở để chuyển sang công ty cổ phần. Về khoản nợ thuế phát sinh trước khi cổ phần hóa, không có căn cứ để Công ty cổ phần phải gánh chịu khoản này. Hiện nay, Cục Thuế tỉnh đang cưỡng chế tài khoản của Công ty cổ phần Cà phê Gia Lai làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Để xử lý dứt điểm các vấn đề vướng mắc tài chính sau cổ phần hóa, ông Nguyễn Dũng-Giám đốc Sở Tài chính-cho biết: Sở đã đề nghị ông Võ Ngọc Hiếu-nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cà phê Gia Lai sớm khắc phục về mặt tài chính liên quan đến quá trình cổ phần hóa của doanh nghiệp. Thống nhất đề nghị Công ty TNHH một thành viên Cà phê Gia Lai nộp vào ngân sách số tiền 4,808 tỷ đồng, bao gồm các khoản chi sai tiền đo đạc, lập bản đồ địa chính; chi phí đầu tư trồng bơ, sầu riêng; chi phí đo đạc bản đồ từ năm 2010; tiền nộp phạt thuế; số dư tài khoản tiền gửi tại ngân hàng. Đồng thời, phối hợp với Kiểm toán Nhà nước, cơ quan Thuế kiểm tra, rà soát lại các chi phí phát sinh dẫn đến khoản lỗ, lưu ý đến các khoản chi phí đầu tư mà chưa phát sinh doanh thu do đặc thù chu kỳ sản xuất nông nghiệp kéo dài. Đối với số tiền 6,494 tỷ đồng truy thu tiền thuê đất của Công ty TNHH một thành viên Cà phê Gia Lai từ năm 2012 đến 2018, đề nghị cơ quan Thuế làm rõ vấn đề này.   
  SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.