Công ty Thành Thành Công Gia Lai hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Vụ ép 2020-2021 của Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai (TTC Gia Lai) diễn ra trong điều kiện dịch Covid-19 xuất hiện tại thị xã Ayun Pa và huyện Ia Pa. Tuy nhiên, những hộ được Công ty đầu tư liên kết sản xuất thì kinh tế ít bị tác động nhờ năng suất và giá thu mua mía tăng cao.

Mía được mùa, được giá

Thời gian qua, ngành mía đường Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) chính thức có hiệu lực. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu gây nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp nói chung và cây mía nói riêng.

 Công ty TTC Gia Lai tổ chức cho nông dân tham quan học tập mô hình tưới nước, bón phân qua hệ thống tưới nhỏ giọt. Ảnh: Nguyễn Diệp
Công ty TTC Gia Lai tổ chức cho nông dân tham quan học tập mô hình tưới nước, bón phân qua hệ thống tưới nhỏ giọt. Ảnh: Nguyễn Diệp


Trước thực tế đó, những năm gần đây, TTC Gia Lai đã chủ động triển khai các giải pháp canh tác bền vững. Đồng thời, Công ty có những chính sách đầu tư khuyến khích người trồng mía áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: tưới tiết kiệm nước, phun chế phẩm sinh học kích thích cây mía phát triển tốt; thử nghiệm các giống mía mới có năng suất chất lượng cao; thực hiện cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, bón phân đến thu hoạch; xúc tiến thành lập hợp tác xã chuyên canh mía góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.

Nhờ những giải pháp đó cộng với điều kiện thời tiết thuận lợi nên vụ ép 2020-2021, năng suất mía bình quân toàn vùng nguyên liệu của Công ty đạt trên 75 tấn/ha. Với giá mua mía tại ruộng từ 930 ngàn đồng đến trên 1 triệu đồng/tấn mía đạt 10 CCS (bao gồm trợ giá đầu tư), người trồng mía đạt lợi nhuận 25-45 triệu đồng/ha.

Bà Vũ Thị Lan-Giám đốc TTC Gia Lai-cho biết: “Niên vụ 2020-2021, năng suất mía bình quân đạt mức kỷ lục trên 75 tấn/ha nên nông dân thu lợi nhuận ở mức cao. Trong bối cảnh khó khăn chung do dịch Covid-19 và áp lực hội nhập ATIGA, song nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương và sự đồng lòng giữa người trồng mía với Công ty và đối tác vận chuyển đã góp phần mang lại một vụ ép thành công”.

Còn bà Nguyễn Thị Nhiễu (thôn 2, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) chia sẻ: “Năm nay, thời tiết thuận lợi nên mía đạt năng suất cao và giá mía cao hơn năm ngoái. Với 20 ha mía, gia đình tôi lãi khoảng 700 triệu đồng”.

Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

Không chỉ người trồng mía mà nhiều người dân ở khu vực Đông Nam tỉnh cũng được hưởng “vị ngọt” từ những cánh đồng mía. Cây mía đã giúp hơn 350 cán bộ, nhân viên là người địa phương đang làm việc tại TTC Gia Lai có việc làm và thu nhập ổn định; gần 6.000 lao động từ các huyện, thị xã khu vực Đông Nam tỉnh và các tỉnh lân cận được Công ty tạo việc làm. Các hợp tác xã với 150 xe vận chuyển mía cũng làm ăn thuận lợi đã góp phần vào thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Song song với hoạt động sản xuất kinh doanh, những năm qua, TTC Gia Lai đã thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa như: tặng quà cho những hộ khó khăn trong dịp lễ, Tết; tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó… Trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19, Công ty tặng hàng ngàn suất quà cho người dân thị xã Ayun Pa và các huyện Ia Pa, Phú Thiện, Krông Pa với giá trị gần 500 triệu đồng. Ngoài ra, Công ty cũng tích cực tham gia ủng hộ các quỹ của địa phương.

Cán bộ nguyên liệu của Công ty kiểm tra việc thu hoạch mía đảm bảo sạch sẽ. Ảnh: Nguyễn Diệp
Cán bộ của Công ty TTC Gia Lai kiểm tra việc thu hoạch mía của người dân. Ảnh: Nguyễn Diệp

Vụ ép 2020-2021 của Công ty TTC Gia Lai đã khép lại vào ngày 15-4 vừa qua với sản lượng mía ép đạt hơn 520.000 tấn. Công ty đang tiếp tục đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía trên 10.000 ha cho vụ ép 2021-2022.

Về công tác bảo vệ môi trường, Công ty đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hệ thống FSSC 22000; hệ thống quản lý môi trường ISO14001: 2015, ISO 9001:2015. Những năm gần đây, TTC Gia Lai cũng bắt kịp xu hướng tận dụng nguồn năng lượng sạch, tự nhiên khi lắp đặt pin năng lượng mặt trời tại khu hành chính và các nông trường sản xuất mía tại huyện Ia Pa; đồng thời tiếp tục xây dựng trang trại điện năng lượng mặt trời tại Nhà máy sản xuất để tận dụng nguồn năng lượng sạch, tiết giảm chi phí.

Ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường luôn được nâng cao trong mỗi cán bộ, nhân viên, hướng đến tiêu chí xanh-sạch-thân thiện với môi trường. Năm 2017, TTC Gia Lai đã được Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam trao tặng cúp và chứng nhận đạt tốp 20 doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh bền vững.

“Với những định hướng chiến lược rõ ràng và cụ thể, Công ty tự tin hội nhập bằng việc chủ động thực hiện các giải pháp phát triển vùng nguyên liệu mía theo hướng bền vững. Công ty cũng quan tâm đầu tư bảo vệ môi trường, cải tạo đất để hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, góp phần mang lại nguồn thu nhập cho người trồng mía khu vực Đông Nam tỉnh, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động và thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển trong những năm tới”-Giám đốc TTC Gia Lai cho biết thêm.

 

NGUYỄN DIỆP
 

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.