Công ty Minh Mẫn góp phần thúc đẩy giao thương vùng biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cũng như nhiều doanh nghiệp khác hoạt động xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, Công ty TNHH một thành viên Minh Mẫn (thôn Cửa Khẩu, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) đã xây dựng được niềm tin với khách hàng nước bạn Campuchia, góp phần thúc đẩy hoạt động giao thương vùng biên giới.
Những ngày này, từng đoàn xe tải chuyên chở mặt hàng mì lát từ phía Cửa khẩu Quốc tế Oyadav (tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia) nối đuôi xếp hàng làm thủ tục thông quan qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ), báo hiệu mùa kinh doanh nông sản bước vào thời kỳ cao điểm. Bắt nhịp bầu không khí sôi động đó, Công ty TNHH một thành viên Minh Mẫn cũng đã chủ động tăng tốc, ưu tiên nguồn nhân lực, tài lực để thu mua, vận chuyển một lượng lớn hàng nông sản đang đổ về. Ông Bùi Thiên Ấn-Giám đốc Công ty-cho biết: “Đặc thù kinh doanh tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh là theo thời vụ nông sản từ phía Campuchia. Hàng bên đó nhập về từ tháng 11 năm trước cho đến tháng 4 năm sau, lần lượt là đậu nành, mì lát, hạt điều. Chúng tôi thu mua nông sản và bán lại cho thị trường nội địa theo nhu cầu của đối tác”.
 Ông Bùi Thiên Ấn-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Minh Mẫn điều hành việc bốc dỡ hàng hóa tại khu vực tập kết hàng nông sản Bến xe Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: S.C
Ông Bùi Thiên Ấn-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Minh Mẫn điều hành việc bốc dỡ hàng hóa tại khu vực tập kết hàng nông sản Bến xe Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: S.C
Thành lập năm 2014, Công ty Minh Mẫn chuyên thu mua các mặt hàng nông sản và buôn bán vật liệu xây dựng. Tùy thuộc từng thời vụ, bình quân mỗi năm, Công ty thu mua vài chục ngàn tấn mì lát, hơn 1.000 tấn đậu nành, hơn 1.000 tấn hạt điều từ bạn hàng Campuchia để xuất bán cho thị trường nội địa. Không chỉ kết nối giao thương, hoạt động thu mua nông sản của Công ty đã góp phần giải quyết việc làm cho 20-30 lao động trên địa bàn khi vào mùa kinh doanh. Thu nhập của mỗi lao động từ 400 ngàn đồng đến hơn 1 triệu đồng/ngày. Anh Nguyễn Văn Thảo (thôn Cửa Khẩu, xã Ia Dom) chia sẻ: “Tôi làm việc cho Công ty Minh Mẫn hơn 5 năm nay, công việc chủ yếu là bốc dỡ hàng nông sản. Mặc dù công việc chỉ kéo dài vài tháng nhưng so với mặt bằng chung thì thu nhập rất tốt. Làm công việc này đòi hỏi phải có sức khỏe, siêng năng, chịu khó vì lượng hàng bốc dỡ từ xe này sang xe khác rất nhiều. Có năm, lượng mì lát nhập về cửa khẩu lúc cao điểm hơn 4.000 tấn/ngày”.  
Nếu như những năm trước, lượng hàng nông sản từ Campuchia đổ về Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh chủ yếu theo đường tiểu ngạch, quy mô nhỏ lẻ và tập trung vào mặt hàng cao su, đậu, mè thì hiện nay rất phong phú, đa dạng. Là một trong những bạn hàng Campuchia qua lại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh làm ăn đã nhiều năm, anh Rơchăm Lam (xã Pó Lớn, huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri) khẳng định: “Tôi làm ăn với Công ty Minh Mẫn được vài năm rồi. Mỗi mùa mì lát, tôi bỏ cho bạn hàng vài trăm tấn. Là đầu mối bên Campuchia, tôi tìm nguồn hàng nông sản chất lượng tốt, giá tốt để đưa sang bán cho đối tác Việt Nam. Về phía Công ty Minh Mẫn là đơn vị uy tín nên chúng tôi rất tôn trọng, hợp tác buôn bán lâu dài”.
Trong bối cảnh cạnh tranh nguồn hàng, giá cả trên thị trường ngày càng gay gắt, mùa nông sản năm nay dự báo sẽ khó khăn cho cả người bán lẫn người mua. Tuy nhiên, Công ty Minh Mẫn vẫn nỗ lực duy trì hoạt động kinh doanh, bố trí nguồn lực để thu mua hàng hóa đáp ứng nhu cầu của bạn hàng, đối tác trong nước. “Cửa khẩu làm ăn có thịnh vượng hay không thì chỉ cần nhìn vào lượng hàng hóa thông quan. Là doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này, chúng tôi luôn mong muốn có nguồn hàng dồi dào, đa dạng để hoạt động kinh doanh ngày càng phát triển. Đồng thời, mong chính quyền địa phương, cơ quan chức năng quan tâm hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách cho hoạt động giao thương giữa doanh nghiệp, đối tác, nhân dân 2 nước tại khu vực cửa khẩu”-Giám đốc Công ty Minh Mẫn cho hay.    
 SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree tiến hành khảo sát và lập đề án tín chỉ carbon rừng trồng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: M.P

Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree tiên phong lập đề án tín chỉ carbon rừng trồng

(GLO)- Sau khi khảo sát và làm việc với đơn vị chủ rừng, Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree (TP. Hồ Chí Minh) đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh đề nghị chủ trương thí điểm lập dự án trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh và lập đề án tín chỉ carbon rừng trồng trên địa bàn tỉnh.

Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên đã áp dụng giải pháp kết nối tự động xuất HĐĐT theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng thuộc hệ thống. Ảnh: S.C

Cục Thuế tỉnh Gia Lai hỗ trợ doanh nghiệp kết nối tự động phát hành hóa đơn bán lẻ xăng dầu

(GLO)- Để hoàn thành mục tiêu 100% cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu áp dụng giải pháp kết nối tự động khi phát hành hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng, UBND tỉnh Gia Lai giao các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp với Cục Thuế tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu.

Đón dòng đầu tư mới

Đón dòng đầu tư mới

Trong xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và diễn biến phức tạp về địa chính trị trên thế giới, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Gia Lai: Tập huấn Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản

Gia Lai: Tập huấn Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản

(GLO)- Trong 2 ngày (11 và 12-12), tại khách sạn Tre Xanh, Sở Xây dựng phối hợp với Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng) tổ chức lớp tập huấn các nội dung của Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Nhiều hoạt động được Gia Lai triển khai nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, trong đó có việc triển khai thu thập kiến nghị qua Google Form. Ảnh: H.D

Phản ánh kiến nghị, đề xuất qua Google Form, doanh nghiệp còn thờ ơ

(GLO)- Thời gian qua, Gia Lai đã triển khai nhiều hoạt động nhằm đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có việc thu thập, tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua ứng dụng Google Form. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp còn thờ ơ và chưa tận dụng triệt để kênh kết nối nhanh chóng, hiệu quả này