Công ty Cao su Mang Yang: Chú trọng an toàn vệ sinh lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong quá trình hoạt động, Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang luôn quan tâm thực hiện công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), qua đó góp phần cải thiện môi trường làm việc, đảm bảo sức khỏe cho người lao động.
Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang có tổng diện tích cao su trong và ngoài nước gần 21.000 ha. Diện tích cao su của Công ty trải rộng trên địa bàn 3 huyện Đak Đoa, Mang Yang và Chư Sê của tỉnh Gia Lai; huyện Ia HDrai (tỉnh Kon Tum) và tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia). Tổng số cán bộ, công nhân lao động hơn 2.800 người, trong đó có 1.041 lao động dân tộc thiểu số, 675 lao động người Campuchia.
 An toàn trong lao động được Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang đặt lên hàng đầu. Ảnh: H.Đ.T
An toàn trong lao động được Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang đặt lên hàng đầu. Ảnh: H.Đ.T
Ông Trương Minh Tiến-Tổng Giám đốc Công ty-cho biết: Xác định xây dựng môi trường làm việc an toàn, lành mạnh sẽ giúp người lao động yên tâm làm việc, lao động sản xuất đạt hiệu quả, hạn chế thấp nhất tai nạn lao động đáng tiếc xảy ra, Công ty luôn đẩy mạnh tuyên truyền về ATVSLĐ để nâng cao nhận thức chấp hành nội quy, quy định pháp luật về ATVSLĐ cho người lao động; chủ động đầu tư trang-thiết bị; tổ chức tập huấn, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Đội ngũ kỹ thuật của Công ty cũng thường xuyên kiểm tra nhà xưởng, máy móc, thiết bị để kịp thời phát hiện sự cố và khắc phục; áp dụng biện pháp xử lý phù hợp tại các vị trí làm việc, hạng mục có nguy cơ mất an toàn, nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp. Chính vì vậy mà nhiều năm qua, Công ty không có trường hợp tai nạn lao động nào xảy ra.
Theo sự giới thiệu của ông Tiến, chúng tôi đến thăm Xí nghiệp Chế biến mủ cao su Kdang. Trước đây, để treo những tấm cao su thành phẩm lên giá trước khi đưa vào lò sấy, công nhân phải trèo lên bằng thang chân trong môi trường ẩm ướt và trơn trượt, tiềm ẩm nguy cơ tai nạn lao động rất cao. Nhưng hiện nay, với hệ thống cầu nâng bằng thủy lực vừa được đầu tư, công nhân chỉ cần đứng ở một vị trí điều khiển là có thể hoàn thành tốt công việc.
Không chỉ đầu tư và cải tiến kỹ thuật để đảm bảo ATVSLĐ, Công ty còn tích cực cải tạo môi trường làm việc, trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động đạt tiêu chuẩn, chất lượng. Tất cả những nơi làm việc của công nhân đều đảm bảo vệ sinh, không có khói bụi, khí độc và các yếu tố có hại khác. Bên cạnh đó, để đảm bảo sức khỏe cho công nhân, Công ty đã đầu tư các trang-thiết bị y tế để khám định kỳ và điều trị bệnh cho người lao động. Trung tâm Y tế Công ty có quy mô 30 giường bệnh, đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng III. Ngoài việc khám và điều trị tại chỗ, Trung tâm còn cử bác sĩ đến các nông trường, tổ đội sản xuất để khám bệnh định kỳ và tư vấn phòng-chống dịch bệnh cho công nhân, nhất là công nhân dân tộc thiểu số.
Anh Chu Minh Đức-công nhân Xí nghiệp Chế biến mủ cao su Kdang-cho hay: “Khi làm việc, tôi được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ như găng tay, ủng, tạp dề. Bên cạnh đó, tôi cũng được tập huấn đầy đủ các kiến thức về ATVSLĐ. Ngoài ra, mỗi tháng tôi còn nhận đầy đủ các chế độ độc hại, tiền ăn giữa ca và được đóng đầy đủ các khoản bảo hiểm. Vì vậy, tôi rất yên tâm khi làm việc ở đây”. Liên quan đến công tác ATVSLĐ, ông Trần Hữu Tâm-Phó Giám đốc phụ trách Xí nghiệp Chế biến mủ cao su Kdang-cho biết thêm: Nét mới trong công tác đảm bảo ATVSLĐ được xí nghiệp thực hiện lâu nay là tất cả công nhân trong các phân xưởng đều được kiểm tra tâm lý trước giờ lao động. Đó là nguyên tắc làm việc bắt buộc nhằm giảm áp lực cho công nhân. Từ đó, ý thức và thao tác của người lao động sẽ được nâng cao.
 HÀ ĐỨC THÀNH

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.