Công ty Cao su Chư Sê: Vượt khó khẳng định thương hiệu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Công ty Cao su Chư Sê (nay là Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê) được thành lập theo Quyết định số 71/QĐ-TCCB ngày 17-8-1984 của Tổng cục Cao su (nay là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam). Vượt qua muôn vàn khó khăn của những ngày đầu thành lập, đến nay, Công ty đã trở thành một trong những doanh nghiệp có quy mô lớn tại khu vực Tây Nguyên và là đơn vị có nhiều đóp góp vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội, ổn định an ninh chính trị nơi đứng chân.
Những ngày đầu gian khó
Nhớ về những ngày đầu có mặt tại Tây Nguyên, ông Hồ Văn Ngừng-một trong những người được lãnh đạo Công ty Cao su Dầu Tiếng cử ra thành lập Công ty Cao su Chư Sê, cũng là Giám đốc đầu tiên của Công ty-cho biết: Khi nhận nhiệm vụ lên Tây Nguyên, tôi và 18 anh em đều ái ngại. Bởi lẽ, phát triển cây cao su trên vùng đất mới đầy bom mìn chiến tranh còn sót lại là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, chỉ cần sơ suất một chút là phải trả giá bằng tính mạng. Các buôn làng người dân tộc thiểu số khi đó cũng còn hoang sơ, bọn FULRO vẫn lẩn khuất hoạt động. Chúng coi địa bàn công ty là hành lang đi lại. Thêm vào đó là những cơn sốt rét nơi “rừng thiêng, nước độc”. Tuy vậy, chúng tôi động viên nhau vượt qua mọi khó khăn để làm vườn ươm, chuẩn bị cây giống cho mùa trồng mới.
Cây cao su lúc bấy giờ còn xa lạ với người Kinh ở Tây Nguyên, lại càng xa lạ với đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Dân cư trên địa bàn không biết, không hiểu và cũng không tin tưởng vào việc trồng cây cao su. Nhưng 19 con người mang trái tim nhiệt huyết, tràn đầy khát vọng đã băng rừng, vượt suối đến từng buôn làng để tuyên truyền, vận động làm cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các già làng hiểu và ủng hộ nhiệm vụ của mình.
Kiểm tra vườn cây cao su trồng mới. Ảnh: internet
Kiểm tra vườn cây cao su trồng mới. Ảnh: internet
“Chúng tôi xác định ngay từ những ngày đầu là muốn tồn tại và phát triển phải tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân và chính quyền địa phương, sự giúp đỡ của Tổng cục Cao su và Công ty Cao su Dầu Tiếng. Tuy nhiên, quan trọng hơn hết vẫn là tự thân vận động, đoàn kết trên dưới một lòng vì vườn cây cao su, vì đời sống người lao động. Khó mà kể hết những nhọc nhằn, gian truân của buổi đầu gầy dựng, cũng không thể đo đếm được công lao khai phá và chắt chiu của những người tình nguyện đi mở đất dựng nông trường, càng không thể cân đong được những giọt mồ hôi của bao con người quen du canh, du cư nay chịu trụ lại vì cây cao su”-ông Ngừng tâm sự
Những ngày đầu trồng cao su, Công ty gặp muôn vàn khó khăn với số công nhân người dân tộc thiểu số. Bởi lẽ, việc hướng dẫn công nhân người Kinh đã khó, chỉ bảo cho công nhân người dân tộc thiểu số còn khó gấp vạn lần vì lâu nay họ chỉ quen trồng lúa, bắp... với trình độ kỹ thuật thấp, phương thức canh tác lạc hậu. Nay chuyển sang trồng cây cao su đòi hỏi kỹ thuật cao nên họ rất chật vật. Song bằng những kinh nghiệm quý báu từ thời ở Công ty Cao su Dầu Tiếng, những cán bộ Công ty Cao su Chư Sê đã “cầm tay chỉ việc” cho số công nhân người dân tộc thiểu số từ lúc đặt hạt cao su ở vườn ươm đến khi hạ bầu giống xuống hố theo đúng quy trình kỹ thuật của Tổng cục Cao su đề ra với phương châm: “Thâm canh ngay từ đầu”. Khi cây cao su vừa lên xanh, số cán bộ, công nhân vừa đông đủ cũng là lúc Liên bang Xô Viết tan rã. Bạn đơn phương cắt đứt hợp đồng và nguồn vốn hợp tác khiến Công ty lại phải đối diện với khó khăn mới.
Khẳng định thương hiệu
Là người tiếp nối những công việc còn dang dở, đồng thời có trách nhiệm đưa Công ty ngày càng phát triển lớn mạnh trên vùng đất Tây Nguyên, ông Nguyễn Quốc Khánh-Giám đốc Công ty trong giai đoạn 1991-2015 cho biết: Trước tiên, chúng tôi đoàn kết, hợp lực để vượt qua mọi khó khăn và thử thách. Sau đó, Công ty thực hiện mục tiêu đổi mới, tập trung vào chiến lược đào tạo con người phù hợp với yêu cầu phát triển, phát huy tối đa mọi nguồn lực, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, bảo đảm khả năng cạnh tranh để tồn tại và phát triển bền vững.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam trao bằng khen cho các cá nhân và tập thể đạt thành tích xuất sắc trong năm qua. Ảnh: internet
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam trao bằng khen cho các cá nhân và tập thể đạt thành tích xuất sắc trong năm qua. Ảnh: internet
Quá trình phấn đấu bền bỉ của toàn thể cán bộ, công nhân viên đã giúp Công ty lập nên những thành tích xuất sắc trong suốt chặng đường 15 năm đầu đi vào hoạt động. Năm 2000, Công ty vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Thời kỳ sau đó, Công ty đã đẩy mạnh thực hiện sắp xếp, đổi mới để phát triển. Năm 2010, thực hiện chủ trương của Nhà nước, Công ty đã chuyển đổi mô hình hoạt động thành Công ty TNHH một thành viên, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Đây là dấu mốc quan trọng của Công ty trong quá trình phát triển.
Một yếu tố không nhỏ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty trong giai đoạn này là thiên tai làm gãy đổ khá nhiều diện tích cao su đang khai thác. Cụ thể, cơn bão năm 2009 và gió lốc vào năm 2012 đã làm thiệt hại hàng trăm héc ta cao su của Công ty. Diện tích khai thác giảm mạnh, cộng với thị trường tiêu thụ cao su liên tục giảm do cung vượt cầu, sự biến đổi thất thường của thời tiết... đã ảnh hưởng đến các chỉ tiêu phát triển của Công ty và kéo dài đến nhiều năm sau.
 
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã quy hoạch cụm nhà máy đặt tại Công ty cổ phần Cao su Chư Sê-Kampong Thom với công suất dự kiến là 32.400 tấn/năm, chia thành 2 giai đoạn đầu tư: giai đoạn 1 công suất 21.500 tấn/năm chủng loại mủ SVR 10, 20; giai đoạn 2 tùy vào thị trường để đầu tư công suất còn lại. Hiện nay, nhà máy của Công ty đã hoàn thiện và đưa vào vận hành dây chuyền số 1 có công suất 10.750 tấn/năm (dây chuyền 3 tấn/giờ). Dây chuyền 6 tấn/giờ sẽ được đầu tư vào năm 2020, là dây chuyền có công suất lớn nhất của ngành tính đến nay. Như vậy tính đến năm 2018, Công ty đã cơ bản hoàn thiện đầu tư đúng tiến độ dự án. Tổng chi phí đầu tư đã thực hiện đến ngày 31-12-2018 là 2.550 tỷ đồng.

Ông Đặng Đức Tri-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty-cho biết: Trong một số giai đoạn, Công ty gặp khó khăn chung của toàn ngành. Tuy vậy, chúng tôi vẫn tự hào là một trong những đơn vị được Tập đoàn đánh giá rất cao như: Tổng sản lượng mủ khai thác từ năm 1992 đến năm 2018 là 136.000 tấn. Nếu không có yếu tố khách quan là gió lốc, bão gây thiệt hại cao su vào năm 2009 và 2012 làm giảm sản lượng, năng suất vườn cây thì Công ty vẫn là một trong những đơn vị có năng suất cao tại khu vực Tây Nguyên. Chỉ tính riêng 15 năm (2004-2018), tổng sản lượng khai thác Công ty thực hiện là 106.000 tấn, tổng doanh thu 5.237 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế 1.528 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 504 tỷ đồng; đóng góp công tác an sinh xã hội 39 tỷ đồng. Trong các năm 2010, 2011, tổng số cán bộ, công nhân viên Công ty lên đến 2.600 người. Những năm gần đây, vườn cây bắt đầu đưa vào thanh lý tái canh, cán bộ, công nhân viên Công ty cũng giảm dần, đến cuối năm 2018 chỉ còn 1.220 người.
Năm 2009, thực hiện chủ trương của Chính phủ Việt Nam và Campuchia về việc hợp tác phát triển trồng, khai thác cao su tại Vương quốc Campuchia và thực hiện kế hoạch sản xuất của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty đã ty tham gia góp vốn thành lập Công ty cổ phần Cao su Chư Sê-Kampong Thom. Đến năm 2014, Công ty đã hoàn thành công tác trồng mới với tổng diện tích 16.286,68 ha, trong đó dự án C.R.C.K.2 là 8.236,23 ha, dự án Bean Heack là 8.032,45 ha.
Ảnh: M.Thi
Ảnh: M.Thi
Năm 2017, Công ty đã bắt đầu đi vào khai thác mủ trên vườn cây trồng năm 2010, 2011. Đến năm 2018, diện tích khai thác của Công ty đã là 5.530,02 ha với sản lượng kế hoạch giao của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là 6.000 tấn mủ. Kết thúc năm 2018, Công ty đã khai thác và thu hoạch được 7.235,08 tấn, đạt 120% kế hoạch. Công ty được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đánh giá là đơn vị có diện tích cao su lớn nhất tại Campuchia do Tập đoàn đầu tư. Năm 2019, Công ty khai thác 8.670,29 ha với sản lượng được giao là 11.100 tấn mủ cao su. Dự kiến, Công ty sẽ thực hiện đạt và vượt sản lượng hơn 10% kế hoạch được giao.
Công ty cổ phần Cao su Chư Sê-Kampong Thom là đơn vị được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đánh giá đang đầu tư rất có hiệu quả. Thành quả có được đó phải nói đến đóng góp to lớn từ con người và chỉ đạo của tập thể lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê. Trong những năm tới, kế thừa những thành quả này, Công ty cổ phần Cao su Chư Sê-Kampong Thom sẽ tiếp tục phấn đấu đạt hiệu quả tốt trong sản xuất kinh doanh. 
35 năm với bao thăng trầm trên mảnh đất Tây Nguyên, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê đã khẳng định vị thế của mình trong ngành khai thác và chế biến mủ cao su. Phát huy truyền thống vẻ vang của mình, tin rằng những năm tiếp theo, Công ty sẽ thành công hơn nữa và góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh Gia Lai.
 MINH THI

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.