Công ty Cảnh Quang Gia Lai: Uy tín trong vận tải hàng hóa liên vận quốc tế

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sau 5 năm tham gia hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hóa liên vận quốc tế, ông Trương Minh Cảnh-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cảnh Quang Gia Lai (14 Triệu Quang Phục, TP. Pleiku) đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để xây dựng doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, khẳng định uy tín với khách hàng.



Ông Cảnh kể: “Cha mẹ tôi là nông dân, gia đình đông con. Thấy làm nông khổ cực quá, năm 1988, tôi đi làm phụ xe rồi học lái xe”. Từng có thời gian dài làm việc tại Hợp tác xã Cơ khí-Vận tải và Dịch vụ Diên Hồng (TP. Pleiku), chuyên vận chuyển hành khách liên vận quốc tế Việt Nam-Lào-Campuchia, giữa năm 2015, ông Cảnh đứng ra thành lập công ty riêng, chuyên vận tải hàng hóa liên vận quốc tế giữa 3 nước. “Vận tải hàng hóa liên vận quốc tế chịu áp lực, khó khăn hơn nhiều so với vận tải nội địa. Ngoài năng lực vận tải, doanh nghiệp phải đảm bảo về thủ tục, con người. Đối tác của chúng tôi phần lớn là doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư và hoạt động tại nước bạn, mối quan hệ giao thương giữa 3 nước rất tốt nên hoạt động vận tải liên vận quốc tế cũng được tạo điều kiện, cơ chế hoạt động phù hợp”-ông Cảnh chia sẻ.

 Ông Trương Minh Cảnh (thứ 2 từ trái sang) trao đổi công việc với nhân viên. Ảnh: L.H
Ông Trương Minh Cảnh (thứ 2 từ trái sang) trao đổi công việc với nhân viên. Ảnh: L.H



Khởi đầu chỉ với 2 xe đầu kéo tải trọng lớn, đến nay, Công ty Cảnh Quang Gia Lai đã phát triển lên 10 phương tiện xe đầu kéo. Hiện tại, Công ty tạo việc làm thường xuyên cho trên 40 nhân viên và tài xế, hầu hết là người Việt Nam. Theo ông Cảnh, để tồn tại và phát triển trong lĩnh vực vận tải liên vận quốc tế, doanh nghiệp cần có nhiều yếu tố, trong đó nổi bật là 3 “điểm vàng”: uy tín, năng lực vận tải và sự an toàn trong vận hành. “Mặc dù hoạt động liên vận quốc tế, tuy nhiên, Công ty sử dụng lao động người Việt Nam thuận lợi hơn bởi có sự tương đồng về văn hóa, lề lối làm việc. Quan trọng nhất là phải tuyển dụng được nhân sự tốt, trung thực, kỷ luật. Bởi vận chuyển cho đối tác, có những chuyến xe chuyên chở hàng hóa trị giá hàng tỷ đồng, nếu không tìm được người lao động tin cẩn, đồng hành sẽ rất khó”-ông Cảnh cho hay.

Thời gian gần đây, hoạt động vận tải liên vận quốc tế gặp rất nhiều khó khăn bởi quá trình thông thương quốc tế vẫn đang trong giai đoạn kiểm soát chặt chẽ do dịch Covid-19. Trong khi đó, đối tác vận chuyển hàng hóa của Công ty phần lớn đầu tư mảng nông nghiệp, nhu cầu vận chuyển theo mùa vụ, không thể trì hoãn. Bản thân doanh nghiệp vận tải vì thế phải chấp nhận bỏ ra chi phí cao hơn để tăng cường nhân công, áp lực giờ trống nhiều hơn. Trước đây, một kíp lái có thể thực hiện trọn hành trình từ Việt Nam qua Lào hay Campuchia thì nay phải chia ra thành nhiều đoạn, chi phí nhân công vì thế đội lên. Cụ thể, tài xế đưa xe đến Km 0 tại Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y (tỉnh Kon Tum) hoặc Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai) buộc phải rời phương tiện để tài xế bên nước bạn vận chuyển tiếp đến Lào hoặc Campuchia. Quá trình vận tải hàng hóa từ 2 nước này về Việt Nam cũng được thực hiện theo quy trình tương tự. Ông Cảnh cho biết: “Doanh nghiệp vẫn cân đối để duy trì hoạt động, giữ mối quan hệ với đối tác, đồng thời cùng cộng đồng thực hiện phương châm “vừa chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo sản xuất hiệu quả”.

Sau 5 năm tham gia hoạt động trong lĩnh vực vận tải liên vận quốc tế, Công ty Cảnh Quang Gia Lai đã thu được thành công đáng kể. Ông Cảnh thông tin: “Vận tải liên vận quốc tế Việt Nam-Lào-Campuchia hiện nay chủ yếu là bằng đường bộ. Nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày một tăng nhờ vị trí có thể kết nối các địa phương có cảng biển như: Bình Định, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh. Vì vậy, đây là một lĩnh vực giàu tiềm năng. Thời gian tới, Công ty vẫn tiếp tục chú trọng phát triển lĩnh vực này”.

Đánh giá về hiệu quả hoạt động của Công ty Cảnh Quang Gia Lai, ông Nguyễn Trường Sơn-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải-cho biết: “Nhờ sự năng động nên Công ty đã tìm cho mình hướng đi mới và sản xuất hiệu quả, đóng góp nguồn thu cho địa phương. Công ty cũng là một trong các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải luôn chấp hành tốt các quy định của ngành Giao thông-Vận tải; đồng hành trách nhiệm cùng ngành, địa phương trong các hoạt động an sinh xã hội khác”. 

 ÁNH NGỌC


 

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Tổng Công ty CP Bia rượu Nước Giải Khát Sài Gòn sẽ chi hơn 830 tỷ đồng để mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây và chi hơn 100 tỷ đồng để mua hơn 2 triệu cổ phiếu WSB của Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây.