“Cõng” khách lên ngàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Hai chân liên tục bơi trên lớp bùn nhão nhoẹt, anh Tưởng Phi Luân-cán bộ kỹ thuật Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (xã Sơn Lang, huyện Kbang) cố giữ cho xe máy khỏi ngã khi vượt qua đoạn đường trơn trượt như đổ mỡ. Đến đoạn dốc cao gần như thẳng đứng, anh nhắc tôi ngồi sát về phía trước, ôm người anh thật chặt khi chiếc xe tăng ga vượt dốc.

Cũng nhờ tham gia chuyến đi thực tế tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng do Hội Nhà báo tỉnh tổ chức mới đây mà tôi mới hiểu rõ hơn về nghề mưu sinh độc-lạ nơi đây, đó là “cõng” du khách lên ngàn ngắm thác 50.

“Cõng” khách mưu sinh

Anh Luân được giao nhiệm vụ chở tôi vào tham quan thác 50. Luân dáng người hơi gầy, có biệt tài “làm xiếc” với chiếc xe máy nên được tuyển chọn vào đội xe ôm tham gia chở du khách vượt đường rừng vào ngắm thác. Trước khi khởi hành, anh Luân bảo: “Đường từ trụ sở Khu Bảo tồn vào đến thác 50 (hay còn gọi là thác Hang Én) chỉ khoảng chừng 17 km nhưng không dành cho những người yếu tim!”.

Rời trụ sở Khu Bảo tồn chừng hơn 200 m, thử thách đầu tiên là đoạn đường đất trơn trượt như bôi mỡ. Chiếc xe máy men theo dấu bánh xe ô tô lún sâu xuống mặt đất để nhích từng đoạn một. Đôi chân dài ngoằng của anh Luân giờ mới phát huy tác dụng khi “bơi” liên tục trên lớp bùn để giữ cho xe khỏi ngã. Chiếc xe máy bị xìa bánh liên tục, cảnh báo du khách “vồ ếch” nếu bất cẩn. Mắt không rời khỏi mặt đường, anh Luân nói: “Đi đoạn này rất mỏi chân. Mùa nắng đường khô ráo thì đỡ vất vả, chứ lúc mưa xuống là đường trơn, đất bùn bám vào bánh xe rất khó đi”.

Đường vào thác 50 (huyện Kbang) còn hơn 3 km trơn trượt rất khó đi. Ảnh: Minh Nguyễn

Đường vào thác 50 (huyện Kbang) còn hơn 3 km trơn trượt rất khó đi. Ảnh: Minh Nguyễn

An toàn thoát khỏi đám bùn lầy tầm 3 km đến đoạn bê tông rộng 3 m, chúng tôi mới thở phào. Lúc này, anh nhân viên trẻ mới giới thiệu đôi chút về mình. Anh cho biết, mình vừa bước qua 28 tuổi và có hơn 6 năm gắn bó với ngành lâm nghiệp. Ngày ra trường, Luân bắt đầu công việc giữ rừng tại Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Hà Nừng (xã Sơn Lang), sau đó thi vào Khu Bảo tồn, cũng ngót nghét 3 năm. Ngoài công việc của nhân viên kỹ thuật, cơ quan còn tạo điều kiện cho anh tham gia chở khách vào thác để kiếm thêm thu nhập.

Mỗi chuyến đưa đón, anh Luân được khách trả công 400 ngàn đồng. Mùa “cõng” khách diễn ra từ tháng 3 đến tháng 7 hàng năm và dịp lễ, Tết, chủ yếu vào các ngày thứ bảy và chủ nhật. “Lúc cao điểm, có ngày, tôi chở 3 cuốc, có tháng cũng kiếm thêm được vài triệu đồng. Còn ngày thường thì thỉnh thoảng mới có khách. Tranh thủ đưa khách vào thác xong, tôi chạy về xã Đông (cách đó hơn 60 km) thăm nhà, đến trưa chủ nhật lại chạy vào chở khách ra. Hôm nào khách đông thì ở luôn tại cơ quan”-anh Luân chia sẻ.

Đang vui chuyện, anh Luân chợt bảo tôi ngồi ôm cho chặt, bởi phía trước mới là đoạn đường “nhọc” nhất. Trước đây, đoạn đường gần 7 km này du khách chỉ lội bộ, việc mang vác lều bạt, ba lô, thức ăn đã có các porter (người dẫn đường kiêm khuân vác đồ đạc) đảm nhận. Hơn 2 năm trở lại đây, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng đã đầu tư đường bê tông rộng 1,2 m chạy đến gần thác. Vừa kể, anh Luân vừa về số, rú ga lấy trớn vượt dốc. Mỗi khúc cua, mỗi cú bẻ đều khiến tim tôi đập thình thịch, nhiều lúc tưởng chừng người và xe muốn lao xuống vực. Dốc lên thẳng đứng khiến chiếc xe như muốn chổng ngược phía sau; dốc xuống thì thăm thẳm làm người ngồi sau như lấn đuổi người ngồi trước.

Đội xe ôm-là các nhân viên Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng tham gia chở du khách vào tham quan thác 50. Ảnh: Minh Nguyễn

Đội xe ôm-là các nhân viên Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng tham gia chở du khách vào tham quan thác 50. Ảnh: Minh Nguyễn

Ấy thế mà anh Luân bình tĩnh đến lạ. Anh còn quay lại tếu táo trêu: “Anh nặng cân nhưng biết cách ngồi nên người cầm lái cũng đỡ. Chứ nhiều người sợ quá, cứ hết nghiêng bên này lại nghiêng sang bên kia, vừa khó chở vừa dễ bị ngã. Đặc biệt là khách Tây, họ ít ngồi xe máy nên rất khó chạy xe. Mà ở những đoạn dốc như thế này, nếu không lấy trớn thì không thể lên nổi. Có nhiều người không chịu được thử thách, nhất quyết đòi xuống lội bộ. Nhiều trường hợp xe tắt máy giữa dốc, theo phản xạ, có khách còn nhảy khỏi xe nên bị trầy xước”.

Xe dừng lại ở đỉnh dốc bởi phía dưới là những bậc thang sâu hun hút. Đây cũng là điểm tập kết để mọi người đi bộ khoảng 1 km nữa để xuống điểm dựng lều. Vừa đến nơi, anh Lê Văn Tiền-phóng viên Báo Tiền Phong đã thở phào nhẹ nhõm và hóm hỉnh nói: “Hành trình này chống chỉ định với những người yếu tim, phụ nữ mang thai và người có thể trạng không tốt hoặc thoái hóa khớp”. Theo anh Tiền, nhiều lần trải nghiệm cung đường rừng nhưng lần này anh lại cảm phục tài lái xe của các anh, nhiều pha xử lý đến… rụng tim.

“Níu chân” cán bộ giữ rừng

Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng có hơn chục người hành nghề “xe ôm” giống như anh Luân. Theo sự chia sẻ của anh Phan Văn Công thì từ một “lâm tặc cộm cán”, anh được cảm hóa thành nhân viên lái xe cho Khu Bảo tồn. Ngoài những lúc cùng lãnh đạo đi công tác, anh Công tham gia đội “xe ôm” chở khách du lịch lên thác. Không những vậy, anh còn kiêm luôn việc nấu ăn phục vụ du khách.

Việc làm thêm cũng giúp anh một khoản thu nhập kha khá. Đợt cao điểm, lượng khách đông, có tháng, anh Công có thêm 7-8 triệu đồng. Ngoài ra, vợ anh cũng được cơ quan tạo điều kiện nhận làm nhân viên cấp dưỡng. Nhà cách nơi làm việc tầm 7 km, gần chồng con và gia đình, chị có điều kiện hơn để chăm sóc 2 con nhỏ, anh cũng yên tâm công tác, không quay lại “đường cũ”.

Ngoài công việc tuần tra bảo vệ rừng, anh Đinh Văn Thiêng cũng tham gia chở khách vào thác. Với anh Thiêng, lái xe đi rừng là việc thường ngày. Anh Thiêng đúc kết kinh nghiệm: “Trăm hay không bằng tay quen, chạy miết rồi cũng chắc tay”. Ngoài ra, anh Thiêng còn nhiều tài lẻ khác nên được chọn tham gia phục vụ nấu ăn cho các đoàn khách du lịch.

Được mệnh danh “rái cá vùng non cao”, chỉ cần mang theo cái chài nhỏ hoặc tay lưới, đôi khi chỉ là cái cành trúc buộc thêm dây câu nhưng kiểu gì anh Thiêng cũng kiếm được vài ký cá. Thêm nắm lá bứa, lá giang rừng là anh có thể phục vụ nhu cầu thưởng thức đặc sản từ thiên nhiên của du khách.

Anh Đinh Văn Thiêng-nhân viên Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng ngoài việc giữ rừng, còn tham gia chở khách vào thác, phục vụ du khách món cá đặc sản từ thiên nhiên. Ảnh: Minh Nguyễn

Anh Đinh Văn Thiêng-nhân viên Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng ngoài việc giữ rừng, còn tham gia chở khách vào thác, phục vụ du khách món cá đặc sản từ thiên nhiên. Ảnh: Minh Nguyễn

Cùng với việc tạo điều kiện cho nhân viên, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng còn giúp cho thanh niên Bahnar các vùng lân cận có thu nhập từ du lịch. Anh Đinh Văn Quý (làng Đak Tơ Nglông, xã Sơn Lang) cho hay: Những năm gần đây, thác 50 hùng vĩ nằm trong vùng lõi Khu Bảo tồn đang là địa điểm hút khách du lịch. Họ đến ngắm cảnh thác, thưởng lãm vẻ đẹp của núi rừng nhưng cũng tạo cho người dân cơ hội có thêm thu nhập từ những nghề mới như: chở khách, vận chuyển đồ đạc, phục vụ nấu ăn.

Theo anh Quý, trước đây, đường đi lại khó khăn, phải đi bộ mất hơn 6 tiếng đồng hồ mới đến thác, còn phải gùi vác đồ đạc lỉnh kỉnh khoảng 35-40 kg phục vụ du khách. Giờ thì chỉ mất vài chục phút đã đến nơi. Bắt nhịp với điều kiện thuận lợi này, 2 năm trở lại đây, anh đã “đào tạo” thêm khoảng 30 thanh niên trong làng tham gia phục vụ các đoàn khách. Từ việc nhận khách của công ty du lịch, nhóm của anh đảm nhận việc chuyên chở vào thác, phục vụ nấu ăn, dựng lều trại với tiền công 400 ngàn đồng/người/ngày, giúp nhiều người có thu nhập ổn định.

Anh Đinh Văn Quý (làng Đak Tơ Nglông, xã Sơn Lang) chuẩn bị chở khách vào thác 50. Ảnh: Minh Nguyễn

Anh Đinh Văn Quý (làng Đak Tơ Nglông, xã Sơn Lang) chuẩn bị chở khách vào thác 50. Ảnh: Minh Nguyễn

Trầm ngâm bên bếp lửa hồng dã chiến cạnh chân thác, ông Trịnh Viết Ty-Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng-cho hay: Đơn vị có 27 viên chức vừa làm công tác văn phòng, vừa làm công tác bảo vệ rừng. Đa số nhân viên nhà ở xa, công việc nhọc nhằn nhưng không có thêm khoản phụ cấp gì. Trong số này có 13 cán bộ, nhân viên trực tiếp làm công tác bảo vệ và quản lý gần 16.000 ha rừng tự nhiên. Lực lượng mỏng, diện tích rừng lớn nên cả lãnh đạo cũng có tên trong tổ tuần tra quản lý rừng.

“Nhà xa, lương thấp, sau khi trừ tiền xăng xe đi lại, sửa xe, ăn uống thì chẳng còn gì. Chính vì vậy, chúng tôi tạo điều kiện cho những người ngoài ca trực tham gia cùng người dân trong làng phục vụ khách du lịch để có thêm thu nhập”-ông Ty nói.

Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng cho biết thêm: Cùng với Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng chính là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng. Hiện đơn vị đã trình UBND tỉnh và chờ thẩm định Đề án phát triển du lịch sinh thái. Nhiều doanh nghiệp lớn có kinh nghiệm trong lĩnh vực này cũng mong muốn cùng với Khu Bảo tồn đầu tư phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái.

“Đây là hướng đi đúng đắn nhằm tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân Bahnar vùng đệm, giảm áp lực đến tài nguyên rừng; tăng kinh phí môi trường rừng để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học; quảng bá hình ảnh Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng đến với du khách trong nước và quốc tế. Thời gian tới, từ khoản tiết kiệm chi từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, chúng tôi tiếp tục đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, hoàn thiện tuyến đường sình lầy để thuận tiện cho du khách vào tham quan thác 50”-ông Ty nhấn mạnh.

*

Giữa không gian rừng núi bao la, thác 50 được xem là một kiệt tác nghệ thuật của tự nhiên. Để mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị như cắm trại qua đêm ở nơi không sóng điện thoại, không wifi, rời xa thiết bị công nghệ và quay trở về với hoang sơ, những người “cõng” khách lên ngàn vô cùng chật vật. Khi thưởng thức âm thanh ì ầm của tiếng thác đổ, lặng ngắm dòng thác tuôn chảy, hãy biết ơn những người lặng lẽ bán sức vì cuộc mưu sinh.

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.