Công bố danh sách 500 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất 2017

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chiều 23-11, tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) và Báo điện tử VietNamNet tổ chức công bố 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất 2017. 
 Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn quản lý, vận hành sản xuất kinh doanh Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn quản lý, vận hành sản xuất kinh doanh Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Sự kiện nhằm vinh danh những doanh nghiệp có kết quả hoạt động kinh doanh ấn tượng, đạt khả năng sinh lời tốt, có tiềm năng trở thành những cột trụ cho sự phát triển tương lai của nền kinh tế Việt Nam. 
Bảng xếp hạng được xây dựng với mong muốn nâng cao uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thu hút nguồn lực, tiếp cận cơ hội kinh doanh mới thông qua việc gia tăng lòng tin của các đối tác, nhà đầu tư, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế đang diễn ra ngày càng sâu rộng. 
Đứng đầu danh sách 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất 2017 có Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas), Công ty cổ phần Ôtô Trường Hải, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan, Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi...
Ngoài ra, Vietnam Report cũng đồng thời ghi nhận thành quả của những doanh nghiệp uy tín trong ngành thực phẩm-đồ uống và ngành bản lẻ, với việc công bố Top 10 công ty uy tín ngành thực phẩm-đồ uống năm 2017 gồm: Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan; Công ty cổ phần AceCook Việt Nam, Công ty Rượu-bia-nước giải khát Hà Nội Habeco, Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam...
Cùng với đó, Vietnam Report công bố Top 10 Nhà bán lẻ uy tín năm 2017 gồm BigC Việt Nam, FPT shop, Lotte Việt Nam, Sasco, Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommere, Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji, Nhất Nam Fivimart, Bibomart... 
Đây là những đại diện công ty hoạt động hiệu quả, có kinh nghiệm trong ngành và là những thương hiệu đã ghi dấu ấn trong lòng người tiêu dùng và có đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của toàn ngành trong giai đoạn 2016-2017. 
Nghiên cứu phản hồi của các doanh nghiệp do Vietnam Report công bố đã cho thấy trong năm 2017, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể. Việt Nam hiện đang đạt mức tăng trưởng khá cao so với kỳ vọng, chỉ số PMI tăng trở lại. Các nghị quyết được Chính phủ tiến hành đã phần nào đạt kết quả tích cực, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hỗ trợ niềm tin cho các hoạt động sản xuất kinh doanh được kỳ vọng sẽ rất khả quan cho đến cuối năm. 
Chiến lược tăng trưởng lợi nhuận của phần đông các doanh nghiệp Profit500 trong thời gian tới là tăng doanh thu, đặc biệt là dựa trên việc tìm kiếm nhóm khách hàng mới và thị trường mới, song hành với việc vận dụng công nghệ thông tin, tự động hóa trong các quy trình hoạt động và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. 
Nghiên cứu cũng tập trung vào các ngành hàng như bán lẻ, thực phẩm-đồ uống và thấy được sự phát triển sôi động của những ngành này trong vài năm trở lại đây. Việt Nam được đánh giá là một trong sáu thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu theo chỉ số GRDI (Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu) do A.T. Kearney công bố, với chỉ số Áp lực thời gian đạt 100% thìsức nóng kêu gọi các nhà đầu tư của thị trường nước ta hiện đang lớn hơn bao giờ hết. 
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản rất quan tâm đến thị trường Việt Nam và có dự định đầu tư cho ngành hàng tiêu dùng, bán lẻ, lương thực, thực phẩm… Tiềm năng càng lớn, cạnh tranh càng tăng, doanh nghiệp Việt giờ đây không chỉ cần đảm bảo kết quả hoạt động kinh doanh mà còn phải nâng cao, củng cố uy tín cũng như vị thế trên thương trường, biến uy tín trở thành tài sản định danh trong lòng người tiêu dùng và nhà đầu tư. 
Cùng với ngành phân phối bán lẻ, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, y tế-dược, xây dựng hạ tầng, logistics sẽ thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư thời gian tới. Môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, chính sách tiền tệ nới lỏng, môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn cùng sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, kết hợp với nỗ lực quản trị doanh nghiệp sẽ thúc đẩy tỷ suất sinh lời trên vốn đầu tư và vốn chủ sở hữu đồng thời tạo dựng tiền đề tăng trưởng trong tương lai.
Thạch Huê (TTXVN/Vietnam+) 

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.