Công an vào cuộc điều tra vụ chặt phá 1.069 cây cà phê tại xã Ia Băng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Công an huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) vào cuộc điều tra, xác minh vụ kẻ gian phá hoại vườn cà phê tại làng O Ngó, xã Ia Băng.

Ngày 16-3, Thiếu tá Lê Anh Tuấn-Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự (Công an huyện Đak Đoa) cho biết: Sáng 13-3, nhận được tin báo vụ việc, Công an huyện đã xuống xác minh và xác định vườn cà phê của người dân bị chặt phá canh tác ngoài rìa của lô cao su. Đây là diện tích đất đang tranh chấp giữa gia đình ông Dương Kim Thạch (thôn Hàm Rồng, xã Ia Băng, Đak Đoa) với người dân làng O Ngó. Trước đây, người dân đã trồng cà phê và cũng bị chặt phá vào năm 2020. Mặc dù cà phê của người dân bị chặt nhiều lần nhưng vẫn chưa phát hiện đối tượng phá hoại.

Anh Vát (làng O Ngó, xã Ia Băng) bên vườn cà phê của gia đình bị chặt phá. Ảnh: Hà Phương
Anh Vát (làng O Ngó, xã Ia Băng) bên vườn cà phê của gia đình bị chặt phá. Ảnh: Hà Phương

Công an huyện đã phối hợp với Viện Kiểm sát khám nghiệm hiện trường và điều tra, xác minh có 8 hộ dân trồng cà phê từ 2-4 năm tuổi. Qua xác định kiểm điểm có tổng cộng 1.069 cây cà phê bị chặt thân, cành. Khu đất này trước là của Công ty Cao su Mang Yang quản lý. Sau đó, công ty này bán cây cao su cho gia đình ông Dương Kim Thạch.

Tuy nhiên, gia đình ông Dương Kim Thạch cho rằng đây là đất của mình và làm đơn gửi các cấp chính quyền xin cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận.

Theo nhiều hộ dân tại làng O Ngó, trước đây diện tích đất trồng cà phê thuộc sở hữu của các hộ dân trong làng. Đến năm 1984, Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang đến làng vận động người dân góp đất còn Công ty bỏ cây giống, phân bón để trồng cao su. Sau đó người dân sẽ được nhận làm công nhân tại Công ty. Tuy nhiên, Công ty Cao su Mang Yang sang sau này nhượng lại diện tích cao su cho ông Dương Kim Thạch, khi ông này chặt cao su đi thì người dân đòi lại đất. Từ đó, việc tranh chấp đất đai giữa người dân và ông Dương Kim Thạch đã xảy ra và kéo dài trong nhiều năm liền.

Có đến 1.069 cây cà phê của người dân tại làng O Ngó bị chặt bị chặt thân, cành. Ảnh: Hà Phương
Có đến 1.069 cây cà phê của người dân tại làng O Ngó bị chặt bị chặt thân, cành. Ảnh: Hà Phương

“Về mức độ thiệt hại thì phía Công an sẽ phối hợp với phòng Nông nghiệp để xác định. Hiện chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc”-Thiếu tá Lê Anh Tuấn thông tin.

Anh Vát (làng O Ngó, xã Ia Băng) là 1 trong 8 hộ dân bị chặt phá gần 300 cây cà phê, cho hay: "Mình trồng cà phê ở đây 6 năm rồi, cách đây 3 năm cũng bị chặt phá vườn cây. Mình yêu cầu chính quyền, cơ quan chức năng vào cuộc phải giải quyết cho bà con để còn canh tác kiếm sống lo cho gia đình".

Tương tự, bà Pych (làng O Ngó) bộc bạch: "Bà con chúng tôi trồng cà phê lâu rồi, mỗi gia đình trồng vài trăm cây. Giờ bị chặt phá như thế này, bà con chúng tôi mong lực lượng Công an sớm điều tra ra kẻ phá hoại để bồi thường cho chúng tôi".

Vườn cà phê của người dân bị chặt phá tan hoang.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Hùng-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Băng-cho biết: Sau khi tiếp nhận thông tin từ người dân, UBND xã chỉ đạo cán bộ công chức, lực lượng Công an xã cùng với thôn trưởng xuống hiện trường xác minh vụ việc. Đồng thời, báo cáo lãnh đạo cấp trên và Công an huyện tiến hành điều tra, làm rõ vụ việc. Tình trạng chặt phá cà phê cũng từng xảy ra cách đây 3 năm, cơ quan chức năng đang củng cố hồ sơ xử lý.

Liên quan vụ việc, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Băng cho biết thêm: “Việc tranh chấp đất đai giữa gia đình ông Dương Kim Thạch và các hộ dân tại làng O Ngó đã diễn ra trong thời gian dài, đến nay vẫn chưa xử lý được. Chúng tôi sẽ cùng với các cơ quan chức năng tìm cách để xử lý dứt điểm, không để kéo dài sẽ ảnh hưởng đến người dân”.

Có thể bạn quan tâm

Xuất hiện trang web giả mạo Trung tâm chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Nam để lừa đảo

Xuất hiện trang web giả mạo Trung tâm chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Nam để lừa đảo

(GLO)- Ngày 20-11, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) thông tin, hiện trên mạng internet xuất hiện trang web giả mạo Trung tâm chăm sóc khách hàng của EVNSPC, có địa chỉ evnspccskh.com. EVNSPC khẳng định trang web evnspccskh.com là giả mạo để lừa đảo.