Còn phá rừng, còn thảm họa thiên tai: Phá hàng chục ha rừng trong vài tháng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cả một hệ thống chính trị của một địa phương để lâm tặc phá hoại hơn 64 ha rừng trong vòng mấy tháng mà không ai biết là không thể chấp nhận được
Những năm gần đây, dù tỉnh Bình Định đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn nạn phá rừng trái phép nhưng vấn nạn này vẫn tiếp tục tái diễn ở nhiều nơi, nhất là các huyện miền núi.
Chủ doanh nghiệp lớn chỉ đạo thuộc cấp phá rừng
Một trong những vụ phá rừng lớn nhất tỉnh Bình Định từng gây xôn xao dư luận địa phương được phát hiện vào giữa năm 2017 tại xã An Hưng, huyện An Lão (sau Chỉ thị đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ 1 năm). Đối tượng phá rừng trong vụ việc này gồm nhiều nhóm người, từ chủ doanh nghiệp đến người dân địa phương.
Kết quả điều tra cho thấy từ tháng 7 đến tháng 9-2017, ông Lê Văn Thiệt (58 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Kinh doanh tổng hợp Thương Thảo, trụ sở TP Quy Nhơn) đã chỉ đạo thuộc cấp Nguyễn Văn Ri (45 tuổi) thuê nhân công phá 37,5 ha rừng sản xuất tại xã An Hưng (trữ lượng rừng bị thiệt hại là 2.868 m3), gây thiệt hại 1,94 tỉ đồng. Ông Thiệt bị tuyên phạt 12 năm tù giam, ông Ri bị tuyên phạt 11 năm tù giam về hành vi này.
Từ tháng 7-2015 đến tháng 8-2017, nhóm Lê Hồng Đức (43 tuổi), Lê Xuân Hậu (34 tuổi), Nguyễn Nguyên Thực (36 tuổi) và Võ Dần (71 tuổi; cùng ngụ xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) đã phá 17,8 ha rừng chức năng phòng hộ (trữ lượng rừng bị thiệt hại là 1.791,7 m3), gây thiệt hại 1,93 tỉ đồng. Kết quả, ông Hậu bị phạt 10 năm tù, Lê Hồng Đức 9 năm tù, Võ Dần và Nguyễn Nguyên Thực đều lãnh 8 năm tù.

Một cánh rừng tự nhiên ở tỉnh Bình Định bị chặt phá hoang tàn
Một cánh rừng tự nhiên ở tỉnh Bình Định bị chặt phá hoang tàn

 
Hiện trường những vụ phá rừng tại Bình Định vào tháng 7- 2020
Hiện trường những vụ phá rừng tại Bình Định vào tháng 7- 2020
Từ tháng 8-2016 đến tháng 8-2017, nhóm Văn Ngọc Triển (49 tuổi) và Nguyễn Cứ (54 tuổi, cùng ngụ xã Hoài Sơn) đã phá gần 7 ha rừng (trong đó có 6,21 ha rừng phòng hộ và 0,78 ha rừng sản xuất, trữ lượng rừng bị thiệt hại 676 m3), gây thiệt hại hơn 714 triệu đồng. Hai người này sau đó lãnh 8 năm tù.
Ngoài ra, từ tháng 3 đến tháng 8-2017, ông Phan Dễ (58 tuổi, ngụ xã Hoài Sơn) đã phá hơn 1,85 ha rừng (trữ lượng rừng bị thiệt hại là 186 m3), gây thiệt hại hơn 200 triệu đồng. Ông Dễ bị tuyên phạt 7 năm tù.
Tổng diện tích rừng bị phá trong vụ việc trên là 64,18 ha. Trong đó, 25,87 ha rừng có chức năng phòng hộ và 38,31 ha rừng có chức năng sản xuất; trữ lượng rừng bị thiệt hại 5.522,20 m³ gỗ, tổng giá trị rừng bị thiệt hại là hơn 4,7 tỉ đồng. Liên quan đến vụ phá rừng này, cuối năm 2017, UBND tỉnh Bình Định đã kỷ luật hàng loạt lãnh đạo UBND huyện An Lão và 10 cán bộ kiểm lâm, kiểm lâm viên, cán bộ xã ở huyện này.
Nói về vụ phá rừng trên, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết thời điểm vụ phá rừng diễn ra, lãnh đạo tỉnh đến làm việc thì lãnh đạo UBND huyện An Lão "khoe" rằng địa phương giữ rừng quá tốt. "Cả hệ thống chính trị của một địa phương để lâm tặc phá hoại hơn 64 ha rừng trong vòng mấy tháng mà không ai biết là không thể chấp nhận được" - ông Dũng bức xúc.
Bỏ tù lâm tặc, rừng cứ tiếp tục bị phá
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, 9 tháng đầu năm nay, Bình Định đã xảy ra 13 vụ phá rừng trái pháp luật, với diện tích 3,36 ha. Ngành kiểm lâm đã xử lý 8/13 vụ phá rừng, các vụ còn lại đang điều tra.
Điển hình vụ phá rừng diễn ra vào cuối tháng 7-2020, tại xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn. Tổng số gốc cây gỗ bị cắt hạ tại hiện trường là 18 gốc, trong đó có 3 gốc mới cắt và 15 gốc vết cắt đã cũ. Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đánh giá vụ phá rừng này là rất nghiêm trọng, xảy ra trong một thời gian dài, diện tích lớn, số lượng cây nhiều nhưng các cơ quan chức năng không hay biết. Điều này chứng tỏ sự lơ là, chủ quan trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. UBND tỉnh đã giao Công an tỉnh và các ngành chức năng phối hợp đo đạc lại diện tích rừng bị phá. Đồng thời, tập trung điều tra, truy tìm các đối tượng có liên quan đến vụ phá rừng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Tại huyện An Lão, thực trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp cũng diễn biến phức tạp. Hạt Kiểm lâm huyện An Lão cho biết từ đầu năm đến nay, cơ quan này đã phối hợp với ngành chức năng huyện, xã tổ chức 109 đợt tuần tra bảo vệ rừng, kiểm soát lâm sản và phát hiện 40 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp; trong đó có 3 vụ vận chuyển lâm sản trái pháp luật, 1 vụ phá rừng với diện tích 0,04 ha. Ngành chức năng đã xử lý 34/40 vụ. Theo ông Tạ Anh Tuấn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão, các đối tượng lâm tặc rất manh động, sẵn sàng chống lại lực lượng kiểm lâm.
Tại huyện Hoài Ân, qua công tác tuần tra bảo vệ rừng, ngành chức năng huyện và chính quyền các xã đã phát hiện 28 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tăng 11 vụ so với cùng kỳ năm trước; xử phạt và thu nộp ngân sách gần 190 triệu đồng.
Được biết, để công tác bảo vệ rừng có hiệu quả, UBND tỉnh Bình Định đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng. Đặc biệt, nếu địa phương nào để xảy ra cháy rừng, phá rừng trái pháp luật thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp ở địa phương này thực tế vẫn đang diễn ra phức tạp. 
Những "điểm nóng" phá rừng ở Quảng Ngãi
Tại Quảng Ngãi, hiện toàn tỉnh có trên 96.000ha rừng tự nhiên. Trong đó, rừng phòng hộ trên 74.000 ha, rừng sản xuất khoảng 21.000 ha, còn lại là rừng ngoài quy hoạch. Tuy nhiên, mỗi năm diện tích này mất đi hàng trăm hecta do tình trạng phá rừng tràn lan.
Những "điểm nóng" phá rừng trong thời gian qua tại Quảng Ngãi có thể kể: Ba Tơ, Sơn Hà, Trà Bồng... với hàng chục vụ phá rừng mỗi năm bị lực lượng chức năng phát hiện. Riêng tại huyện Ba Tơ, trong 2 năm 2018, 2019 đã có đến hàng chục vụ phá rừng được phát hiện, trong đó năm 2018 có gần 70 vụ, khiến nhiều hecta rừng bị thiệt hại nghiêm trọng. Vụ phá rừng mới đây nhất được phát hiện là giữa tháng 8-2020 ngay trong diện tích rừng phòng hộ ở thôn Gò Lăng (xã Ba Xa, huyện Ba Tơ), thuộc tiểu khu 411 và 419, tàn phá nhiều cây rừng tự nhiên. Ông Ngô Vĩnh Phong, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ba Tơ, thừa nhận tình trạng khai thác gỗ trái phép vẫn còn diễn ra ở một số nơi, đặc biệt là xã Ba Xa.
Trong báo cáo về công tác kiểm tra, rà soát diện tích rừng tự nhiên gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tháng 7-2020, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết tổng diện tích rừng tự nhiên năm 2019 so với năm 2018 ở Quảng Ngãi giảm 1.507 ha. Trong đó, diện tích rừng phòng hộ giảm 807 ha. Nguyên nhân do tình trạng phá rừng trái pháp luật, lấn chiếm đất rừng diễn ra ở nhiều nơi.
T.Trực
(Còn tiếp)
Bài và ảnh: Anh Tú (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.