Con muốn sống: Xót xa người cha nghèo bán lúa non để cứu con

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vào các khoa điều trị ung thư cho bệnh nhi hàng chục lần, chúng tôi thấy người ta có thể ngưng ngủ, ngưng ăn; chấp nhận bán nhà, nợ nần. Nhưng chưa thấy cha mẹ nào ngừng hy vọng...

Ngoài công viên Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) là tiếng trẻ con cười đùa, hô khẩu hiệu, phân chia đúng sai, rồi đồng thanh cất lên tiếng nói râm ran lảnh mảnh. Càng đi sâu vào những tòa nhà điều trị ung thư, chúng tôi cảm thấy sự nặng nề và hơi thở bệnh tật treo lơ lửng trên không.

Bệnh nhi ung thư lấp đầy các phòng bệnh và nằm ra cả hành lang. Có cậu bé gào thét thất thanh: “Mẹ ơi con đau lắm", khi cha mẹ cố gắng xoa dịu: “Cố lên chút nữa thôi con". Có đứa trẻ nhõng nhẽo, dỗi hờn nhất định không chịu đi ngủ vì những cơn đau của bệnh ung thư giằng xé.

Tại khoa Ung bướu Huyết học, chúng tôi gặp vợ chồng anh Nguyễn Hoài Thương (39 tuổi, quê H.Bù Đăng, Bình Phước). Anh Thương với dáng vẻ gầy guộc, gương mặt u buồn và cặp mắt đỏ hoe đang xoa bóp chân cho con trai là Nguyễn Minh Trường (13 tuổi, bị ung thư máu). Trường nằm co quắp trên giường bệnh, mắt dõi theo và thở khò khè bằng đôi môi khô nứt nẻ trắng bạch.

“Lúc đó tôi như người điên…”

“15 giờ 10 phút ngày 6.6, con trai đi xe cấp cứu chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2 để điều trị. Hôm đó cháu Trường nghỉ đi lễ tổng kết năm học ở trường. Từ nhỏ đến lớn cháu khỏe mạnh, ăn uống dễ lắm...”, anh Thương nhớ như in ngày cùng con trai lên TP.HCM chữa bệnh ung thư.

Chị Mênh thất thần khi nghĩ về con bị ung thư máu

Chị Mênh thất thần khi nghĩ về con bị ung thư máu

10 ngày trước đó, chị thấy 2 cẳng chân của con nổi đốm đỏ và bắt đầu sưng tấy, nhưng gia đình tưởng con bị muỗi cắn nên không mang đi thăm khám. Vài ngày sau, Trường ho dữ dội, cẳng chân thâm tím nên chị mang con lên bệnh viện tuyến huyện để kiểm tra. Ở đây bác sĩ nói không chữa được rồi chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước.

Sau khi xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán Trường bị viêm hồng cầu máu và viêm đường hô hấp rồi cấp thuốc cho uống. Những cơn đau không có dấu hiệu thuyên giảm nên Trường được chuyển gấp lên Bệnh viện Nhi đồng 2 điều trị. Lúc này, anh Thương không biết là nơi đây về sau sẽ trở nên thân thuộc như ngôi nhà thứ hai của gia đình anh.

Ngày có kết quả xét nghiệm, anh Thương được bác sĩ gọi vào phòng riêng. Trường đợi ở bên ngoài. Tim anh đập thình thịch. Sự hồi hộp, lo lắng và bất an khiến mọi thứ hơi bị nhòe nơi khóe mắt anh.

Mắt anh Thương đỏ hoe, anh kể lại rất khẽ và chậm rãi nhưng rõ ràng là anh đang run: “Bác sĩ nói tình trạng của Trường bị ung thư máu. Bây giờ cháu cần vào hóa chất chống ung thư, tỷ lệ sống khoảng 50 - 60%. Chi phí chọc tủy đồ và xét nghiệm gen hơn 16 triệu đồng".

Anh Thương quyết sẽ cùng con điều trị ung thư đến cùng

Anh Thương quyết sẽ cùng con điều trị ung thư đến cùng

Nghe bác sĩ nói “ung thư" anh Thương điếng người, đầu óc tê dại, còn sau đó anh không còn suy nghĩ được gì nữa... Tin về bạo bệnh như một cú đánh chí tử vào anh Thương, khiến anh cảm thấy tan nát và bất lực.

Anh Thương cố gắng ngăn cho nước mắt không trào ra rồi nói: “Cái ngày nghe con bị ung thư máu, tôi giống như một người điên. Bác sĩ kêu tới đâu thì đi tới đó chứ không còn biết gì nữa. Tôi cứ nghĩ đó như một cơn ác mộng rồi thôi. Nhưng khi tỉnh dậy thì nó vẫn vậy, không thể nào trốn được”.

Chúng tôi được sự đồng ý của chị Điểu Thị Mênh (mẹ của cháu Nguyễn Minh Trường) trong việc sử dụng hình ảnh cho bài viết, như là một sự chia sẻ và cổ vũ tinh thần cho gia đình anh vượt qua những tháng ngày gian nan chống chọi bệnh tật nan y.

Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi mong bạn đọc có lòng chia sẻ với nhân vật trong cơn ngặt nghèo, có thể liên hệ chị Mênh qua số điện thoại 0362448095.

Mọi sự giúp đỡ, xin bạn đọc gửi về Báo Thanh Niên theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 10006868 - Ngân hàng Eximbank - chi nhánh Sài Gòn hoặc số tài khoản 6868866868 tại Ngân hàng Vietcombank - chi nhánh Tân Định. Nội dung ghi: Giúp đỡ cháu Nguyễn Minh Trường; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến gia đình cháu Trường trong thời gian sớm nhất.

Bán lúa non để “chạy tiền" chữa bệnh cho con

Vì không kham nổi chi phí 16 triệu đồng cho con nên chị Điểu Thị Mênh (39 tuổi, mẹ của Trường) bắt xe về quê xoay sở tiền. Chị được người thân giúp đỡ chừng 10 triệu đồng. Vì gia đình khó khăn nên 2 vợ chồng bấm bụng bán 4 sào lúa non giá 12 triệu đồng. Nhưng người mua chỉ trả trước 3 triệu đồng, rồi đợi lúc nào thu hoạch lúa mới trả khoản còn lại.

“Còn hơn 1 tháng nữa lúa chín nhưng giờ không có tiền phải chịu bán lỗ lúa non chứ biết làm sao giờ. Chặng đường còn dài, tôi không biết kiếm đâu ra tiền điều trị ung thư cho con nữa”, anh Thương nói với chúng tôi, giọng anh toát ra sự bất lực.

Anh Thương kể, anh mồ côi cha từ nhỏ rồi anh theo mẹ lên Đắk Nông kiếm sống. Sau khi anh về Bình Phước làm việc thì gặp chị Mênh. Cưới nhau đã lâu nhưng tài sản duy nhất của vợ chồng là mảnh đất nhỏ được bà ngoại để lại. Cái nghèo khổ đeo bám gia đình anh nhiều năm khi vợ chồng không cất nổi một mái nhà, nên được nhà nước xây cho một ngôi nhà tình thương để ở.

Ung thư khiến gia đình chị Mênh lâm vào cảnh kiệt quệ

Ung thư khiến gia đình chị Mênh lâm vào cảnh kiệt quệ

Ở quê, anh Thương thuê ruộng để trồng lúa, mỗi năm trả chủ 2 triệu đồng. Để đủ tiền nuôi 3 đứa con ăn học, mỗi ngày anh đi bắt cá ở sông hoặc ai thuê gì làm đó, trung bình kiếm được 200.000 - 300.000 đồng/ngày, có ngày không kiếm được đồng nào. Còn vợ anh làm nghề cạo hạt điều thuê giá 9.000 đồng/kg. Trung bình chị kiếm được 40.000 - 50.000 đồng/ngày.

Trường là đứa con lớn, sau Trường còn có 2 người em (đứa học lớp 6 và em trai út học lớp 2). Có lần vì thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, Trường xin mẹ nghỉ học. “Con nói thấy ba mẹ vất vả nên con thương, con xin tôi nghỉ học để đi cắt cỏ thuê mà tôi đau lòng", anh Thương cười mơ hồ, miệng đắng ngắt.

Ở TP.HCM cùng con điều trị ung thư, gia đình anh Thương chủ yếu ăn cơm từ thiện. Những lúc không xin được cơm, vợ chồng anh tằn tiện ăn mì gói qua bữa. Vì không có tiền thuê trọ nên gia đình anh "thường trú" ở bệnh viện. Chị Mênh ngủ dưới gầm giường, còn anh Thương trải manh chiếu nhỏ ngủ dưới cầu thang bệnh viện.

Có ngày vợ chồng anh Thương không còn đồng bạc lận lưng, anh lại về quê, cật lực bắt cá và bán được chừng 500.000 đồng. Nhưng ngày hôm sau phải lật đật lên TP.HCM để làm các thủ tục điều trị ung thư cho con. Kể ra mới biết, vợ anh là người dân tộc S'tiêng, không sõi tiếng Kinh nên mọi việc đều do người chồng gánh vác.

“Còn con là còn tất cả, mất con rồi cũng như không...”

Điều gì khiến anh vượt qua được giây phút muốn bỏ cuộc, chúng tôi hỏi? Anh Thương chua chát cho hay, lúc đầu anh cảm thấy mình như ở đường cùng, không có lối thoát. Dần dà anh bắt đầu quen với những nỗi đau buồn, với bệnh viện và anh cảm nhận mình dần vững chãi hơn.

"Tôi là người gánh vác gia đình thì bây giờ phải ráng ráng làm. Dù có đau lòng, khó khăn như thế nào đi nữa cũng phải kiên cường mà sống để lo cho con. Còn con là còn tất cả, mất con rồi cũng như không", anh Thương rơm rớm nước mắt.

Mỗi lần chứng kiến cảnh con vật lộn với hóa chất chống ung thư, những trận nôn ói và những cơn ho nặng nề làm rung cả lồng ngực con. Điều đó khiến anh Thương bủn rủn và không thể chịu đựng nổi.

Sợ con buồn, vợ chồng anh Thương không nói sự thật về bệnh tình cho con nghe. Anh thường lấy giọng cứng cỏi và bình thản động viên con, mà cũng như để trấn an bản thân: “Con không sao đâu, chỉ bệnh vậy thôi, gắng ăn uống là khỏe ngay, khi nào hết bệnh gia đình mình lên nội chơi". Anh nói tiếp với tiếng thở dài não ruột: “Thực ra mình khuyến khích, động viên con vậy cho nó mạnh mẽ, nhưng thực ra trong lòng mình đau đớn, tan nát".

Có lẽ với ai đó, câu chuyện của anh Thương như một thước phim, xem xong rồi chúng ta có thể trở lại với cuộc sống bình thường. Nhưng đối với anh Thương, nó là thực tại không thể thay đổi được. Nó bám dính như làn da thớ thịt, nó len lỏi vào mọi ngóc ngách, tâm trí của anh và đi theo anh cả đời.

Những đám mây giông đang kéo tới chân trời. Hành lang bệnh viện càng trở nên tối tăm và mờ mịt. Chứng kiến những bệnh nhi nghèo và người nhà ngày đêm đấu tranh với sự khốn cùng để giành giật sự sống cho con cái của mình, chúng tôi mới thấy cuộc sống vô giá biết bao...

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.