Cờ Tổ quốc trên ngôi nhà cực Tây biên ải

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đến cực Tây A Pa Chải nhiều lần nhưng chuyến đi này chúng tôi mới gặp được chủ nhân ngôi nhà có lá cờ Tổ quốc thiêng liêng tung bay ngay cạnh đường lên đỉnh Khoang La San, mốc số 0 của biên giới Việt - Lào - Trung.

Lỳ Na Na và cờ Tổ quố c luôn được treo trang trọng trước cổng nhà bên đường biên giới cực Tây - Ảnh: MAI THƯƠNG
Lỳ Na Na và cờ Tổ quố c luôn được treo trang trọng trước cổng nhà bên đường biên giới cực Tây - Ảnh: MAI THƯƠNG
Ngôi nhà như cột mốc chủ quyền Tổ quốc này ẩn chứa cả câu chuyện kiên cường đời dân biên ải. Chủ nhân là anh Lỳ Na Na, một người Hà Nhì ở bản Tá Miếu, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, Điện Biên.
Căn nhà cũng là cột mốc
Tổ quốc có bốn điểm cực Đông - Tây - Nam - Bắc. Những người thích chinh phục có thể đã đặt chân lên các tọa độ đó, nhưng không phải ai cũng gặp được chủ nhân của ngôi nhà ở gần điểm cực nhất.
Mười năm trước, khi leo mốc 0 tầm hơn 5h sáng, chúng tôi băng ngang qua ngôi nhà của "vua bò cực Tây" Trang Váng Sinh.
Đại úy Ngô Văn Nghi - cán bộ đồn biên phòng A Pa Chải - dẫn đường cho chúng tôi ngày ấy bảo: "Đây là ngôi nhà gần cột mốc số 0 nhất. Chiều leo mốc về sớm, chúng ta ghé thăm vợ chồng bác". Nhưng hôm đó leo lên tới mốc 0, chúng tôi trở về đồn phải hơn 7h tối. Phải hôm sau mới ghé thăm được bác Sinh.
Mấy lần trở lại sau này có thêm ngôi nhà mới mọc lên gần mốc cực Tây hơn nữa, nhưng chúng tôi rất khó gặp chủ nhân - Lỳ Na Na, khi đó là bí thư chi bộ bản Tá Miếu. Lần này may mắn hơn, từ xa chúng tôi đã thấy người đàn ông đang lúi húi buộc lá cờ đỏ sao vàng cho ngay ngắn ngay trước cổng nhà.
"Cán bộ đi leo mốc "không" trên Khoang La San à? Ghé nhà uống nước hẵng đi!", người đàn ông vừa gút nút thắt cán cờ thật chắc chắn vào trụ cổng vừa cất lời mời. "Hôm nay đến thăm nhà Lỳ Na Na đây!".
"Ồ, quý hóa quá, nay cũng là ngày tết Hà Nhì đấy, mà sao biết tên mình?". "Biết tên lâu rồi mà, nhớ gặp trưởng bản Lỳ Na Na ở đồn 317 rồi".
Vừa đẩy nhẹ cánh cửa cho chúng tôi vào nhà, chú mèo xám khá to vụt lao tới quấn chân Lỳ Na Na. Anh quay lại khách cười sảng khoái: "Cứ ngồi uống nước nhé, mình phải vào bếp lo đồ ăn cho con mèo đã. Nó là vệ sĩ của mình đấy".
Chúng tôi nhìn qua ô cửa, con đường lên mốc 0 ẩn hiện trong màn mây trắng đục. Mười mấy năm trước, chúng tôi đã leo lên đỉnh chinh phục cực Tây Tổ quốc, vừa đi vừa về hết đúng 14 giờ. Nay để lên mốc mất chỉ hơn một giờ leo nếu được ôtô chở lên tới khu nhà chờ.
Ngày ấy, chỗ khu vườn nhà Lỳ Na Na đang rậm rịt cỏ tranh. Không hiểu vì sao những điểm cực Tổ quốc luôn có sức hấp dẫn lạ lùng. Cứ nhìn đoàn người nườm nượp kéo lên cực Bắc - Lũng Cú, cực Nam - mũi Cà Mau, cực Đông trên đất liền tại mũi Điện (mũi Đại Lãnh, Phú Yên) đều là những điểm đến xa xôi nhưng không khó chinh phục như cực Tây.
Tổ quốc có thể mênh mông, khó ai đi hết. Nhưng Tổ quốc cũng có thể khái quát trong dáng hình bốn điểm cực Đông - Tây - Nam - Bắc.
Quay ra với ấm nước lá rừng bốc mùi khói thơm dịu, Lỳ Na Na bảo: "Cái nhà mình có gì mà nhà báo viết". Có lẽ với anh và những người dân biên viễn, mảnh đất họ sống, việc họ lên nương mỗi ngày là điều bình thường. Nhưng nếu hiểu rằng họ là những cột mốc sống của chủ quyền Tổ quốc nơi biên ải thì điều đó lại vô cùng thiêng liêng.
Cũng như hình ảnh lá cờ Tổ quốc thường thấy ở phố thị, nhưng sẽ xúc động biết bao nếu ai đã từng lênh đênh giữa trùng dương và nhìn cờ đỏ sao vàng tung bay trên một hòn đảo, một nhà giàn, hay trên chiếc thuyền đánh cá của ngư dân.
Cái chấm đỏ tha thiết ấy luôn mang lại những xúc cảm khó diễn tả hết. Như lá cờ đỏ sao vàng trước ngõ nhà mà Lỳ Na Na vừa nắn nót treo lên cho thẳng thớm khi gió núi tràn về từ đỉnh Khoang La San.

Đường lên mốc 0 trên đỉnh Khoang La San - Ảnh: NGỌC QUANG
Đường lên mốc 0 trên đỉnh Khoang La San - Ảnh: NGỌC QUANG
Cha và con và khát vọng...
Chính sách để dân ra sinh sống gần mốc giới đường biên đã tạo nên một "thế trận" bảo vệ vững chắc chủ quyền. Năm kia đi công tác ở bản Hùng Pèng (xã Ma Li Pho, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu), chúng tôi đã chứng kiến ngay chính vuông sân hộ nhà ông Lý A Nhị là cột mốc 67 (2) biên giới Việt - Trung.
Cảm giác mỗi sáng mai mở cửa, nhìn thấy cột mốc chủ quyền Tổ quốc ngay vuông sân nhà mình luôn dậy lên cảm xúc đặc biệt. Ngôi nhà Lỳ Na Na chắc chắn sẽ được nhớ đến bởi nó là ngôi nhà ở gần nhất cột mốc cực Tây Việt Nam, như người ta nhớ đến ngôi nhà cuối cùng ở xóm Mũi cực Nam.
Có tiếng chuông điện thoại, Lỳ Na Na nghe xong mắt sáng lên: "Thằng con trai mình về ăn tết Hà Nhì". Hóa ra chàng trai Lỳ Xuân Hà, con trai Na, cũng là nhân vật đặc biệt của mảnh đất cực Tây này.
Hôm đó, khi chúng tôi gặp, Hà mới 19 tuổi nhưng đã là sinh viên năm 3 khoa công nghệ thông tin Trường đại học Công nghệ Việt Trì.
Hỏi Lỳ Na Na sao Hà mới 19 tuổi mà đã học năm thứ 3, anh kể: Hồi mới lập trường ở bản Tá Miếu, cứ đứa nào chưa đi học thì cho học chung lớp ghép. Lớp 1 học chung với lớp 2, lớp 3. Cả mấy đứa con của Na học chung một lớp.
Hà là con út, sinh năm 2001 nhưng lại học giỏi nhất, chị gái Hà sinh năm 1999 nhưng học kém hơn. Thế rồi khi tách lớp ghép, phân lớp theo trình độ thì Hà được học lớp 3, trong khi chị ruột Hà chỉ học lớp 1. Mấy năm sau thực hiện làm khai sinh cho trẻ em ở Sín Thầu, căn cứ theo lớp mà tính tuổi, thành ra khai sinh Hà ghi sinh năm 1999.
Sinh 2001, học chung với anh chị hơn tuổi nhưng cậu bé Hà Nhì nơi cực Tây Tổ quốc ấy là học sinh giỏi vật lý cấp huyện, cấp tỉnh rồi thành chàng sinh viên công nghệ thông tin đầu tiên ở bản nhỏ biên ải này. Hà mơ ước học xong sẽ trở về dạy công nghệ thông tin cho bọn trẻ quê hương mình.
Những ngày ở miền đất cực Tây Tổ quốc, lắng nghe câu chuyện cha con Lỳ Na Na, người dân bám biên, góp sức bảo vệ chủ quyền biên giới đến chuyện người con trai thông minh và khát vọng, chúng tôi cũng hình dung được phần nào gương mặt tương lai của miền đất biên ải...
Cái chấm đỏ tha thiết ấy luôn mang lại những xúc cảm khó diễn tả hết. Như lá cờ đỏ sao vàng trước ngõ nhà mà Lỳ Na Na vừa nắn nót treo lên cho thẳng thớm khi gió núi tràn về từ đỉnh Khoang La San.
Càng nhiều nhà dân, biên giới càng vững chắc

Chàng trai sinh viên Lỳ Xuân Hà chỉ cho bố mình cách sử dụng máy tính - Ảnh: MAI THƯƠNG
Chàng trai sinh viên Lỳ Xuân Hà chỉ cho bố mình cách sử dụng máy tính - Ảnh: MAI THƯƠNG
"Mình ra làm nhà ở đây lâu rồi. Mình làm trưởng bản từ năm 2007 đến 2017, tròn 10 năm. Đúng là trước đây nhà bác Trang Váng Sinh gần mốc 0 hơn. Nhưng với nương rẫy nhà mình phía này nhiều, còn chăn thả trâu bò nữa nên mình ra đây.
Ban đầu chỉ dựng cái lán nhỏ thôi. Nhưng rồi anh em biên phòng đi tuần tra cũng ghé thăm, các bạn leo mốc lỡ đường xin ấm nước, nên mình làm cái lán thành cái nhà như thế này. Giờ thì nó gần mốc 0 nhất, gần cực Tây nhất, không biết mai mốt có ai dựng nhà mới ở gần hơn không.
Càng nhiều nhà dân ở gần mốc thì chủ quyền biên giới càng vững chắc" - Lỳ Na Na tâm sự
LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH (TTO)

Có thể bạn quan tâm

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...