Cổ phiếu PNJ mất 3.100 tỉ từ ngày giá vàng lao dốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giá vàng thế giới lao dốc về ngưỡng 1.251 USD/ounce tương quan với diễn biến suy giảm của giá cổ phiếu PNJ trên sàn HoSE, khi trong phiên hôm 28-6, mã này đột ngột giảm sàn lần đầu tiên trong tháng 6.
Các nhà đầu tư trao đổi về diễn biến thị trường tại sàn SJC ở quận 1
Các nhà đầu tư trao đổi về diễn biến thị trường tại sàn SJC ở quận 1
Sau khi Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (FED) chính thức công bố việc tăng lãi suất lần thứ hai trong năm 2018 vào ngày 14-6, đồng USD bắt đầu tăng vọt về đỉnh 23.000 đồng/USD trong khi giá vàng lại lao dốc không phanh khỏi ngưỡng 1.304 USD/ounce.
Tính từ phiên lập đỉnh hôm 14-6, giá vàng thế giới đã rớt liên tục, mất tổng cộng hơn 50 USD/ounce trong khoảng nửa tháng, chỉ còn gần 1.251 USD/ounce tại phiên giao dịch ngày hôm nay.
Diễn biến của giá vàng thế giới khiến cho cổ phiếu ngành vàng trong nước cũng bị "vạ lây" khi mã PNJ của Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận suy giảm tính từ thời điểm trên.
Sau phiên đứng giá ngày 15-6, cổ phiếu PNJ trải qua hai đợt rớt giá mạnh trong hai ngày đen tối 18-6 và 19-6 của thị trường. 
Kế đó, cổ phiếu này có hai phiên tăng nhẹ để rồi kéo theo một chuỗi rớt giá 4 phiên liên tiếp ứng với việc giá vàng giảm mạnh và chưa có dấu hiệu hồi phục.
Riêng phiên hôm nay, mã PNJ chính thức giảm sàn 6.700 đồng, còn 90.300 đồng/cổ phiếu.
Cộng tất cả các đợt suy giảm của mã PNJ kể từ ngày 14-6 thì công ty này bị "bốc hơi" trên 3.100 tỉ đồng vốn hóa thị trường, tính trên số lượng cổ phiếu đang niêm yết.
Trở lại diễn biến của thị trường, chỉ số VN Index chốt phiên đánh mất 11,56 điểm, còn 957,35 điểm.
Nhóm VN30 chỉ có sắc xanh le lói của bốn mã là SBT, ROS, NVL và VIC. 
Mã BMP của Công ty CP nhựa Bình Minh vốn là điểm sáng của hai phiên suy giảm liền trước nhưng cũng "khuất phục" đà giảm của thị trường trong phiên hôm nay.
Mặc dù nhận được khối lượng mua ròng cao nhất của khối ngoại kể từ một tháng qua là trên 580.000 cổ phiếu, song  BMP về cuối phiên vẫn giảm nhẹ 100 đồng, còn 59.500 đồng/cổ phiếu.
Mã NVL của Novaland tăng nhẹ 100 đồng vào phút chót, lên 50.700 đồng/cổ phiếu, tương tự mã VIC của Tập đoàn Vingroup tăng mạnh 4.000 đồng, lên 107.500 đồng/cổ phiếu cũng không đủ sức để cứu thị trường khi ngành bất động sản dẫn đầu xu hướng lao dốc với mức độ suy giảm 11,62%.
Một mã VN30 khác là CTD của  Công ty CP Xây dựng Coteccons giảm mạnh 5.000 đồng, còn 151.000 đồng/cổ phiếu. 
Mã DXG của Tập đoàn Đất Xanh giảm 1.500 đồng, còn 26.800 đồng/cổ phiếu bên cạnh mã KDH của Khang Điền cũng giảm 200 đồng, còn 31.000 đồng/cổ phiếu.
Phiên giao dịch hôm nay chứng kiến thanh khoản toàn thị trường có cải thiện về mức trên 5.000 tỉ đồng song vẫn là khá thấp. Khối ngoại mua ròng nhỏ giọt trên 40 tỉ ở cả ba sàn.
Trấn Kiên (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.