Có nên giao quyền cho địa phương sáp nhập sở ngành?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, hướng sắp xếp các sở ngành, phòng ban là phân cấp mạnh cho địa phương.

Ngày 25/10/2017, Hội nghị Trung ương 6 ban hành Nghị quyết 18 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Sau đó, ngày 7/8/2018, Bộ Chính trị có Kết luận 34 về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết 18 Trung ương 6.

Thực hiện Kết luận trên, nhiều địa phương đã sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Cụ thể, vào tháng 6/2018, Lào Cai là tỉnh tiên phong công bố sáp nhập Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng.


 

Lào Cai hợp nhất Sở GTVT và Sở Xây dựng (Ảnh: KT)
Lào Cai hợp nhất Sở GTVT và Sở Xây dựng (Ảnh: KT)



Sau đó, Hà Giang cũng tiến hành hợp nhất một số cơ quan thuộc chính quyền với cơ quan Đảng, sáp nhập Ban Tổ chức Tỉnh ủy với Sở Nội vụ, cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ với Thanh tra tỉnh, Đảng bộ khối doanh nghiệp tỉnh với Đảng bộ khối cơ quan tỉnh... Tuy nhiên, việc sắp xếp, sáp nhập này chưa có sự thống nhất, mỗi nơi mỗi kiểu.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, tháng 12/2018, Bộ Nội vụ có công văn đề nghị các địa phương tạm dừng việc sáp nhập trong khi chờ Chính phủ ban hành Nghị định mới. Nghị định này là cơ sở để phân cấp cho chính quyền địa phương quyết định sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Sớm ban hành Nghị định về sáp nhập sở ngành

Lý giải về việc cho đến nay Nghị định chưa được ban hành, bà Đào Thị Hồng Minh - Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức biên chế (Bộ Nội vụ) cho rằng, việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện là vấn đề nhạy cảm, còn nhiều ý kiến thảo luận, nội dung dự thảo phải sửa đi, sửa lại nhiều lần nên chậm ban hành Nghị định.

Dự thảo Nghị định đưa ra hướng các Sở được tổ chức thống nhất (cứng) gồm có 9 Sở (dự thảo ban đầu chỉ giữ cứng 4 Sở: Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Lao động-Thương Binh và Xã hội, Y tế).

Với các Sở như: Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng… thì riêng đối với 5 tỉnh thành trực thuộc Trung ương, những tỉnh có thể tự cân đối ngân sách, những tỉnh có diện tích trên 10.000km2 và có dân số trên 2 triệu người thì địa phương có thể quyết định việc nhập hay không.

Còn đối với 4 sở có thể hợp nhất gồm: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông thì giao cho địa phương tùy đặc thù để sắp xếp hợp lý.


 

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa phát biểu tại cuộc họp báo chiều 9/5.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa phát biểu tại cuộc họp báo chiều 9/5.



Tại cuộc họp báo định kỳ tổ chức ngày 9/5, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa khẳng định, không phải Chính phủ không ban hành Nghị định mới thay Nghị định cũ, dẫn đến khoảng trống pháp lý. Hiện nay Nghị định 24 và 37 vẫn đang có hiệu lực và guồng máy vẫn đang hoạt động. Tuy nhiên, để đảm bảo mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết 18 Trung ương 6 về đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì phải sửa Nghị định.

Mục tiêu thay thế 2 nghị định trên là muốn 1 việc chỉ 1 người phụ trách. Trước đây nhiều việc trùng lắp giữa Sở ngành này với Sở ngành kia. Do vậy hướng sửa làm sao 1 người có thể làm nhiều việc chứ 1 việc không thể giao cho nhiều người.

“Làm sao bộ máy gọn nhẹ, tinh giản, có hiệu lực hiệu quả, tăng phân cấp, phân quyền, chức năng, nhiệm vụ để bộ máy từ địa phương đến Chính phủ tốt hơn”- Thứ trưởng cho biết.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa nhấn mạnh, mục tiêu không phải sáp nhập đầu mối cơ học Sở nọ với Sở kia, mà làm sao tránh sự chồng chéo. Thực tế hiện nay có nhiều nhiệm vụ 2, 3 nơi quản lý như vệ sinh an toàn thực phẩm dẫn đến không phân định rõ trách nhiệm. Hay một số vấn đề về tài nguyên nhiều việc còn đan xen nhau...

“Chính phủ chỉ đạo cố gắng tạo ra cải cách mạnh, 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của cải cách hành chính là cải cách về tổ chức bộ máy. Cải cách tổ chức bộ máy thì Nghị định của Chính phủ sắp ban hành quyết định rất nhiều. Chính phủ đang tập trung làm và trong thời gian tới sẽ sớm ban hành Nghị định để các địa phương thực hiện. Hướng sắp xếp các sở ngành, phòng ban là phân cấp mạnh cho địa phương” – Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa nói và cho biết Nghị định sẽ đưa ra một số vấn đề mang tính nguyên tắc, quy định khung, còn các địa phương sẽ tự tính toán cho hợp lý.

Theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, vì mỗi tỉnh có một thế mạnh, điều kiện khác nhau, lãnh đạo tỉnh sẽ nghiên cứu để sắp xếp bộ máy làm sao hiệu lực, hiệu quả, tinh gọn hơn. Các địa phương phải bám sát phương châm “rõ việc, giảm cồng kềnh, hiệu lực và biên chế không tăng lên”.

Nên có sự thống nhất trong hệ thống

Bàn về nội dung này, ông Phạm Văn Hòa – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, Nghị định sau khi ban hành phải thực hiện được theo đúng tinh thần Nghị quyết 18, 19 (Trung ương 6), sắp xếp nhỏ, gọn lại thì số lượng Sở ngành (cấp tỉnh), các phòng, ban (cấp huyện) giảm, dẫn đến tổ chức bộ máy biên chế giảm, đầu mối giảm, việc kiểm tra, giám sát thuận lợi, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, có tinh thần trách nhiệm phục vụ người dân.


 

Ông Phạm Văn Hòa.
Ông Phạm Văn Hòa.



“Vấn đề quan trọng là phải tính toán làm sao cho hợp lý, chứ không phải sáp nhập một cách cơ học dẫn đến tình trạng sáp nhập cho có, cho xong. Điều này, không những không tinh giản được bộ máy tổ chức mà còn kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng”- ông Phạm Văn Hòa cho biết.

Nhấn mạnh việc cần thiết phải sớm ban hành Nghị định, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, ngoài việc phải xem xét tới yếu tố đặc thù của mỗi vùng, miền, Nghị định của Chính phủ cũng nên hướng tới sự thống nhất trong hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở.

Trong vùng, miền không nên có sự chênh lệch quá nhiều, nhiều lắm cũng chỉ 2-3 Sở chứ không thể để mỗi nơi được tự quyết định sắp xếp, hợp nhất tùy tiện. Ví dụ, tỉnh thành loại 1 phải thống nhất với nhau, không thể tỉnh này có Sở này, tỉnh khác lại không; tỉnh này sáp nhập Sở A với Sở B, nhưng tỉnh khác lại sáp nhập Sở C với Sở D. Nếu không có sự thống nhất chung thì sẽ rất khó trong điều hành.

“Ngoài số khung cứng, chúng ta cũng cần giao rõ luôn, như với tỉnh thành loại 1 thì được bao nhiêu cơ quan chuyên môn, tỉnh thành loại 2 được bao nhiêu, Thành phố trực thuộc Trung ương có bao nhiêu cơ quan chuyên môn, chứ không giao cho từng địa phương sắp xếp. Ví dụ, 1 địa phương có ít nhất 18 Sở và thống nhất chung trong cả nước, còn 1-2 Sở được thành lập, sáp nhập, hợp nhất thì tùy đặc thù địa phương được chọn” – ông Hòa nêu quan điểm.

Theo ông Phạm Văn Hòa, phân cấp cho địa phương là tổ chức, con người ở địa phương đó do lãnh đạo địa phương quản lý, còn bộ máy phải có sự thống nhất chung trong cả nước. Chứ không phải phân cấp cho địa phương thì nơi này có bộ máy này, nơi khác lại không.

 “Cái khác đó là vấn đề con người, về quyền hành, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương là được bổ nhiệm ông A, ông B đúng tiêu chuẩn, đúng quy định, nếu bổ nhiệm không đúng thì cấp trên kiểm tra, giám sát”- ông Phạm Văn Hòa cho biết.

Kim Anh/VOV.VN

Có thể bạn quan tâm

Ông Bùi Văn Khánh được bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ

Ông Bùi Văn Khánh được bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ

(GLO)- Sáng 19-12, HĐND huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) khóa IV đã khai mạc kỳ họp thứ 10 nhằm xem xét, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2022 và đề ra phương hướng, giái pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2023. Dự họp có đồng chí Ngô Khắc Ngọc-Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh.
Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên

(GLO)- Sáng 16-11, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai trao quyết định của Bộ Chính trị cho ông Trần Quốc Cường-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thôi giữ chức Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương, tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên nhiệm kỳ 2020-2025. Quyết định có hiệu lực từ 15-11.
Ông Đoàn Anh Dũng giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận

Ông Đoàn Anh Dũng giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận

Ban Tổ chức Trung ương công bố quyết định của Ban Bí thư về việc luân chuyển, chỉ định cán bộ tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đối với ông Đoàn Anh Dũng, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII.
Đến năm 2026, các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có 101.546 biên chế

Đến năm 2026, các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có 101.546 biên chế

(GLO)- Đến năm 2026, các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập có 101.546 biên chế. Tổng biên chế công chức, biên chế của các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương bảo đảm đến hết năm 2026 là 103.300 biên chế.