Có một trận Tú Thủy chưa nhiều người biết

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tú Thủy (xã Tú An, thị xã An Khê) là địa danh gắn với trận huyết chiến vào rạng sáng 14-3-1947 của các cảm tử quân Trung đoàn 95 do Trung đoàn trưởng Nam tiến Vi Dân chỉ huy. Cùng với đó, lịch sử còn ghi nhận một trận công đồn Tú Thủy khác vào đầu năm 1953 nhưng chưa được nhiều người biết.
Dựa trên nhiều nguồn tài liệu và một phần nội dung cuốn sách Lịch sử Trung đoàn 803 (1950-1954) do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 1999, chúng tôi bước đầu phác dựng lại chiến thắng oanh liệt này.
Trận quyết chiến ác liệt
Đến trước ngày 13-1-1953, khi trận đánh xảy ra, đồn Tú Thủy được đánh giá là cứ điểm kiên cố nhất trong hệ thống phòng thủ của Pháp tại An Khê. Ý thức rõ tầm quan trọng của vị trí này, cách xây dựng công sự, tổ chức hỏa lực của địch tại Tú Thủy khá đặc biệt. Theo mô tả của tài liệu, đồn được xây dựng trên một ngọn đồi hình tứ giác, có tường cao 3 m bao bọc. Dọc theo tường thành có các ụ đất, trong đó là hầm súng máy. Tác dụng của chúng là khi các lô cốt bị hạ, hệ thống hỏa lực này vẫn tiếp tục ngăn cản lực lượng đột nhập. Chiếm giữ vị trí trên đồi, hệ thống hỏa lực địch gồm 3 tầng, yểm trợ cho nhau. Do đó, nếu quân ta chiếm được tầng dưới, chưa phải đã lấy được đồn. Ngay cả khi ta tìm cách vượt qua giao thông hào thì ở ngay đó cũng có hỏa lực bắn ngược lên. Ngoài ra, đồn Tú Thủy còn có một hệ thống hầm ngầm chằng chịt.
Tháng 12-1952, Bộ Chỉ huy chiến dịch An Khê được thành lập, do Tư lệnh kiêm Chính ủy Liên khu 5 Nguyễn Chánh trực tiếp chỉ huy. Xác định tiêu diệt đồn Tú Thủy không dễ, Bộ Chỉ huy đã tin tưởng trao trọng trách này cho Trung đoàn 803 do Trung đoàn trưởng Phan Hàm chỉ huy, với yêu cầu phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trả thù cho đồng đội đã hy sinh năm 1947.
Tiểu đoàn 365 được giao nhiệm vụ chủ công; Tiểu đoàn 59 là lực lượng dự bị; Tiểu đoàn trợ chiến chi viện trực tiếp. Hiểu rõ công đồn Tú Thủy sẽ rất khó khăn nhưng đó cũng là niềm tự hào nên nhiều chiến sĩ xung phong tham gia; thậm chí có cả những lá thư viết bằng máu. Mọi người đều cho rằng đây là cơ hội để thử thách và lập công của bản thân.
Khuôn viên Nhà bia tưởng niệm Dốc Lá. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Khuôn viên Nhà bia tưởng niệm Dốc Lá. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Địa điểm tập kết của lực lượng chiến đấu là sườn phía Đông của Dốc Lá (nay thuộc xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định). Theo lệnh, hai trận công đồn mở màn chiến dịch Cửu An và Tú Thủy sẽ diễn ra trong một đêm.
Khoảng 1 giờ sáng 13-1-1953 (nhằm ngày 28 tháng 11 năm 1952 Âm lịch), quân ta nổ súng đánh phía Cửu An trước. Liền đó, pháo địch từ An Khê, Thượng An dồn dập đổ quanh đồn Tú Thủy. Lực lượng ta mất yếu tố bất ngờ vì địch đã trốn vào công sự. Một trở ngại nữa là vào thời điểm đó, sương mù dày đặc khiến bộ đội khó nhận biết phương hướng, địa hình, địa thế.
Khó khăn nhất lúc này là phải phá cho được 5 lớp rào kẽm gai, mở đường đột phá vào bên trong và vượt qua các hào giao thông vừa sâu vừa rộng. Trước tình hình đó, chiến sĩ Lại Xang đã xông lên đẩy thang qua hào. Địch bắn gãy thang và đồng chí bị thương. Không chần chừ, Lại Xang nhảy xuống hào đầy chông sắc nhọn, cố dùng tay nâng thang lên để đồng đội xông tới. Anh chỉ ngã xuống khi đồng đội đã vượt khỏi trở ngại đầu tiên.
Trận chiến diễn ra ác liệt. Ở hướng tấn công cửa mở của Đại đội 212, Đại đội trưởng Mãn Châu hy sinh, Đại đội phó Trần Thanh Đồng lên thay cũng hy sinh. Ở cánh phụ cửa đột phá do Đại đội 211 đảm nhiệm, Chính trị viên Đào Xuân Chi và Đại đội phó Nguyễn Lài đều hy sinh; Đại đội trưởng Phạm Lê Đoài bị thương. Tiểu đoàn phó Nguyễn Văn Thông thay thế chỉ huy. Chỉ huy mũi đột kích 1, Trung đội trưởng Khương Thế Xương (con trai nhà thơ Khương Hữu Dụng) anh dũng hy sinh.
Lợi dụng công sự vững chắc, địch điên cuồng chống cự. Quân ta dù hy sinh nhưng quyết tâm chiếm cho được đồn. Đại đội 213 dự bị 1 và Đại đội 6 (Tiểu đoàn 59) dự bị 2 được lệnh vào vị trí chiến đấu. Đại đội trưởng 213 Phạm Đình Dư dẫn đầu đơn vị vượt qua cửa mở, đánh bóc vỏ từng đoạn giao thông hào, hầm ngầm có nắp, diệt từng lô cốt vòng ngoài, dồn địch vào hầm chỉ huy và lô cốt. Tại đây, chúng chống trả quyết liệt, gây cho ta nhiều thương vong. Trước tình huống khó, Đại đội trưởng Phạm Đình Dư dùng 4 quả bộc phá ống đút qua 4 lỗ châu mai của hầm chỉ huy địch. Giặc trong hầm cố đẩy ra, Đại đội trưởng Dư chỉ đạo đồng đội ghì chặt rồi nhất loạt điểm hỏa. Bộc phá nổ, hầm ngầm lô cốt tan tành, ổ đề kháng cuối cùng của địch bị diệt. Phạm Đình Dư cùng một số chiến sĩ bị sức ép văng xa.
Lúc này, pháo giặc từ An Khê và Thượng An vẫn tiếp tục bắn quanh đồn, gây thêm thương vong cho lực lượng ta. Mãi đến gần sáng, bộ đội mới dập tắt được mọi sự kháng cự của địch; toàn bộ địch quân bị tiêu diệt và bắt sống. Trong nhiều vũ khí thu được có một đại bác 88 mm còn nguyên vẹn-khẩu pháo thứ hai thu được trên chiến trường Liên khu 5.
Giải quyết xong chiến trường, một số cán bộ, chiến sĩ được phân công tìm đến mộ Trung đoàn trưởng Vi Dân, thầm nói về việc hận thù xưa đã được trả. Theo tài liệu, trong trận này, ngoài một số lớn bị thương, 49 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 365 đã hy sinh. Toàn bộ liệt sĩ được chôn cất tại rẫy ông Đinh, ở khu vực Dốc Lá, nơi giáp ranh giữa huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) và xã An Xuân (An Khê) ngày nay.
Khúc vĩ thanh Tú Thủy
Để giành thắng lợi trong trận Tú Thủy ngày 13-1-1953, bộ đội ta đã chiến đấu vô cùng dũng cảm. Sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai (1945-2005) và Lịch sử Đảng bộ thị xã An Khê (1945-2005) đều ghi nhận trận đánh này. Năm 2009, Tiểu đoàn 365 được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Năm 1997, một bia tưởng niệm được dựng lên. 10 năm sau, nơi thờ cúng ấy được sửa chữa. Năm 2018, trên nền cũ, một nhà bia liệt sĩ khang trang đã được hoàn thành với mức đầu tư 500 triệu đồng.
Từ đồi Dốc Lá, chúng tôi lặng nhìn về phía đồng bằng Vĩnh Thạnh cùng nghĩ về những người đã khuất gần 70 năm trước. Lịch sử Trung đoàn 803 đã chép khá rõ về trận chiến này. Tuy vậy, đến nay, nơi chôn cất 49 liệt sĩ vẫn chưa được xác định cụ thể. Tương tự như vậy, danh tính của gần 50 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 365 hy sinh trong trận Tú Thủy vẫn chưa được biết đến đầy đủ.
Nhà tưởng niệm và Đài Tổ quốc ghi công Tú Thủy (xã Tú An). Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Khu tưởng niệm liệt sĩ Tú Thủy (xã Tú An, thị xã An Khê). Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Ông Dương Thanh Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã An Khê-cho biết: Tại Quyết định số 312/QĐ-UBND, ngày 6-7-2018, UBND tỉnh Gia Lai đã phê duyệt danh mục kiểm kê di tích và dự kiến lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích giai đoạn 2018-2023, trong đó có địa danh Dốc Lá. Tuy nhiên, gần đây, UBND xã Xuân An có văn bản thông tin khu vực đất dự kiến dành cho di tích này-Bia Dốc Lá (vĩ độ: 1404’42”, kinh độ: 108043’59”; X:1557001, Y:524994) thuộc quyền quản lý của tỉnh Bình Định nên việc lập hồ sơ di tích gặp khó khăn.
Về vấn đề này, ông Hà cho hay: Phòng Văn hóa-Thông tin sẽ đề nghị Thị ủy, UBND thị xã An Khê cho phép đưa chiến tích trận Tú Thủy (1953) vào văn bia được dựng tại khu vực đồn Tú Thủy xưa. Như vậy, điểm tưởng niệm Dốc Lá vẫn được giữ nguyên như hiện tại; 144 liệt sĩ hy sinh trong 2 lần đánh đồn Tú Thủy cùng 12 liệt sĩ hy sinh trong trận An Thạch (1948) sẽ đồng thời được thờ cúng tại Khu tưởng niệm liệt sĩ Tú Thủy (xã Tú An). Việc đưa chiến tích trận Tú Thủy vào bia ở địa điểm vừa nêu cũng phù hợp nguyện vọng mà Ban liên lạc Tiểu đoàn 365 tại TP. Hồ Chí Minh từng đề xuất với địa phương nhiều năm trước.
NGUYỄN QUANG TUỆ

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

(GLO)- Hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã triển khai một số mô hình hay nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, tự lực vươn lên phát triển kinh tế.

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

(GLO)- Những năm qua, xã Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo.

Kông Chro mùa gió

Kông Chro mùa gió

(GLO)- Những dãy núi cứ thế hiện ra huyền ảo trong sương sớm. Mặt trời mùa gió thắm nhẹ vén màn mưa để trải ánh vàng xuống miền đất của người Bahnar phía rừng già. Và tôi đã có những ngày mê đắm nơi vùng đất Kông Chro.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã có thể gửi ý kiến về các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất thông qua hệ thống Google form. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai: Tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua Google form

(GLO)- Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 3260/SKHĐT-DN đề nghị các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã và các Hội nghề nghiệp triển khai tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp qua hệ thống Google form.

Hội nghị góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

(GLO)- Ngày 8-11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai tổ chức góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Hội nghị do PGS. TS Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì.