Cơ hội mở rộng vùng nguyên liệu cho doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Diễn đàn Kết nối Tây Nguyên do Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức tại TP. Pleiku vào sáng 21-5 không chỉ làm nổi bật được tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp ở khu vực mà còn là nơi kết nối, sẻ chia những kinh nghiệm về phát triển chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ nông sản. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã ghi nhận ý kiến của một số doanh nghiệp xung quanh vấn đề này.
* Ông Đinh Gia Nghĩa-Phó Tổng Giám đốc Công ty, kiêm Giám đốc Chi nhánh DOVECO tại Gia Lai: 
 
Là doanh nghiệp chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp nên việc liên kết với bà con nông dân và các hợp tác xã (HTX) đối với chúng tôi rất quan trọng. Vì thế, khi xác định các khu tổ hợp chế biến trên toàn quốc như: Ninh Bình, Gia Lai, Sơn La..., chúng tôi đã chú trọng xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết để có nguồn nguyên liệu cho nhà máy sản xuất, chế biến. Riêng địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, mặc dù nhà máy được khởi công vào năm 2019 nhưng 3-4 năm trước đó, chúng tôi đã vào đây để liên kết với người dân, HTX xây dựng vùng nguyên liệu. Đến nay, về cơ bản, các chuỗi liên kết giữa DOVECO và bà con nông dân, HTX, các tổ chức thương mại khá tốt, khẳng định mối quan hệ cộng sinh cùng phát triển. 
Chúng tôi nhận định rằng, chỉ trong vòng 3-5 năm tới, Gia Lai nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung sẽ trở thành một trong những trung tâm rau-củ-quả lớn của cả nước. Do đó, Công ty đang tập trung đầu tư không chỉ về công nghệ sản xuất, thiết bị mà còn về cả quy mô liên kết chuỗi giá trị; trong đó, chú trọng phát triển mạnh 2 chuỗi liên kết sản xuất dứa và chanh dây. Có thể nói, Diễn đàn Kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản vùng Tây Nguyên tại Gia Lai lần này khá ý nghĩa, là cơ hội để doanh nghiệp đánh giá, nhìn nhận và định hướng tốt hơn cho việc phát triển các chuỗi liên kết trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng.
* Ông Nguyễn Anh Đức-Tổng Giám đốc Sài Gòn Co.op, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội bán lẻ Việt Nam:
 
Hiện nay, Sài Gòn Co.op đang đầu tư tại 47 tỉnh, thành phố trong cả nước. Bên cạnh tiêu chuẩn chung của hàng hóa Việt Nam, chúng tôi cũng có hệ thống thu mua và những quy chuẩn đặc thù riêng để đáp ứng yêu cầu phát triển của thương mại hiện đại. Trong bối cảnh mới hiện nay, dự lường những khó khăn của “hậu” đại dịch Covid-19 cũng như những biến động kinh tế-xã hội trên toàn cầu sẽ tác động lớn đến thị trường Việt Nam, chúng tôi đã có những điều chỉnh, thay đổi để kết nối toàn diện, sâu rộng và hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp, HTX trên phạm vi toàn quốc, sao cho người sản xuất không phải lo “giải cứu” sản phẩm và người tiêu dùng được tận hưởng những giá trị tích cực mang lại. 
Hiện nay, các sản phẩm của vùng Tây Nguyên đang chiếm 1 thị phần nhất định trong số các sản phẩm của Sài Gòn Co.op; tuy nhiên chưa thật sự đồng bộ. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục kết hợp với các địa phương trong khu vực để việc hợp tác mang tính kế hoạch, đảm bảo quy chuẩn hàng hóa và có sự phân công hóa trong canh tác, sản xuất. Việc này sẽ tạo ra sự đồng bộ, nông dân và cộng đồng doanh nghiệp, HTX cũng có sự tập trung hơn đối với thế mạnh của mình để tham gia chuỗi cung ứng của Sài Gòn Co.op trong thời gian tới; qua đó, mang lại sự phát triển bền vững cho các HTX nói riêng và mô hình kinh tế tập thể nói chung ở Việt Nam.
Riêng tại Gia Lai, Sài Gòn Co.op đã tiến hành đầu tư từ tháng 2-2007. Qua 15 năm, các sản phẩm của tỉnh cung ứng cho chuỗi Co.op Mart chiếm tỷ trọng khoảng 27%, còn khá khiêm tốn. Các sản phẩm cung ứng chủ yếu là cà phê, chè, rau-củ-quả... nhưng theo chúng tôi được biết, tiềm lực của Gia Lai còn nhiều hơn thế. Để sản phẩm của tỉnh phát triển ở tất cả các hệ thống của Sài Gòn Co.op, thời gian tới, chúng tôi sẽ đầu tư đưa Gia Lai trở thành 1 điểm thu mua gắn với phân vùng nguyên liệu tại thị trường này để cung ứng sản phẩm trong phạm vi cả nước, kể cả xuất khẩu. 
* Ông Nguyễn Quốc Vũ-Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất Pure (TP. Hồ Chí Minh):
 
Công ty chúng tôi có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh, song nhà máy được đặt tại tỉnh Long An, chuyên kinh doanh tinh dầu và mỹ phẩm thiên nhiên. Vì thổ nhưỡng và khí hậu tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ không phù hợp với cây dược liệu nên chúng tôi đã lên Tây Nguyên, cụ thể là Gia Lai để tìm hiểu, nghiên cứu mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất. Ngày 20-5 vừa qua, trong khuôn khổ chuỗi hoạt động nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai, chúng tôi đã ký kết với Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam; qua đó, kết nối được với nhiều hộ dân để triển khai trồng hơn 80 ha cây dược liệu trên địa bàn và đang tiếp tục huy động để phát triển vùng nguyên liệu khoảng 100 ha theo kế hoạch; tập trung chủ yếu vào các loại sâm, linh chi, đông trùng hạ thảo... Công ty sẽ đầu tư cây giống, kỹ thuật, phân bón và bao tiêu sản phẩm cho bà con theo giá thị trường tại thời điểm thu hoạch. 
Theo tôi, việc kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ rất cần thiết cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ TP. Hồ Chí Minh như chúng tôi. Những diễn đàn như thế này sẽ giúp chúng tôi hiểu sâu hơn các chính sách hỗ trợ của các địa phương và tương tác được với nhiều cộng đồng sản xuất. Từ đó, từng bước hình thành các mắt xích liên kết để phát triển thị trường trong nước và thế giới.
MỘC TRÀ (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.