Cơ hội để doanh nghiệp kết nối cung cầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để hỗ trợ doanh nghiệp trong trạng thái bình thường mới, Gia Lai và TP. Hồ Chí Minh phối hợp triển khai các biện pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, phục vụ mục tiêu tăng trưởng, trong đó có giải pháp tổ chức kết nối cung cầu hàng hóa, dịch vụ.

Ngành Công thương Gia Lai và TP. Hồ Chí Minh thống nhất thỏa thuận về hợp tác thương mại trong giai đoạn 2021-2025. Theo đó, 2 bên phối hợp thực hiện chương trình bình ổn thị trường; kịp thời cập nhật chia sẻ thông tin, điều phối hàng hóa, xử lý biến động thị trường (nếu có); hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất kinh doanh, phát triển hệ thống phân phối, xây dựng vùng nguyên liệu, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường; xây dựng chuỗi cung ứng lưu thông hàng hóa hiệu quả xuyên suốt từ hoạt động sản xuất, nuôi trồng đến phân phối.

  Gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh tại hội chợ hàng Việt Nam-Thái Lan diễn ra hồi tháng 3-2021 tại TP. Pleiku. Ảnh: Hà Duy
Gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh tại hội chợ hàng Việt Nam-Thái Lan diễn ra hồi tháng 3-2021 tại TP. Pleiku. Ảnh: Hà Duy


Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành: “Gia Lai và TP. Hồ Chí Minh tăng cường phối hợp thực hiện các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, ưu tiên hàng nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, được nuôi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hướng đến xây dựng thương hiệu đối với các mặt hàng nông sản, đặc sản ở từng địa phương, vùng miền; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống phân phối phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, phối hợp xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn, liên kết chặt chẽ, lưu thông hàng hóa hiệu quả xuyên suốt từ hoạt động sản xuất, nuôi trồng đến phân phối”.

Trong 3 năm qua, Gia Lai đã có 3 đợt kết nối cung cầu tại TP. Hồ Chí Minh với số lượng doanh nghiệp trong tỉnh tham gia chương trình ngày càng tăng. Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ-Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh: “Kết nối cung cầu hàng hóa là giải pháp thiết thực để doanh nghiệp tỉnh Gia Lai giới thiệu, quảng bá, tìm kiếm đối tác trên cả nước nói chung và thị trường TP. Hồ Chí Minh nói riêng. Chương trình đã góp phần cho doanh nghiệp trẻ Gia Lai học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, cũng như cung ứng hàng hóa vào chuỗi hệ thống siêu thị trên toàn quốc”.

Gia Lai có hơn 97.000 ha cà phê, sản lượng hơn 250.000 tấn/năm; 14.700 ha hồ tiêu, sản lượng trên 47.000 tấn/năm; gần 90.000 ha cao su với sản lượng mủ khô trên 117.000 tấn/năm; hơn 78.000 ha mì, sản lượng đạt trên 1,5 triệu tấn/năm; khoảng 18.000 ha cây ăn quả các loại... Tỉnh đã hình thành 12 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông-lâm sản và đang kêu gọi các doanh nghiệp làm đầu chuỗi để hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển. Đến nay, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã cấp 41 mã số vùng trồng cho cây ăn quả và 8 cơ sở đóng gói trái cây của tỉnh để phục vụ xuất khẩu. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành 18 khu sản xuất công nghệ cao với tổng diện tích 3,5 ha, tập trung vào các sản phẩm chính như: bơ, sầu riêng, thanh long, ớt, hồ tiêu, cà phê, rau, hoa; 14 khu trồng cây ăn quả; 1 khu trồng cà phê được chứng nhận theo tiêu chuẩn Organic USDA; 1 khu sản xuất dược liệu...

Các sản phẩm nông nghiệp của Gia Lai khá dồi dào, song việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ vẫn luôn là bài toán khó. Vì vậy, kết nối cung cầu là một trong những hoạt động quan trọng, góp phần đẩy mạnh bình ổn thị trường và kích cầu tiêu dùng nội địa.

Về vấn đề này, ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: “Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cũng như cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh phát triển thị trường nội địa, Sở tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động như xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 như hiện nay”.

Trong khi đó, Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh thì thông tin: Thành phố tổ chức khá nhiều hình thức kết nối cung cầu để doanh nghiệp có cơ hội mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác. Hoạt động kết nối được tổ chức trực tuyến thông qua website www.ketnoicungcau.vn, các doanh nghiệp mua bán sẽ chủ động kết nối, hợp tác với nhau. Cùng với đó, doanh nghiệp thương mại điện tử như Tiki, Sendo, Shopee, Lazada… phối hợp hướng dẫn các đơn vị tham gia sàn thương mại điện tử, mở rộng kênh phân phối mới, từng bước chuyển đổi số; kết nối theo chuyên đề và kế hoạch của các tỉnh, thành.

 

 HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Đề xuất kiểm tra việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

Gia Lai: Đề xuất kiểm tra việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

(GLO)-Chiều 14-3, Cục Thuế tỉnh Gia Lai, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Cục Quản lý thị trường đã họp bàn, thống nhất các nội dung đề xuất thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu về việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử.