Cổ đông khởi kiện, yêu cầu hủy nghị quyết của HĐQT

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi vừa ban hành, một số cổ đông lớn đã khởi kiện ra Tòa yêu cầu hủy nghị quyết của đại hội đồng cổ đông bầu HĐQT mới của Vinaconex và buộc công ty dừng thực hiện nghị quyết này.
Cổ đông khiếu kiện vì Chủ tịch HĐQT tự quyết tới 1000 tỷ
Sau khi nhóm cổ đông An Quý Hưng tiến hành bầu lại HĐQT, lo ngại nguồn lực tài chính sẽ cạn kiệt, các cổ đông lớn buộc phải gửi đơn yêu cầu TAND quận Đống Đa đề nghị hủy nghị quyết ngày 11/1/2019 của Đại hội đồng cổ đông Vinaconex. Ngày 27/3/2019, TAND quận Đống Đa đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc Vinaconex JSC tạm dừng thực hiện nghị quyết đại hội đồng cổ đông.
Trước việc bị dừng thực hiện nghị quyết của đại hội đồng cổ đông, Vinaconex đã gửi 2 văn bản khiếu nại về quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND Quận Đống Đa. Tuy nhiên, ngày 2/4 TAND quận Đống Đa xác định việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2019/QĐ-BPKCTT ngày 27/3/2019, dừng thực hiện nghị quyết của đại hội đồng cổ đông Vinaconex là cần thiết có căn cứ pháp luật.
Liên quan tới sự việc này, ngày 17/5/2019, Báo Công lý đã đăng tải bài viết “Cổ đông khởi kiện HĐQT vì lo ngại “lợi ích nhóm”. Trong đó, bài báo đã chỉ ra hàng loạt nguyên nhân khiến các cổ đông khởi kiện nghị quyết của đại hội đồng cổ đông do nhóm An Quý Hưng ban hành.
Theo phản ánh của một số cổ đông, sau khi An Quý Hưng nắm quyền Vinaconex (5/7 thành viên) thì HĐQT sửa quy chế tài chính, Chủ tịch HĐQT được quyền quyết định chi mọi giao dịch lên tới 1.000 tỷ đồng. TGĐ quyết tới 500 tỷ đồng mà không cần thông qua HĐQT, (trước Chủ tịch được quyết 15 tỷ, TGĐ 5 tỷ) bất chấp việc trên thị trường không hề công ty nào có quy chế tài chính đầy rủi ro như thế.
Với quyền quyết định mới, hiện nay Vinaconex đang còn khoảng trên 1000 tỷ đồng gửi tiết kiệm, chỉ cần Chủ tịch “quyết” 1 món là hết ngân quỹ của công ty. Còn các thành viên HĐQT thậm chí không được biết Chủ tịch quyết dùng tiền vào đâu.
 
Vinaconex là thương hiệu đình đám trong lĩnh vực xây dựng
Không những thế, tất cả các vị trí lãnh đạo trong công ty bao gồm Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, Trưởng Ban kiểm soát, Kế toán trưởng đều do người của An Quý Hưng nắm giữ. Với quyền lực cực lớn như những gì mà cổ đông An Phú Hưng trao cho Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc, nhóm cổ đông còn lại lo ngại sẽ có rủi ro nhấn chìm công ty.
Theo phản ánh của Công ty Star Invest trong công văn gửi tới SCIC, từ khi HĐQT mới được bầu ra, các thành viên của An Quý Hưng cử trong HĐQT bất chấp ý kiến phản đối của các thành viên  khác đã thông qua những quyết định phục vụ lợi ích nhóm cổ đông của mình.
Là những chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong quản trị, điều hành các công ty chuẩn mực, các thành viên HĐQT còn lại tiếp tục cảnh báo những rủi ro, nguy hiểm cho tổng công ty khi cho phép các cá nhân tự ý quyết định tới cả ngàn tỷ như vậy. Chắc chắn trong các công ty lớn nhất trong nước hay quốc tế, mọi hoạt động đầu tư, kinh doanh đều có cơ chế tổ chức, tập thể có hệ thống tham mưu đánh giá, không bao giờ 1 cá nhân tự quyết định.
Hàng loạt kế hoạch sử dụng vốn bất hợp lý
Không những thế, chỉ trong 1 tháng nắm quyền của An Quý Hưng, hàng loạt quyết định đầu tư như góp vốn bằng tiền hơn 400 tỉ vào một công ty, mua 300 tỉ trái phiếu chuyển đổi của công ty có dự án đang thua lỗ với giá chuyển đổi gấp đôi thị trường ở thời điểm quyết định mua; góp vốn 200 tỷ thành lập công ty Hoà Lạc; góp vốn 100 tỉ, sau nâng lên 200 tỉ thành lập công ty cơ điện…
Bên cạnh đó, văn bản gửi SCIC của cổ đông Star Invest cũng cho rằng: An Quý Hưng thực hiện kế hoạch “rút tiền” khẩn trương ra khỏi Vinaconex, sử dụng các biện pháp để hạn chế khả năng biết và tham gia ý kiến của nhóm cổ đông Star Invest và Cường Vũ. Hàng loạt kế hoạch rút vốn đã được thông qua, bất chấp sự phản đối và những cảnh báo của các thành viên HĐQT khác về rủi ro tài chính lớn cho công ty.
Điều khiến các cổ đông của Vinaconex lo lắng hơn cả là các quyết định đầu tư của HĐQT do cổ đông lớn An Quý Hưng “bật đèn xanh” đã vi phạm quy chế tài chính của công ty. Điển hình HĐQT mới đã “hào phóng” tạm ứng cổ tức khoảng 442 tỷ đồng cho cổ đông trong khi công ty đang cần nguồn vốn để phát triển và phải vay ngân hàng 300 tỷ để trả khoản tiền tạm ứng cổ tức này. HĐQT còn quyết định sử dụng quỹ đầu tư phát triển để mua cổ phiếu quỹ lên tới 1.137,6 tỷ, sau đã điều chỉnh xuống 714,4 tỷ do quỹ này không đủ tiền với giá dựa trên giá mua cổ phiếu của cổ đông An Quý Hưng, cộng biên độ 5% là cao hơn giá thị trường gần 20% vào ngày 15/2/2019, ngày mà công ty đề xuất mua cổ phần.
 
“Con tàu” Vinaconex rồi sẽ đi về đâu ?
Theo lý giải của một Phó tổng giám đốc của Vinaconex, đây là một quyết định đầu tư tài chính. Bởi khi bỏ số tiền này ra để mua cổ phiếu với giá 28-30 nghìn đồng/cổ phiếu, công ty kỳ vọng sẽ sớm bán được với giá 40 nghìn và đây là quyết định khôn ngoan hơn gửi tiền tiết kiệm. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này không nêu lý do khiến ông lạc quan đến vậy cũng như trách nhiệm đối với các rủi ro nếu cổ phiếu của Vinaconex rớt giá xuống dưới giá mua vào và khi cần huy động vốn thì không bán được.
Trước hàng loạt động thái của HĐQT mới, dư luận đang đặt ra nhiều câu hỏi, ai có thể ngăn chặn hành vi làm trái này nếu không phải là Tòa án? Những việc mà nhóm cổ đông An Quý Hưng cũng như của HĐQT đang làm liệu sẽ rút cạn kiệt các nguồn lực tài chính của “ông lớn” Vinaconex? Đồng thời tương lai của doanh nghiệp này với hàng chục đơn vị thành viên cùng đời sống hàng chục ngàn cán bộ công nhân viên sẽ đi về đâu?
Do đó, việc ngăn chặn nguy cơ khi thực hiện những quyết định kiểu như thế này thì vai trò của Tòa án là quan trọng nhằm hạn chế tổn thất cho Tổng công ty và cổ đông.
Nhóm PV (Công lý)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.