Chuyện về hậu hiền họ Nguyễn ở Phú Cần

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Hàng năm, cứ đến ngày 28-5 âm lịch, dân làng Phú Cần xưa (nay thuộc thôn Thắng Lợi, xã Phú Cần, huyện Krông Pa) lại tập trung về ngôi đền thờ tiền hiền của làng để tưởng nhớ và tri ân các bậc tiền hiền, hậu hiền đã có công xây dựng, phát triển làng xã.

Tại đền thờ, tên tuổi và quê hương những người có công mộ dân lập làng Phú Cần được ghi lại trong “Lời lưu truyền cho con cháu” do ông Nguyễn Hữu Phúc soạn năm 1954. Văn bản này có đoạn: “Phú Cần là người Phú Yên đứng ra sáng lập, tiền hiền là ông Phan Hữu Phàn, hậu hiền là cố Nguyễn Thành Cựu. Hậu tạo là Nguyễn Hữu Phúc”.

16 năm sau, ông Nguyễn Hữu Phúc lại soạn “Bản diện tích ruộng đất canh tác của làng Phú Cần” có xác thực của Xã trưởng xã Sơn Hiếu bấy giờ là ông Ngô Đình Long cũng xác nhận lại như thế.

Đền thờ tiền hiền làng Phú Cần. Ảnh: L.H.S

Đền thờ tiền hiền làng Phú Cần. Ảnh: L.H.S

Về vị tiền hiền Phan Hữu Phàn (1890-1940), trên báo Gia Lai, chúng tôi đã có dịp giới thiệu qua. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu về 2 vị hậu hiền có nhiều công lao trong việc thành lập và phát triển làng Phú Cần xưa là cha con ông Nguyễn Thành Cựu và Nguyễn Hữu Phúc.

Theo “Bản diện tích ruộng đất canh tác của làng Phú Cần” thì ông Nguyễn Thành Cựu là cha của ông Nguyễn Hữu Phúc, được xem là “một vị hậu hiền khai khẩn”. Trong văn cúng tiền hiền tại đền thờ, tên ông Nguyễn Thành Cựu được cung kính xếp ở hàng đầu, với tư cách là “tiền hiền”, chỉ sau ông Phan Hữu Phàn.

Xét về niên kỷ, ông Nguyễn Thành Cựu lớn hơn ông Phan Hữu Phàn 3 tuổi. Tuy nhiên, có lẽ ông Phàn có nhiều đóng góp cho việc mộ dân lập làng hơn nên được triều đình phong chức tước, dân làng nhắc đến ông Phàn nhiều hơn so với ông Cựu. Song hẳn 2 ông đều cùng thời, cùng từ Phú Yên dẫn nhau lên Krông Pa lập ra làng Phú Cần nên được dân làng kính trọng xếp vào bậc tiền hiền.

Theo lời các cháu gái của ông Cựu là bà Nguyễn Thị Ba và bà Nguyễn Thị Tư thì ông quê ở thôn Hòa Đa, xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Hòa. Hai ông bà có 4 người con: Con gái đầu (con nuôi của ông, không rõ tên), Nguyễn Hữu Phúc, Nguyễn Hữu Đức, Nguyễn Thị Gặp. Ông Cựu đã dẫn mẹ, con, em rời quê cũ lên Phú Cần lập nghiệp. Khi già yếu, ông trở về quê cũ chữa bệnh và qua đời tại đây. Mẹ ông qua đời tại Phú Cần, hiện còn mộ đá trong vườn ở sát đền thờ. Em trai và em gái ông cũng qua đời tại Phú Cần, mộ táng ở Nghĩa trang huyện Krông Pa.

Mộ ông Nguyễn Hữu Phúc tại Phú Yên. Ảnh: L.H.S

Mộ ông Nguyễn Hữu Phúc tại Phú Yên. Ảnh: L.H.S

Ông Nguyễn Hữu Phúc (con trai ông Nguyễn Thành Cựu) từng làm Lý trưởng xã Phú Cần. Ông là con thứ hai trong gia đình 4 anh em nên người địa phương thường gọi là “ông Xã Ba”. Ông thuộc thế hệ thứ hai, tiếp nối cha mình tham gia vào việc xây dựng, phát triển làng xã nên khi qua đời được dân làng đưa vào văn cúng đền thờ tiền hiền, ghi danh ở bậc hậu hiền của làng.

Nội dung “Lời lưu truyền cho con cháu” có đoạn viết: “Nay tôi là con kế nối xây dựng làng Phú Cần đã quy mộ đồng bào (mất 1-2 chữ) sống cùng nhau trong thời năm 1954 rất là hao tài tốn của (mất 3-4 chữ) đã quá nhiều, nhưng cố gắng lập lại cho thành rồi”.

Như vậy, theo thông tin trên cùng lời con gái ông là bà Nguyễn Thị Ba cho biết thì chính ông Phúc là người bỏ tiền để xây dựng, duy trì hoạt động của đền thờ tiền hiền. Toàn bộ phần đất hiện nay của đền thờ tiền hiền cũng do ông Phúc hiến tặng. Đồng thời, ông Phúc còn là người đứng ra kêu gọi xây đền và lo việc nhang khói, cúng kỵ, tu tảo mồ mả cho các bậc tiền bối của làng.

Tờ phái quy y năm 1967 của ông Nguyễn Hữu Phúc do gia đình còn giữ được cho biết, ông sinh năm Mậu Ngọ (1918), quê quán ở An Mỹ, Tuy An, Phú Yên. Theo lời kể của con gái ông là bà Nguyễn Thị Ba, ông Phúc lên Phú Cần năm 18 tuổi, tức khoảng năm 1936. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Bốn (cùng SN 1918, mất vào khoảng năm 2010). Ông bà sinh được 3 người con gồm: Nguyễn Thị Ba, Nguyễn Thị Tư, Nguyễn Hữu Thọ tại Phú Cần. Hiện ông Thọ đã qua đời, bà Ba và bà Tư không lập gia đình, sống cạnh đền thờ tiền hiền trên đất cũ của cha mẹ.

Năm 1975, do đau yếu, ông Phúc về Phú Yên chữa bệnh và năm sau qua đời tại quê nhà. Mộ ông được đặt cạnh mộ mẹ ở Nghĩa trang thôn Phú Long. Vợ ông mất ở Phú Cần, hiện mộ đặt tại Nghĩa trang huyện Krông Pa.

Tuy nổi tiếng trong dân gian là người có quyền lực và giàu có nhưng vợ chồng ông Phúc lại sống khá giản dị. Căn nhà ông ở hiện đã sụp đổ nhưng nhìn những dấu tích còn lại, từ cột kèo, mái, vách, đồ dùng đều rất bình dân.

Theo ông Lê Văn Công-Thành viên Ban phụng sự đền thờ tiền hiền thì ông Nguyễn Hữu Phúc là tín đồ Phật giáo. Ông thọ giới tại chùa Bửu Tịnh vào ngày 16-9-1967, người truyền giới là sư Đức Thiệu. Trên bàn thờ chính trong đền thờ tiền hiền hiện có một trang thờ nhỏ, tương truyền đó là bàn thờ Phật do ông Nguyễn Hữu Phúc đặt.

Năm 2023, UBND huyện Krông Pa đã tiến hành lập hồ sơ di tích cấp tỉnh cho đền thờ tiền hiền làng Phú Cần để ghi nhận công lao của các tiền nhân lập làng Phú Cần. Hy vọng, sau Krông Pa, tại các địa phương khác trong tỉnh, việc tìm hiểu, nghiên cứu vai trò của các vị tiền hiền, hậu hiền trong việc xây dựng làng xã sẽ được các nhà nghiên cứu và chính quyền quan tâm nhiều hơn.

Có thể bạn quan tâm

Cây vũ trụ của nền văn hóa Đông Sơn trên trống đồng

Cây vũ trụ của nền văn hóa Đông Sơn trên trống đồng

Trước nay, các nhà nghiên cứu đều cho rằng mỹ thuật Đông Sơn bị trống vắng yếu tố thực vật. Thế nhưng với sự phát hiện hoa văn vòng tròn hay vòng tròn đồng tâm có chấm giữa là hoa cúc được cách điệu, đã cho thấy yếu tố thực vật chưa bao giờ vắng bóng trong trang trí ở trống đồng.
Nghệ nhân 80 tuổi giữ nghề làm đèn ông sao

Nghệ nhân 80 tuổi giữ nghề làm đèn ông sao

Khung tre được uốn nắn tỉ mỉ, bọc bên ngoài là tấm giấy đầy màu sắc rực rỡ, nghệ nhân Trần Thanh Tùng (80 tuổi, thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) làm thành những chiếc lồng đèn trung thu truyền thống.
Chất trữ tình trong trường ca Xing Chơ Niếp

Chất trữ tình trong trường ca Xing Chơ Niếp

(GLO)- Trường ca Xing Chơ Niếp của dân tộc Ê Đê được sưu tầm ở vùng Krông Pa (cũng có người cho rằng đây là trường ca của người Bahnar Chăm ở Krông Pa) từ những năm 80 của thế kỷ trước, cùng thời với H’mon Đăm Noi của người Bahnar được sưu tầm ở vùng Kông Chro ngày nay.
Thương lắm, nhà Rông…

Thương lắm, nhà Rông…

Đó là một trong những ngôi nhà Rông cổ và đẹp nhất nhì xứ này còn giữ lại hầu như nguyên vẹn ét xưa cũ trên cao nguyên. Nhưng ngọn lửa đã đốt trụi những gì tinh túy nhất của làng. Ngọn lửa bốc lên cháy rực bỏng rát trong tim của mỗi người làng một nỗi đau nhưng nhức.
Báo ân trọn vẹn mùa Vu Lan

Báo ân trọn vẹn mùa Vu Lan

Nói đến Vu Lan chính là nói đến tinh thần báo hiếu báo ân, tinh thần cứu độ của đạo Phật. Nhưng báo hiếu, tri ân theo tinh thần Phật pháp không phải là sa đà cầu cúng, đốt vàng mã theo kiểu “trần sao âm vậy” như tục lệ dân gian.
Độc đáo lễ cúng kết nghĩa của người Jrai

Độc đáo lễ cúng kết nghĩa của người Jrai

(GLO)- Hiện nay, cộng đồng người Jrai ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) vẫn giữ được nhiều nghi lễ độc đáo. Trong đó, lễ cúng kết nghĩa buôn làng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.