Chuyện làng Dip

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Cách đây 10 năm, vào khoảng tháng 4, tôi cùng anh Nguyễn Tiến Dũng-nguyên Trưởng phòng Báo ảnh Báo Gia Lai đến thăm làng Dip (xã Ia Kreng, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai). Lúc bấy giờ, làng Dip vẫn còn là một nơi ít được người lui tới, giống như xã Kon Pne (huyện Kbang), Đak Song, Sró (huyện Kông Chro), Hà Đông (huyện Đak Đoa)… Sau khi vào trụ sở UBND huyện Chư Păh để liên hệ công tác thì Chánh Văn phòng UBND huyện cười bảo: “Xe các anh gầm thấp không đi lên xã Ia Kreng được đâu. Để xe lại đây, huyện sẽ điều xe hai cầu đi”.

Lúc đầu nghe thì tôi hơi ngạc nhiên nhưng khi lên đèo mới thấy sự thay xe là cần thiết. Từ ngã ba gần thị trấn Ia Ly rẽ phải rồi đi vào xã Ia Kreng phải vượt ngọn đèo Sê San cao hơn 1.000 m so với mực nước biển và dài hơn 20 km. Đường đèo khá hẹp và quanh co, một bên vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu. Tài xế liên tục bấm còi mỗi khi xe vòng qua hàng mấy chục khúc cua cánh chỏ. Ngồi trên xe nhìn con đường, tôi không khỏi ngẫm lại những năm cuối thập niên 70 và thập niên 80 của thế kỷ trước. Ngày ấy, nếu từ thị trấn huyện cũ muốn đi đến làng phải cuốc bộ 2-3 ngày đường và leo lên con dốc đứng qua thác Công chúa.

Một góc làng Dip. Ảnh: Ngọc Tuấn

Một góc làng Dip. Ảnh: Ngọc Tuấn

Những năm ấy, làng Dip và làng Duch thuộc xã Ia Mơ Nông là 2 làng khó khăn, cách trở vào loại bậc nhất của huyện Chư Păh cũ (sau chia tách thành 2 huyện Ia Grai và Chư Păh). Những người đã từng công tác ở huyện cũ mỗi khi nghe nhắc đến làng Duch, làng Dip, ai nấy đều không khỏi lắc đầu, ngao ngán. Không tính mùa mưa, ngay giữa mùa khô muốn đến làng phải xe tải ba cầu mới có khả năng leo lên được đèo dốc đứng. Giao thông ách tắc nên làng thiếu thốn mọi bề: không chợ, không trường học, không trạm y tế... Dân làng sống đúng nghĩa tự cung, tự cấp. Người làng không đi đâu và cũng không ai mấy khi đến, làng gần như biệt lập với bên ngoài. Có năm, huyện thu mua lúa đầy kho nhưng rồi phải... lưu kho đến vài ba năm sau mới chuyển về được.

Năm 2002, khi xây dựng công trình thủy điện Sê San 3, con đường lên đây mới hoàn thành phục vụ cho thi công và làm thay đổi cuộc sống của người dân các làng tái định cư thuộc xã Ia Kreng (thành lập năm 2009). Từ dưới nhìn lên, đèo Sê San như một sợi chỉ ngoằn ngoèo ẩn hiện giữa lớp sương mù. Qua đèo nhìn xuống lại vẫn lớp mù sương ấy bao phủ thung lũng như hơi nước bốc mù mịt trong nồi cơm đang sôi. Thời tiết ở đây là vậy, một ngày có đủ bốn mùa. Có lẽ, chính sự khắc nghiệt của vùng đất này khiến con người nơi đây thích nghi được với điều kiện sống. Đất núi vốn cằn, lại dốc trôi hết màu nên sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Xã Ia Kreng chỉ có 3 làng: Duch1, Duch 2 (tách ra từ làng Duch) và làng Dip.

Cuộc dời làng lịch sử năm 2004 nhường đất đai cho lòng hồ thủy điện Sê San 3 và Sê San 3A không chỉ là cuộc đổi đời cho người dân trong xã, từ nhà ở, điện và nước sạch sinh hoạt, trường học... mà điều đáng mừng là đồng bào Jrai ở Ia Kreng đã làm được ruộng nước, tuy diện tích chưa nhiều, chỉ hơn chục héc ta nhưng đánh dấu một bước ngoặt lớn trong đời sống sản xuất của những người dân Jrai vốn quen với lúa rẫy và công việc phát, đốt, chọc, trỉa. Cùng với cây lúa nước, người dân còn biết trồng những loại cây hàng hóa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng trong vùng như: bời lời, điều, cà phê, mì…

Năm đó, trong 3 làng thì làng Dip (tái định cư) đông dân nhất (trên 190 hộ với gần 800 khẩu), ở gần sông Sê San nhất và cũng xa trung tâm xã nhất. Qua chiếc cầu bằng lăng, làng Dip với ngôi nhà rông mái cong vút hiện ra giữa rừng bằng lăng cổ thụ vẫn còn ít lá xanh mùa khô. Dân làng sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, đánh bắt cá và đang bắt đầu làm quen với nghề nuôi cá lồng trên sông Sê San. Tại mỗi cụm dân cư đều có bể chứa nước sạch.

Gần 40 năm sau ngày giải phóng, con chữ đã về với làng Dip và không chỉ vậy, nhiều thế hệ học sinh đã được học lên bậc học cao hơn và về làm việc tại địa phương. Lần chúng tôi về thăm, nhà trường có 6 học sinh lớp 9 của làng ra học bán trú ở trường chính ngoài xã. Điểm trường làng được xây dựng kiên cố tại khu trung tâm, gần nhà rông, gồm 7 lớp học, trong đó có 2 lớp THCS (lớp 6 và lớp 7), các lớp mầm non và khu nhà ở giáo viên gồm 5 phòng. Mới đây, tôi thật mừng khi được biết dân số xã đã tăng lên trên 500 hộ với hơn 1.900 khẩu. Đặc biệt, năm 2021, ngành điện lực đã đầu tư nâng cấp đường dây và trạm biến áp phục vụ sinh hoạt và sản xuất của bà con.

Chiều muộn, chúng tôi đứng trên cây cầu bắc qua Sê San, nối Gia Lai với Kon Tum, phía dưới là dòng sông xanh biếc, những con thuyền độc mộc nằm yên bên bờ sông dưới bóng cây vươn cành ra tận ngoài mép nước. Trên cao kia, làng khá ồn ã nhưng bến sông thì luôn tĩnh lặng, thi thoảng vài đợt sóng nhỏ làm con thuyền nhẹ lắc lư, khung cảnh thanh bình như đưa tôi ngược về thời tuổi trẻ của mình hơn 40 năm trước, thuở tôi vừa đặt chân lên Tây Nguyên...

Xa rồi ngôi làng nghèo nàn năm xưa. Làng Dip giờ đây cuộc sống đã khá lên và lòng người thì luôn vững chãi như ngôi nhà rông sừng sững, mái cong vút. Trời đã chiều, từng đợt gió lạnh từ dưới thung ù ù thổi tốc lên, dội vào vách đá, trượt dài theo con đèo rồi tản mát phía sông. Ngọn đèo cao gần như quanh năm vẫn mù sương nhưng bên kia đèo đã có một làng Dip hòa nhập vào dòng chảy cuộc sống hiện đại.

Có thể bạn quan tâm

Phường Tây Sơn dẫn đầu toàn tỉnh về thực hiện chiến dịch 100 ngày đêm nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công

Phường Tây Sơn dẫn đầu toàn tỉnh về thực hiện chiến dịch 100 ngày đêm nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công

(GLO)- Thực hiện chiến dịch cao điểm 100 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công” trên địa bàn tỉnh Gia Lai (từ 22-3 đến 29-6-2024), phường Tây Sơn (TP. Pleiku) đang xếp thứ nhất trên 220 xã, phường toàn tỉnh về chất lượng thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Đồn Biên phòng Ia Púch tiếp sức để dân thoát nghèo

Đồn Biên phòng Ia Púch tiếp sức để dân thoát nghèo

(GLO)- Bằng nhiều hoạt động mang tính thiết thực, cán bộ và chiến sỹ Đồn Biên phòng Ia Púch) đã giúp nhiều hộ dân ở xã biên giới Ia Púch (huyện Chư Prông) thay đổi nếp nghĩ, cách làm và vươn lên thoát nghèo bền vững, nhất là các hộ dân người dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn.
Ổn định đời sống người dân vùng sạt lở

Ổn định đời sống người dân vùng sạt lở

(GLO)- Cùng với việc UBND tỉnh Gia Lai công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai ở một số khu vực sạt lở nguy hiểm trên địa bàn huyện Ia Pa, dự án xây bờ kè chống sạt lở cũng được triển khai nhằm ổn định đời sống người dân.
Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đặng Phan Chung tặng quà cho bà Nguyễn Thị Sự (dân công hỏa tuyến, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện). Ảnh: Vũ Chi

Thăm, tặng quà thân nhân, chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tại các huyện Ia Pa, Phú Thiện và Krông Pa

(GLO)- Ngày 2-5, đoàn công tác do ông Đặng Phan Chung-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai làm trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà gia đình thân nhân, chiến sĩ Điện Biên trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống tại các huyện Ia Pa, Phú Thiện và Krông Pa.
Sức sống mới ở xã Anh hùng Ia Hrung

Sức sống mới ở xã Anh hùng Ia Hrung

(GLO)- Trong không khí sôi động của những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi về thăm xã Anh hùng Ia Hrung (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai). Nhiều công trình dân sinh được đầu tư, những ngôi nhà mới khang trang, đường bê tông sạch sẽ... là minh chứng cho sự khởi sắc của vùng quê nghèo.
Về Hà Đông ngắm nhà sàn vách đất

Về Hà Đông ngắm nhà sàn vách đất

(GLO)- Trên địa bàn xã Hà Đông (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) hiện còn 12 nếp nhà sàn vách đất, lợp mái ngói. Chẳng phải do đời sống khó khăn, mà kiểu nhà ấy phù hợp với điều kiện khí hậu nơi này, còn gia chủ thì luôn mong muốn bảo tồn giá trị truyền thống đặc sắc của dân tộc.