Chuyện "dẫn thủy nhập điền" ở Chư Krêy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 1980, tôi được dự một buổi họp dân làng Sơ Rơn (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro). Ông Đinh Druk-nhân viên Văn phòng UBND xã Chư Krêy tuyên bố trước dân làng: “Tôi sẽ bắt chước người Kinh làm lúa nước 2 vụ trên khu rẫy trũng của tôi. Ai đi cùng tôi dẫn nước từ khe núi Chư Krêy về thì ủng hộ?”. Dân làng xôn xao khi nghe chuyện “dẫn thủy nhập điền” này.
Già làng Sơ Rơn ngồi bên bếp lửa giữa nhà rông, gõ gõ ống điếu lên thanh củi nói với Druk: “Ngàn đời nay, dân làng chỉ biết phát rừng làm rẫy. Mày học được cái hay, cái mới của người Kinh, dân làng đồng ý nhưng tao sợ lúa làm ra không đủ nuôi chim, chuột. Mày cứ thử xem!”.
Đinh Druk quyết tâm biến 1 sào đất trũng thành ruộng lúa 2 vụ. Cả gia đình ông lên đầu nguồn suối Đak Sơ Rổ cách ruộng gần 2 cây số để đắp một con đập bổi. Hàng ngày, ông cùng vợ con lên rừng chặt, chẻ ống tre thông mắt, nối lại, cột dựa theo những gốc cây rừng làm máng. Ròng rã mùa khô năm đó, nước đã chảy về đến ruộng. Gia đình ông hì hục làm đất, gieo mạ và cuối cùng là cấy lúa. Đất phù sa lâu năm đã nuôi cây lúa lên xanh tốt. Năm đó, ông ước tính nắm chắc thu hoạch cũng phải 1 kho lúa đầy. Không ngờ chỉ thấy được những bông lúa vừa cúi, vài ngày sau, chim chuột thi nhau “oanh tạc”. Thấy vậy, ông chẻ từng thanh tre cắm xung quanh chân ruộng. Mặt khác, ông đặt những cây tre chẻ hai, cột những sợi dây nối nhiều sợi về chung một mối, dựng lên một căn chòi cao, cắt cử người ngồi canh, cứ thấy chim bay đến là giật dây cho chim bay đi, đồng thời mắc bốn góc ruộng treo tòng teng những chùm chuông gió bằng ống nứa ngày đêm “lốc cốc, lốc cốc” đuổi chim. Lúc đầu thì có vẻ ổn, nhưng lâu ngày thành quen, chim vẫn cứ bình thản ăn lúa.
Năm đó, ông thu về vỏn vẹn hơn 2 gùi lúa cả chắc lẫn lép. Vợ chồng ông phải nhường cơm cho con nhỏ, lên rừng đào củ mài về ăn qua ngày. Tuy vậy, ông vẫn không nản chí. Ông nghĩ phải mở rộng diện tích và phát quang bụi rậm xung quanh ruộng lúa mới có thể hạn chế nạn chim, chuột cắn phá. Mặt khác, ông thuê người san bằng khu ruộng để cấy lúa.
Diện mạo nông thôn xã Chư Krêy (huyện Kông Chro) ngày càng khởi sắc. Ảnh: An Phát
Diện mạo nông thôn xã Chư Krêy (huyện Kông Chro) ngày càng khởi sắc. Ảnh: An Phát
Hơn 2 năm sau, tôi gặp lại già làng Sơ Rơn. Vừa thấy tôi, ông mừng ra mặt, cười lộ hàm răng phía trước bị cưa bằng: “Nhà thằng Druk giàu nhất khu này, có 4 kho đựng lúa từ ruộng. Hôm dự lễ cơm mới nhà nó, mình được ăn cơm dẻo. 6 nồi bảy cơm nấu ra mà không đủ cho dân làng ăn hôm đó. Cồng chiêng đánh suốt 3 đêm 2 ngày”.
Ngày khởi công công trình đập tràn Đak Sơ Rổ, ông Druk đã là Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã. Gặp chúng tôi, ông nói: “Già làng hồi đó còn bảo mình phải cúng 1 con bò để thần linh bảo hộ đuổi chim chuột cho, mình đồng ý cúng, nhưng dân làng phải làm cho mình xong cái ruộng, tuốt cái lúa xong mới chịu”. Tôi dạo quanh khu ruộng lúa của ông Druk gần 1 ha làm 2 vụ, thấy rất khả quan. Kế hoạch xây dựng công trình đập tràn Đak Sơ Rổ được khẩn trương hoàn thành thiết kế và được phê duyệt. Năm 1984, công trình được khởi công xây dựng gồm trên 30.000 m3 bê tông đá xây, hệ thống kênh mương dài gần 2 km. Sau hơn 2 năm thi công, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Huyện An Khê thời đó đã huy động nhân công của các xã phía Nam huyện (nay là huyện Kông Chro) về giúp san bằng cánh đồng gần 10 ha cho xã Chư Krêy.
Gần đây, tôi có dịp trở lại thăm công trình. Đường Trường Sơn Đông tráng nhựa thẳng tắp nối từ quốc lộ 19 vào trung tâm xã không còn gồ ghề lồi lõm gốc cây rừng lởm chởm như xưa, hai bên đường thi thoảng những dãy nhà nối nhau. Xa xa trên gò đồi là những ngôi nhà rẫy nằm lọt thỏm trong rừng mía non xanh trùng điệp. Cánh đồng nay đã trải màu xanh trên 40 ha đang thời kỳ ngậm sữa, gợn lên những đợt sóng lúa rập rờn. Hạ lưu con suối Đak Sơ Rổ vẫn ăm ắp nước đang trải mình giữa hai bên bờ các loại rau màu…
Tôi thầm nghĩ: Một khi con người đã đam mê, theo đuổi tới cùng một việc như câu chuyện làm lúa nước của ông Đinh Druk thì bao giờ cũng thành công.
AN SINH

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Nhiều biện pháp kiểm soát hoạt động kinh doanh online

Gia Lai: Nhiều biện pháp kiểm soát hoạt động kinh doanh online

(GLO)- Theo Luật số 56/2024/QH15 ngày 29-11-2024 của Quốc hội, trong đó có sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý Thuế (gọi tắt là Luật Quản lý Thuế sửa đổi, bổ sung), kể từ 1-4-2025, tất cả các sàn thương mại điện tử phải có trách nhiệm khấu trừ thuế của người kinh doanh trên sàn.

Pleiku: Hội thảo lần thứ nhất Lịch sử Đảng bộ phường Trà Bá (1975-2023)

Pleiku: Hội thảo lần thứ nhất Lịch sử Đảng bộ phường Trà Bá (1975-2023)

(GLO)- Hội đồng Chỉ đạo công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử của Đảng bộ TP. Pleiku vừa tổ chức hội thảo lần thứ nhất để thảo luận góp ý đề cương chi tiết Lịch sử Đảng bộ phường Trà Bá (1975-2023) vào chiều 12-2. Ông Võ Phúc Ánh-Phó Bí thư thường trực Thành ủy Pleiku chủ trì hội thảo.

Nghề nấu đường thủ công ở An Khê

Nghề nấu đường thủ công ở An Khê

(GLO)- Cách đây vài chục năm, bà con nông dân ở An Khê không bán mía cây như bây giờ mà tự thu hoạch mía, ép lấy nước, nấu lên thành đường thô, rồi mới bán sản phẩm này cho các cơ sở ly tâm đường. Các cơ sở ly tâm đường tiến hành tinh luyện đường thô thành đường vàng để xuất đi các tỉnh khác.

Huyện Đak Đoa tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về lập Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030. Ảnh: Hà Duy

Đak Đoa: Lấy ý kiến lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030

(GLO)- Ủy ban nhân dân huyện Đak Đoa vừa có thông báo số 5/TB-UBND về việc tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu của điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất huyện Đak Đoa.

Hội xuân ở xã Tơ Tung. Ảnh: Ngọc Minh

Hội Xuân ở xã Tơ Tung

(GLO)- Hội Xuân văn hóa-thể thao các dân tộc mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ năm 2025 và liên hoan văn hóa cồng chiêng lần thứ IV do UBND xã Tơ Tung (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) tổ chức ngày 7-2 thu hút nhiều người dân và du khách tham gia.