Chuyện cười ở làng Te nhỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- “Thằng đó chắc ăn cắp bò của mình?”. “Ông kia chắc ăn trộm lúa nhà mình?”. Ai bị mất cắp mà không bắt được quả tang thì cứ đưa đối tượng nghi vấn ra kiện già làng để xử theo “luật Tum b’rai” (tạm dịch là kiến bắt kẻ gian).  
Chuyện cũ rồi nhưng dân làng Te nhỏ (xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đều nhớ. Anh Ksor Hun kể: Nhà anh bị mất một cái nồi. Không bắt được kẻ gian mà cũng không tìm thấy người đáng nghi nên anh bèn nhờ già làng phân xử. Từ sáng sớm, mọi người đã lục tục kéo nhau ra bãi đất trống ngoài làng (không được xử trong làng). Mỗi người đều nắm khư khư trong tay mình 1 hạt gạo. Không giấu được sự hồi hộp lo âu trên mặt nhưng ai cũng cố tỏ ra vui vẻ, bởi ai cũng thầm tin rằng Yàng sẽ khiến con kiến tìm đúng người ăn cắp.
Chọn chỗ đất thật phẳng, già làng lấy tay gạt sạch bụi rác. Rồi vừa lẩm nhẩm đếm số nhà trong làng, ông vừa thận trọng cắm lên mặt đất những chiếc que nhỏ, cao độ 1 gang tay. Đủ mỗi nhà một que rồi, già làng phẩy tay ra hiệu. Mọi người rón rén đi đến đặt hạt gạo của mình mang theo lên ngọn que.
“Ơi Yàng hãy về đây chứng kiến!”. Vừa đập tay đánh bộp xuống đất, già làng vừa ngân nga lời khấn: “Hãy cho con kiến sáng cái mắt, tỏ cái tai; không cắn nhầm hạt gạo của người tốt, không cắn lung tung hạt gạo người ngay. Hãy cắn cho đúng hạt gạo của người ăn cắp! Hú…!”.
 Anh Ksor Hun (thứ 3 từ phải sang) giải thích cho thanh niên làng nghe luật Tum b’rai (ảnh chụp năm 2005). Ảnh: Ngọc Tấn
Anh Ksor Hun (thứ 3 từ phải sang) giải thích cho thanh niên làng nghe luật Tum b’rai (ảnh chụp năm 2005). Ảnh: Ngọc Tấn
Tiếng hú của già làng vang xa mấy dãy rừng. Ai nấy đều nín thở, căng mắt ngó hạt gạo của mình… Mặt trời sắp đi qua đầu mà chưa thấy con kiến nào trèo lên ăn, người ta bắt đầu thở to dần. Có người chịu không nổi phải ngồi xuống cho đỡ mệt.
Giữa lúc không khí của “buổi xử án” đang chùng xuống, bỗng có người la to: “Ô kìa, hạt gạo nhà Rơ Châm Chi rớt rồi, thấy được người ăn cắp rồi!”. Cũng cần nói rõ thêm thế này: Thông thường, hễ con kiến trèo lên ăn hạt gạo của ai thì người đó là kẻ cắp. Tuy nhiên, cũng không nhất thiết phải “máy móc” như vậy. Trong thời gian chờ đợi, hễ hạt gạo của ai bị rớt, dù bất kỳ với lý do gì (ví dụ do con ruồi đậu lên, con ong bay qua, thậm chí là do… gió thổi) thì đấy là kẻ cắp. Cũng là Yàng mách cho cả thôi.
Rơ Châm Chi đỏ bừng mặt, cái cổ nổi hết gân lên để cãi rằng mình không ăn cắp. Không sao, hãy còn một cửa nữa cho ông Chi: Hoặc là thi lặn nước với người bị mất cắp (thắng thì giải được oan, thua thì chịu) hoặc già làng sẽ chọn bất kỳ một người nào đó trong làng, ông Chi sẽ cùng người ấy chặt 2 nhành cây tươi đem cắm xuống suối. Nếu nhành cây của ông Chi không trổ được lá non hoặc héo trước thì phải chịu là kẻ gian…
Bói cách này thì phải chờ lâu, ông Chi muốn tỏ bụng mình bằng thi lặn nước. Kết quả, ông Chi bị thua. Không cãi vào đâu được nữa, ông phải đền 1 con heo. Chịu thì chịu nhưng ông vẫn hậm hực mãi. Sau này mới biết hóa ra không phải ông Chi ăn cắp mà là em trai ông!
Và đây lại là một câu chuyện khác. Tháng 2 rảnh rỗi, lại mới có tiền bán mì, ông Rơ Lan Klunh làm một bữa rượu ở chòi rẫy mời mọi người uống chơi. Nói “uống chơi” nhưng rồi vui miệng, đến xế chiều thì ai nấy đều say. Ngật ngưỡng đi về nhà, ông Klunh chợt nghe tiếng con gái gọi. Thì ra, nhà nó cũng đang uống rượu. Ông ghé vào. Vừa cầm lấy cái cần thì chợt nghe vợ ông kêu lên hốt hoảng: “Tiền bán mì được hơn 1 triệu đồng mất tiêu rồi!”.
Cơn say vụt biến mất. Ông Klunh ngồi thừ ra, bụng như có bàn tay con gấu đang cào. Xót muốn khóc lên được! Rũ rượi một lúc, ông chợt nhớ ra: Chắc là thằng Ken ăn cắp quá! Bởi là lúc ấy uống chưa hết rượu mà nó đã sầm sầm bỏ đi. Xuống chân cầu thang thì gặp vợ ông đi lên, may mà nó kịp ôm lấy cái cột không thì ngã rồi. Khi ấy, ông cứ nghĩ nó say. Hóa ra, nó ăn cắp tiền nên sợ, phải đi kiện già làng thôi!
Một cuộc xử kiện lại diễn ra với nghi thức hệt như lần trước. Khác chăng là do đã xác định được “đối tượng nghi vấn” nên chỉ cắm 2 hạt gạo... Mặt trời lên khỏi đầu rồi lại chui xuống núi mà chẳng thấy con kiến nào. Cả gió cũng không nốt. 2 hạt gạo cứ im lìm trên cọc. Bấy giờ, ông Ken mới ra miệng, mắng chửi ông Klunh. Không biết nói sao, ông Klunh đành ngồi im. Đắc thắng, ông Ken thách: “Nếu bụng mày chưa hết nghĩ tao là thằng ăn cắp thì ra suối thi lặn nước cho rõ. Dám không?”. Ông Klunh cố cười nhưng mặt thì tái mét: Sợ rồi!
Năm 2005, tôi được nghe kể về luật tục nghe cứ như chuyện cười này từ anh Ksor Hun-bấy giờ là Phó Trưởng thôn. Cách đây không lâu, tình cờ gặp lại, tôi hỏi anh: “Tục Tum b’rai nay còn không?”. Anh cười ngất: “Làm gì mà còn”. Rồi anh chép miệng: “Hồi đó, làng chưa có ai học quá lớp 5. Trường cấp II cách làng chưa tới 2 cây số nhưng chẳng ai muốn đi. Cứ đến lớp 3, 4 là bỏ. Trưởng thôn, Phó Trưởng thôn cũng chỉ mới học đến lớp 4. Học thế, lệ tục lạc hậu nó ám cho là phải!”.
NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm

Hội nghị góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

(GLO)- Ngày 8-11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai tổ chức góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Hội nghị do PGS. TS Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì.

Lễ khánh thành lưới điện xã Tơ Tung đưa điện về quê hương Anh hùng Núp (ảnh ông Nguyễn Quang Hiền cung cấp).

Chuyện đưa điện lưới về làng Anh hùng Núp

(GLO)- Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, diện mạo làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) ngày càng khởi sắc. Một trong những yếu tố then chốt làm nên sự “thay da đổi thịt” trên quê hương Anh hùng Núp chính là quyết tâm đưa điện lưới quốc gia đến với Stơr từ năm 1996 của UBND tỉnh.

Kbang chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường

Kbang chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường

(GLO)- Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ đạo triển khai thực hiện thu gom, xử lý rác thải đảm bảo quy định, huyện Kbang cũng đã ưu tiên nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT), góp phần gìn giữ cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.

Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh diễn ra vô cùng hấp dẫn. Ảnh: PHẠM QUÝ

Hội tụ bản sắc văn hóa vùng biên

(GLO)- Qua 5 lần tổ chức, Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã trở thành sự kiện tôn vinh, quảng bá bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng đất nơi biên cương Tổ quốc.