Chuyện của các F0 ở TP. Hồ Chí Minh chiến thắng Covid-19 (Bài 1): Nước mắt của những người cận kề "cửa tử"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiễm Covid-19 nặng và nguy kịch, nhiều bệnh nhân ở TP.HCM không tin được rằng họ lại được hồi sinh nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của các y - bác sĩ. Ngày ra viện là ngày những giọt nước mắt tuôn rơi trên đôi má mỗi người.
 
Ông Nguyễn Công Phùng ngồi xe lăn trong ngày ra viện. Ảnh: BVCC
Ông Nguyễn Công Phùng ngồi xe lăn trong ngày ra viện. Ảnh: BVCC
"Tôi đã được hồi sinh"
Chị Đặng Mỹ Trinh (quận 7) nghẹn ngào kể lại: "Tôi mắc Covid-19, khó thở, không thở được, tưởng chết rồi, may được đưa vào bệnh viện kịp thời. Những ngày nằm ở đây là những ngày tôi chứng kiến các bác sĩ tất bật luôn tay luôn chân lo cho từng người. Ngày tôi được bác sĩ thông báo cho xuất viện, tôi rơi nước mắt vì không nghĩ rằng sẽ có ngày mình được về nhà".
Vẫn phải ngồi trên xe lăn, ông Nguyễn Công Phùng cho biết, ông đã bước một chân vào "cửa tử" vì khi nhập viện, bệnh ông nặng đến mức phải lọc máu, nhưng lần lọc máu đầu tiên thất bại. "Tôi tưởng mình sẽ chết. Lúc đó, tôi nhìn mọi vật đều mờ hết, không còn sức để nói, thậm chí để thở. Các bác sĩ quyết định lọc máu lần 2 cho tôi, may sao lần này thành công. Tôi chỉ còn biết cảm ơn các bác sĩ. Nếu không có lần chỉ định lọc máu thứ 2 đó, tôi đã chết rồi", ông Phùng tâm sự.
Không giấu những giọt nước mắt đang rơi, bà Lê Thị Tuyết (quận Bình Tân) chia sẻ, khi mắc bệnh, bà được đưa vào Bệnh viện quận Bình Tân. Rồi bà vẫn liên tục sốt cao, không thở được, Bệnh viện quận Bình Tân chuyển thẳng bà lên Bệnh viện Hồi sức Covid-19 khi bà đã trong tình trạng nguy kịch. Những ngày nằm tại khoa ICU là những ngày bà chiến đấu giữa lằn ranh sinh tử cùng sự nỗ lực không mệt mỏi của các y - bác sĩ.
Ngày bà nhận được tin được ra viện, bà khóc như đứa trẻ rồi nói: "Tôi đã được hồi sinh. Chỉ còn biết cảm ơn, cảm tạ các y - bác sĩ".
 
Những giọt nước mắt xúc động của bà Tuyết trong ngày ra viện. (Ảnh: BVCC)
Những giọt nước mắt xúc động của bà Tuyết trong ngày ra viện. Ảnh: BVCC
Phải chiến đấu đến cùng
Khoảng đầu tháng 7, công ty của chị Trần Thị Mỹ Việt (42 tuổi, ngụ quận 12) có người mắc Covid-19, chị là F1, được cho nghỉ ở nhà và tự cách ly. Khoảng 1 tuần sau, chị bắt đầu có các triệu chứng mệt mỏi, đau nhức, không ngủ được. Chị quyết định đi xét nghiệm tại Bệnh viện Quân y 175.
Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần trước, nhưng khi nghe thông báo kết quả dương tính, chị vẫn lo lắng không thể ăn uống được. Chị được đưa vào khu cách ly của bệnh viện để đợi chuyển đến khu cách ly tập trung. Nửa đêm, các nhân viên y tế phát cho mỗi người một bộ đồ bảo hộ, rồi lên xe đến khu tái định cư ở TP.Thủ Đức.
"Đến nơi, chúng tôi không được xuống xe vì phải chờ điều phối phòng. Nhìn qua cửa kính, tôi thấy hàng chục xe 50 chỗ, xe cấp cứu nháy đèn liên tục đang xếp hàng dài để chờ đến lượt. Một khung cảnh u ám mà tôi chưa từng thấy và nghĩ đến…", chị Việt kể.
Sau đêm đầu tiên ở khu cách ly tập trung, chị Việt tỉnh dậy trong tâm trạng sợ hãi, hoang mang. Trong phòng có một người lớn tuổi hơn chị Việt tâm trạng rất bi quan, một người còn lại nhỏ tuổi hơn chị nhưng triệu chứng có vẻ nặng, ho rất nhiều. Tuy nhiên, từ khi có dịch Covid-19, chị Việt tìm hiểu rất kỹ về căn bệnh này để tự bảo vệ mình.
 
Căn hộ của chị Việt được gắn bảng do có F0 cách ly tại nhà. Ảnh: NVCC
Căn hộ của chị Việt được gắn bảng do có F0 cách ly tại nhà. Ảnh: NVCC
"Nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, tôi xác định mình sẽ phải sống chung với con virus và ít nhất cũng phải ở khu cách ly này 21 ngày. Tôi trấn an, động viên hai chị em còn lại trong phòng để cùng nhau dọn dẹp phòng cho sạch sẽ…", chị Việt kể.
Những ngày trong khu cách ly, cơm cũng không nuốt nổi do cơm sống nhiều hơn cơm chín. "Khổ lắm nhưng mình cũng phải thông cảm cho ngành y tế, thật sự rất quá tải, họ cũng rất vất vả. Vấn đề với tôi giờ đây là đối phó với virus, chứ không phải những thiếu thốn, khó khăn này…", chị Việt nhớ lại.
Đến ngày thứ 5, chị mất vị giác, khứu giác, tiêu chảy, khó thở và mất ngủ… Chị tích cực xông hơi mũi, miệng bằng chanh, sả, gừng 3-4 lần/ngày kèm uống thuốc.
Ngày thứ 8, sức khỏe của chị ổn hơn. Chị tiếp tục uống thuốc khi sốt, mệt, xông hơi mũi miệng bằng sả, gừng và quan trọng, chị luôn giữ tâm lý thoải mái nhất có thể.
Sau chuỗi ngày kiên cường chiến đấu với dịch bệnh ở khu cách ly, ngày thứ 12, phòng chị đón nhận tin vui từ cơ quan y tế khi cả 3 được cho về nhà cách ly. Dù được xuất viện về nhà nhưng sức khỏe của chị Việt vẫn còn khá yếu, vị giác, khứu giác vẫn chưa thể lấy lại và đặc biệt là khó thở, mất ngủ, thiếu tập trung.
"Tôi xác định là virus vẫn còn trong người, vì thế mình phải tiếp tục chiến đấu và diệt tận gốc nó", chị Việt nói.
Ngoài các phương pháp điều trị chị vẫn áp dụng từ trong khu cách ly, hàng ngày, chị bổ sung thêm vitamin từ trái cây, tập thể dục nhẹ, tập thở để hồi phục phổi. Sau 10 ngày về nhà, sức khỏe của chị đã hồi phục 90%. "Với tôi, tâm lý là một trong những liều thuốc quan trọng. Bản thân mình phải lạc quan, phải chủ động đối phó với nó. Nó sẽ tấn công bạn rất mạnh nếu bạn chán nản, buồn rầu và lo lắng", chị Việt chia sẻ.
(Còn nữa)
Bài 2: Chuyện của những F0 xung phong ở lại bệnh viện
Theo Bạch Dương (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.