(GLO)- Lời Tòa soạn: Chiều 15-10, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), Ban Dân vận Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức tọa đàm kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930-15/10/2020). Đến dự tọa đàm, đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có bài phát biểu quan trọng. Báo Gia Lai điện tử trân trọng giới thiệu.
Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Phương Linh |
Hòa chung trong không khí thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng; hôm nay, Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức tọa đàm kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930-15/10/2020). Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi gửi tới toàn thể các đồng chí dự tọa đàm lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Chúc công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh tiếp tục giành được nhiều thành tích mới trong thời gian đến.
Từ khi Đảng ta được thành lập đến nay, trải qua 90 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Ðảng luôn đặt công tác dân vận là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, công tác dân vận của Đảng đã góp phần tuyên truyền, vận động, tổ chức nên những phong trào cách mạng rộng lớn, động viên sức người, sức của, huy động được sức mạnh của toàn dân làm nên những chiến thắng vẻ vang, những chiến công hiển hách, giải phóng dân tộc, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Trong sự nghiệp đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác dân vận đã góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, tạo tiền đề cho thời kỳ phát triển mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Phát huy truyền thống công tác dân vận của cả nước, công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh Gia Lai cũng phát triển không ngừng. Ngay từ những ngày đầu mới thành lập Đảng bộ tỉnh (10-12-1945), trải qua chặng đường 75 năm, với các tên gọi khác nhau, công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh với nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng đã cổ vũ, động viên nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát huy cao độ tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu, truyền thống đoàn kết keo sơn giữa các dân tộc anh em cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân làm nên các chiến thắng kẻ thù xâm lược.
Bước vào giai đoạn mới của cách mạng hiện nay, giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hệ thống công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh đã đóng vai trò rất quan trọng trong xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thi đua yêu nước, lao động sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh đề ra.
Ghi nhận những đóng góp quan trọng của công tác dân vận không thể không nói đến đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận. Đảng bộ tỉnh luôn quan tâm về tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp. Các lực lượng làm công tác dân vận thực sự thấm nhuần phương châm: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, từng bước đáp ứng yêu cầu công tác dân vận trong tình hình mới.
Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng thành tích trong công tác dân vận của đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận tỉnh nhà qua các thời kỳ.
Với tinh thần thẳng thắn và cầu thị, chúng ta cũng nhận thấy những khó khăn, hạn chế của công tác dân vận cần được khắc phục, đó là: Công tác tham mưu của hệ thống dân vận có lúc chưa theo kịp yêu cầu phát triển của tỉnh; một số nội dung, phương thức tập hợp, vận động nhân dân chưa thật phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Vẫn còn những cán bộ, đảng viên chưa thật sự gần dân, trong thực thi công vụ còn gây phiền hà, sách nhiễu đối với nhân dân, điều đó đã phần nào làm giảm lòng tin trong một số người dân đối với cấp ủy, chính quyền.
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Phương Linh |
Nhằm phát huy truyền thống công tác dân vận của Đảng, khắc phục những khó khăn, hạn chế nêu trên, trong thời gian tới, tôi đề nghị cán bộ ngành dân vận và công tác dân vận cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt quan điểm của Đảng về công tác dân vận là trách nhiệm của tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị, của mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Các lực lượng trực tiếp làm công tác dân vận, trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội làm tham mưu và nòng cốt. Tôi mong muốn cán bộ của ngành dân vận trong tỉnh phải nhận thức sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò công tác dân vận, xác định công tác dân vận là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội vững mạnh.
Hai là, trước yêu cầu nhiệm vụ hiện nay, từ thực tiễn cuộc sống đã xuất hiện nhiều vấn đề mới, tác động nhiều chiều đến công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh, cả thuận lợi, khó khăn, thời cơ và thách thức đan xen. Vì vậy, nhiệm vụ của công tác dân vận trong thời gian tới phải góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức chính trị, thống nhất tư tưởng và hành động về tăng cường xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Ba là, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các văn bản của Đảng về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo và việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, làm tốt công tác dự báo, phân tích tình hình, để kịp thời tham mưu Tỉnh ủy có những chủ trương đúng đắn, phù hợp, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, cũng như yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước nói chung và tỉnh ta nói riêng.
Bốn là, Ban Dân vận, Mặt trận, các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp và các ngành chức năng cần có sự phối hợp đồng bộ để làm tốt công tác dân vận; không ngừng củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Tiếp tục đổi mới tư duy, phương pháp làm công tác dân vận theo hướng “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; thực hiện hằng tuần có ít nhất 1 ngày đi cơ sở và việc đi cơ sở phải thật sự hiệu quả.
Năm là, ngành dân vận cần chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy Đảng quan tâm bố trí cán bộ có năng lực, uy tín làm công tác dân vận; chỉ đạo phân công lãnh đạo phụ trách công tác dân vận; coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận; gắn công tác dân vận với công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; triển khai có hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”, trong đó chú trọng xây dựng, nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” có hiệu quả.
Một lần nữa, tôi biểu dương những kết quả đạt được trong công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ. Tin tưởng rằng, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận của tỉnh sẽ luôn tận tụy, phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác; cùng toàn Ðảng, toàn quân và nhân dân các dân tộc trong tỉnh vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng tỉnh Gia Lai ngày càng giàu, mạnh.
----------------------
(*) Đầu đề do Báo Gia Lai điện tử đặt.